Mẹ đảm bật mí cách tận dụng đồ tái chế trồng cả vườn cây trái tốt tươi: Cả nhà vừa khỏe vừa vui, con lại thỏa sức sáng tạo

Lam Anh,
Chia sẻ

Chỉ sau khoảng 2 tuần là hai mẹ con chị Hòa đã “thu hoạch” được rất nhiều cây lớn đang đơm hoa kết trái, đem treo ở ban công hoặc tường rào đúng là cực xinh!

Trong khi nhiều người vẫn còn đang cảm thấy khó chịu, buồn chán vì dịch dã, phải hạn chế ra ngoài đường thì chị Hòa Nguyễn (31 tuổi, Bình Dương) đã nhanh chóng tìm ra niềm vui từ việc cùng con trồng cây và các loại rau trái.

Tìm niềm vui với cây xanh trong những ngày Sài Gòn giãn cách

"Mùa hè mọi năm nhà mình sẽ dành thời gian đi du lịch, từ khi bé mấy tháng tuổi mình cũng ráng tha con đi. Thế nhưng 2 năm nay thì mùa hè thật sự là ảm đạm, cả gia đình không những không đi đâu, ba thì công tác Hà Nội mấy tháng không được về nhà, mà bé ở giai đoạn từ 3 tuổi trở lên là giai đoạn vàng để khám phá thế giới.

Thật may là nhà mình có 1 khoảng vườn rất rất nhỏ, nên mình đã tìm hiểu trên mạng cách tái chế hộp sữa cho bé tập trồng cây và sáng tạo, tuy bé tô chát tá lả nhưng trồng cây lên thật sự vẫn thấy rất xinh. Và điều quan trọng là cả nhà mình luôn vui vẻ!" – chị Hòa nói.

Mẹ Sài Gòn tận dụng đồ tái chế trồng cả vườn rau tươi tốt: Cả nhà vừa khỏe vừa vui, con lại thỏa sức sáng tạo - Ảnh 1.

Được ngắm nhìn cỏ cây, hoa lá tươi tốt mỗi ngày, gia đình chị Hòa cũng cảm thấy bình an hơn trước bệnh dịch.

Tận dụng tất tần tật những đồ thừa, định vứt bỏ trong nhà để trồng cây, ươm mầm

Bằng cách này, chi phí để tạo một "khu vườn" ngay tại ngôi nhà của chị Hòa đã giảm đi rất nhiều và bất cứ ai cũng có thể áp dụng được.

Theo chia sẻ của chị Hòa, việc đầu tiên chúng ta cần làm chính là thu gom các hộp sữa bột của bé lại, loại 400gr - 850gr - 1,6kg đều được. Sau đó rửa sạch vỏ ngoài của các hộp sữa đó. Thành phần sữa rất tốt cho cây nên chị Hòa để lại, không cần rửa, chỉ cần lưu ý lúc hết sữa đậy kín nắp để tránh sữa bám sót lại bị mốc. 

Mẹ Sài Gòn bật mí cách tận dụng đồ tái chế trồng cả vườn cây trái tốt tươi: Cả nhà vừa khỏe vừa vui, con lại thỏa sức sáng tạo - Ảnh 2.

Chị Hòa tận dụng các vỏ hộp sữa đã hết cho công cuộc trồng cây ở nhà.

Dưới đây là một số vật dụng cần chuẩn bị trước khi tiến hành trồng cây cùng bé:

- Hộp thiếc sữa bột
- Màu acrylic các màu (mua trên shopee)
- Sơn dạng phun bình màu trắng, xanh dương nhạt - đậm hay đen tuỳ sở thích
- Búa nhỏ cầm tay có phần chuôi gỗ và phần nhổ đinh
- Đinh 10: 2 cái
- Bao tay: 2 đôi
- Ghế nhỏ hoặc rổ nhựa để bé kê: 1 cái
- Bay xây size nhỏ nhất để xúc trộn đất
- Dây kẽm bọc nhựa
- Cọ vẽ hoặc là dùng cọ trang điểm cũ bỏ đi
- Bìa carton size tầm 50-1000cm để lót: 2 tấm
- Đất thịt, phân trùn quế, phân gà viên, nấm trochoderma, cây giống (hoặc hạt giống), dây trầu bà, cành lan chi, hoặc cành đô la xanh.


Bố mẹ nên giúp con sơn những chiếc vỏ hộp này để tránh trường hợp không may con xịt vào mắt, mặt...

Cách làm:

- Lót tấm bìa thứ nhất xuống nền sân hoặc ban công, dùng bình sơn xịt xung quanh bề mặt hộp sữa 1 lớp mỏng thật đều để tạo nền màu, xếp tháp để chừng 15 phút cho khô, dọn tấm bìa bỏ đi.

