Mẹ ơi, thằng Cún rất ngu!

Maika,
Chia sẻ

Thời gian gần đây, hễ cu Cún nhà hàng xóm lảng vảng gần cổng là thằng Tiến - con chị lại vội vàng chạy ra đóng sập cửa lại, không cho bạn nhìn vào nhà.

Thấy cậu con trai lên 7 của mình đang đứng dang chân, tay thì chống nạnh, giọng nói oang oang đầy thách thức với nói cậu bé con nhà hàng xóm: “Nhà mày thì làm gì có xe máy đẹp như nhà tao, nhà mày cũng không có nhà to, lại còn nghèo và ăn mặc thì rách và bẩn…”. Chị Liên vội vàng lên tiếng quát con thì cu Tiến nhanh nhảu chạy lại níu áo mẹ: “Mẹ ơi! Thằng Cún rất ngu, nó học không giỏi bằng con, nhà nó thì nghèo mà cứ đòi chơi với con và bạn Huy, nó lại còn xin con cho nó ngồi lên ô tô của con nữa”.

Nghe thấy con nói vậy, chị Liên giật mình, không biết thằng nhỏ dạo này học đâu cái thói so sánh giàu nghèo, phân biệt bạn bè như thế. Thảo nào thời gian gần đây, hễ cu Cún lảng vảng gần cổng là thằng Tiến con chị lại vội vàng chạy ra đóng sập cửa lại, không cho bạn nhìn vào nhà. Nghĩ con mới chừng này tuổi đầu đã căn ke giàu nghèo, không biết lớn lên sẽ thế nào chị Liên cảm thấy ái ngại không biết đe nẹt con cách nào.

Nhiều bậc cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái bất ngờ gặp phải tình huống con mình bỗng trở nên hống hách kiêu căng với những gì mình có và mình đạt được mà đối xử với bạn bè và những người xung quanh một cách không công bằng. Để con luôn nhìn nhận được giá trị tích cực và sự khiêm tốn trong cuộc sống, cha mẹ hãy:

Dạy con biết hài lòng nhưng không kiêu ngạo

Khi nuôi dạy con cái, cha mẹ hãy hướng những đứa con thân yêu của mình trở thành những cô bé, cậu bé tuyệt vời nhất, giàu lòng nhân ái, biết đồng cảm và chia sẻ với người khác những khó khăn mà họ gặp phải. Cha mẹ hãy làm cho các con có sự hài lòng nhưng không kiêu ngạo với những gì mà con đã có hoặc đã làm được.

Khi thấy con liên tục chê bai bạn bè này kia, cha mẹ hãy phân tích để con hiểu rằng con sẽ rất tuyệt vời nếu con có thể dùng những điểm nổi trội của bản thân để giúp đỡ người khác, con sẽ được mọi người biết đến khả năng, họ sễ cảm ơn và nể trọng con hơn. Hãy làm cho con thấy rõ giá trị thực sự của đức tính khiêm tốn.
 
Hãy dạy con khiêm tốn và nhã nhặn với những người xung quanh (Ảnh minh họa).

Hãy làm cho con hiểu, người khác cũng đáng được tôn trọng

Trong một chừng mực nào đó, cha mẹ bằng lý lẽ, hãy phân tích cho con hiểu rằng vì điều kiện không may mắn nên bạn bè của con mới rơi vào hoàn cảnh khó khăn, vậy nên họ cũng đáng được tôn trọng, không có gì đáng để con chê bai, giễu cợt họ vì những điều họ không hề mong muốn đó. Cha mẹ hãy gợi ý để con trẻ nhận thấy việc mình giúp đỡ bạn bè lúc này là điều nên làm chứ không phải là đi giễu cợt bạn mình lúc họ đang đau khốn khó.

Giúp con nhận ra sai sót

Khi một đứa trẻ kiêu ngạo, nó sẽ không thừa nhận sự sai sót của mình, vì thế, cha mẹ phải là cầu nối giúp con hiểu được bản chất vấn đề. Hãy giúp con ghi nhớ rằng con sẽ luôn có khả năng phạm phải những sai lầm khi đánh giá một ai đó.

Hãy là tấm gương cho con, và là ví dụ sinh động, điển hình nhất giúp con thiết lập thói quen nói câu “xin lỗi” với người khác khi phạm lỗi lầm. Các mẹ hãy là người biết xin lỗi con vì những sai sót của mình trong cuộc sống, từ đó các mẹ có thể chỉ ra cho con thấy rằng việc chúng ta đã thừa nhận những sai sót là điều tất yếu. Nhiệm vụ của mẹ là hãy dạy trẻ một cách kiên nhẫn. Khi chúng ta dạy trẻ một cách ôn hoà, không la mắng hoặc dùng những lời lẽ không hay thì chúng ta đã làm mẫu cho trẻ thấy được được như thế nào là khiêm tốn.

Phạt nếu cần thiết

Nếu cần thiết phải phạt để con có thể tiến bộ hơn thì cha mẹ nên cân nhắc hình thức phạt con sao cho con có thể học hỏi và rút kinh nghiệm. Khi trẻ nói những lời lẽ thiếu tôn trọng người khác, cha mẹ hãy nhắc nhở và yêu cầu con chấm dứt lối cư xử bất lịch sự bằng cách nói: "Nếu con còn lặp lại hành động (lời nói) này, mẹ sẽ phạt con…”. Với sự dứt khoát và tỏ thái độ như vậy, chắc chắn trẻ sẽ dần dần trở nên khiêm tốn và nhã nhặn với những người xung quanh.

Chia sẻ