- Lót tiếp miếng bìa carton còn lại làm nền cho bé tô vẽ, lót rổ nhựa hoặc ghế lên làm bàn vẽ cho bé. Sau đó dùng cọ vẽ, cho bé tô màu theo sở thích, có thể bé nhỏ thì không được đẹp nhưng các bố mẹ đừng lo, vì khi trồng cây xanh rủ xuống trông vẫn rất xinh xắn.

Chị Hòa tận dụng toàn bộ các vật dụng có sẵn trong nhà như: rổ làm bàn vẽ hay nồi đất để đựng màu cho con tô... 

Sau khi bé vẽ xong, phơi 1 ngày để các vỏ hộp khô hoàn toàn rồi tiếp tục làm theo các bước dưới đây:

- Dùng búa đóng đinh và đáy hộp từ 3 - 4 lỗ để thoát nước (bước này có thể cho bé tập) bằng cách đóng bên hông miệng hộp 3 lỗ để tạo giá treo. Bước này nếu bé quá nhỏ thì các bố mẹ nên làm thay con, vì độ khó hơi cao sợ trúng tay bé.

- Dùng dây kẽm bọc thiếc, treo thành 3 sợi dây cho chậu treo hoặc cột lên thành ban công, để nguyên lon nếu để bàn các ba mẹ nhé.

- Về phần trộn đất, chị Hòa cho biết hay trộn 50% đất thịt, 20% phân trùn quế, 10% phân gà viên, 1 nắm trichoderma cho 50dm3 đất, 10% còn lại dùng trấu hun hoặc xơ dừa đã qua xử lý, trộn kĩ, ủ 7 ngày.

- Tiếp theo là đổ đất vào hộp, trồng cây, sau đó tưới nước mỗi ngày là xong.


Nếu các ba mẹ có thời gian thì 7 ngày tưới đạm cá 1 lần cho rau ăn lá, 1 tháng tưới đạm cá 1 lần cho các loại kiểng như trầu bà, đô la, cỏ lan chi.

Ta da! Sau chừng 2 tuần là thấy cây lớn rất nhiều, treo ở ban công hoặc tường rào là cực xinh, nhà mình trồng rau để trên kệ hoặc là treo trên giàn nho - bầu - mướp, cây rũ xuống rất xinh. Nếu dài quá ba mẹ cắt bớt chừa lại 40cm độ dài và thêm đất để cây đẻ nhánh sum suê là có 1 khoảng xanh cực bắt mắt.

Một góc vườn xanh mướt với sự góp sức của con giúp cả nhà chị Hòa luôn tràn ngập sự vui vẻ và thoải mái.

"Bé nhà mình rất hào hứng với hoạt động trồng cây này. Từ ngày cho con tham gia vào hoạt động này, mình thấy con chăm chút rất cẩn thận. Hôm nào cũng ra ngóng vào trông xem cây trái đã lớn chừng nào. Thấy con vui vẻ mỗi ngày, vợ chồng mình cũng cảm thấy hạnh phúc hơn." - chị Hòa chia sẻ.

Cùng xem những khoảnh khắc ngập tràn hạnh phúc của hai mẹ con chị Hòa bên vườn cây trái xanh mướt tự trồng trong những ngày giãn cách nhé:

Những ngày giãn cách, cả nhà chị Hòa vẫn luôn có rau sạch ăn ngon mỗi ngày mà không phải lo lắng bất cứ điều gì.

Mẹ Sài Gòn bật mí cách tận dụng đồ tái chế trồng cả vườn cây trái tốt tươi: Cả nhà vừa khỏe vừa vui, con lại thỏa sức sáng tạo - Ảnh 8.

Ngoài việc kích thích sự sáng tạo của con, thông qua việc trồng cây trái tại nhà, bố mẹ còn có thể dạy con các bài học kiến thức bổ ích về các loại cây, đất đai,...

Bố mẹ có thể tìm mua các vật dụng để trồng cây tại nhà theo hướng dẫn trên:

- Các loại hạt giống trồng cây tại Shopee, Tiki hoặc Lazada.

- Màu nước cho bé tô màu tại đây.

- Sơn xịt cầm tay tại đây.

Chúc mọi người thành công và đừng quên chia sẻ những bức hình thật xinh xắn cùng chúng tôi, đính kèm hashtag #GianCach2TuanNgonNgay nhé!

Mẹ Sài Gòn bật mí cách tận dụng đồ tái chế trồng cả vườn cây trái tốt tươi: Cả nhà vừa khỏe vừa vui, con lại thỏa sức sáng tạo - Ảnh 10.

Chia sẻ