Mẹ là một bà mẹ đầy khiếm khuyết
Mẹ không hiểu cái gọi là "bản năng làm mẹ" mà người ta hay bảo sẽ lập tức thức tỉnh trong mỗi người phụ nữ khi họ có con là như thế nào. Mẹ chỉ cảm thấy mẹ hoàn toàn là một người mẹ vụng về đầy khiếm khuyết.
Mẹ: Đoàn Thị Mai Anh, SN 1988, chuyên viên thương mại.
Bố: Nguyễn Thành Chung, SN 1986, kỹ sư.
Con: Nguyễn Đình Anh, 19 tháng tuổi.
Mẹ Mai Anh hạnh phúc bên bé Nem.
Bố Nem đi làm xa cách mấy tháng mới về một lần. Từ lúc yêu nhau bố mẹ đã phải mỗi người mỗi nơi như vậy. Nhớ lại lúc biết mình mang thai, mẹ đã thật sự hoảng hốt. Không phải là cái hoảng hốt của người lần đầu làm mẹ đâu, mà lý do là vì… mới hôm qua mẹ vừa đi ăn sashimi cá hồi sống, tuần trước mẹ đi sinh nhật đứa bạn có uống tí bia, rồi mẹ còn đi massage nữa chứ. Không biết là con mẹ có ảnh hưởng gì không. Đó là còn chưa kể khi mẹ nhìn thấy que thử lên 2 vạch, nhưng vạch thứ hai rất rất mờ, mẹ đã... quăng xừ cái que đi luôn vì nghĩ mờ toẹt thế này chắc chắn là chưa có gì đâu. Mẹ của con dở hơi đến thế cơ chứ!
Mẹ con đặc biệt ham chơi. Vì bố không có ở nhà thường xuyên nên mẹ tự đi chơi, đi ăn, đi café hẹn hò cuối tuần với hội bạn thân và mua sắm chuẩn bị cho con. Bố ở nơi xa cũng háo hức, ngày nào cuối tuần cũng lượn lờ lúc thì mua áo len cho con (mặc dù trời Sài Gòn hiếm khi mặc được áo len), lúc thì mua bodysuit cho bé 18 tháng (cực kì khó hiểu con ạ!).
Mẹ biết mình nuôi con đầy khuyết điểm. Mẹ không kiểm soát được mỗi lần con làm sai, mẹ vẫn quen thói quát lên thỉnh thoảng làm con giật bắn.
Mẹ nhớ lần siêu âm con lúc 4 tháng. Lúc đó bố đang được nghỉ phép về với mẹ, bà nội cũng từ Hà Nội vào thăm. Bà nội đã năn nỉ ông bác sĩ khó tính để cả nhà có thể vào phòng siêu âm với mẹ. Lần đầu tiên mẹ được thấy con nhỏ bé đã dần thành hình, chứ không phải một dấu chấm tí xíu như những lần trước. Bà ngoại thì cứ nhấp nhổm "trai hay gái hả bác sĩ", bà nội thì cứ năn nỉ bác sĩ cho xem lại cái chân cái tay bé xíu. Bố thì ngạc nhiên đến độ chẳng nói được gì.
Mẹ nhớ lúc đó con quay mặt vào trong nên bác sĩ đã phải vỗ bụng mẹ bồm bộp để con đổi tư thế. Mẹ thấy rõ con giật mình vì bị đánh thức, huơ tay huơ chân trong bụng mẹ trông hết sức đáng yêu.
Mẹ đã dặn bố ngày dự sinh để bố sắp xếp về đón con. Nhưng vì mẹ nghe bảo con so thường sinh sớm nên mẹ "điều" bố về sớm hẳn một tháng so với dự sinh. Suốt 3 tuần bố mẹ mải miết đi chơi mà chẳng thấy con có tín hiệu muốn "ra ngoài chơi cùng" gì cả. Lần cuối đi khám vẫn chưa có dấu hiệu sinh, bố đã bảo mẹ chắc phải sinh mổ thôi vì bố sắp phải đi nữa rồi. Chắc con nghe thấy có sự "cưỡng bức bạo lực" nên tối hôm đó đã đạp mẹ bể ối đòi ra ngay. Lúc đó là 1h30 sáng, bố chỉ vừa chợp mắt ngủ được một chút đã bị mẹ dựng dậy. Tới bệnh viện, bác sĩ kiểm tra lại bảo chưa đẻ được đâu, mẹ nhận phòng về nghỉ trước. Đến 9h sáng mẹ mới được đẩy vào phòng sinh.
Và như thế, thời gian của bố bên con sau khi con chào đời chỉ vỏn vẹn đúng một tuần. Mẹ nhớ như in ngày bố phải đi, trời hôm đó mưa to, bố và bà nội chuẩn bị hành lý ở ngoài, mẹ ru con ngủ ở phòng trong mà không được ra phụ bố. Sau khi sắp xếp xong xuôi bố vào phòng chào tạm biệt con. Bố đã thủ thỉ: "Con trai ở nhà ngoan, không quấy mẹ và bà, bố đi rồi bố sẽ về với con, sau này con lớn thì bố con mình sẽ cùng nhau đi khắp thế giới nhé!". Ngạc nhiên là sau khi nghe bố nhắn nhủ xong thì con nhắm mắt ngủ ngon lành mặc dù trước đó mẹ ru thì cứ khóc quấy. Cứ mỗi lần nhớ đến hình ảnh này, hoặc có ai nhắc về bố thì nước mắt mẹ cứ rơi không kiểm soát được.
Thời gian của bố bên con sau khi con chào đời chỉ vỏn vẹn đúng một tuần.
Mấy tháng đầu con khó ngủ và ngủ ít, mẹ và bà cũng rạc người vì mệt mỏi. Mẹ đã từng nghĩ cuộc đời của mẹ vậy là xong rồi, chả còn gì đam mê và hứng thú nữa đâu. Mẹ đếm từng ngày trôi qua trên lịch, mong đến lúc con đầy tháng (vì mẹ nghĩ khi đầy tháng thì con sẽ bớt quấy hơn). Mẹ thậm chí "điên rồ" đến mức lật tờ lịch sang hẳn mấy trang hy vọng làm thế con sẽ lớn nhanh hơn.
Hồi còn bầu bí, mẹ cũng bày đặt đọc sách, nhưng mà lần nào cũng chỉ được 1 - 2 trang là buồn ngủ tít mắt. Đến khi con ra đời quấy khóc, mẹ lại ân hận vì không đọc được nhiều hơn. Rồi đến khi áp dụng cho con thì mẹ lại ước mình chưa bao giờ đọc gì cả để không bị sách vở chi phối. Mẹ từ bỏ sách vở và chỉ tập trung theo nhu cầu của con. Mẹ bắt đầu hiểu ra con không phải là "chuột bạch" của mẹ, con không thích cưỡng ép và con có nhu cầu riêng cần được mẹ quan sát và lắng nghe theo cách của mẹ.
Mẹ không phải người cuồng "sữa mẹ" nhưng mẹ cố gắng hết sức để cho con hưởng trọn vẹn đặc quyền này đến tận 18 tháng. Ngày nào đi làm mẹ cũng vác theo máy hút sữa, túi đá khô và lỉnh kỉnh dụng cụ. Có hôm mặc váy áo thùng thình, đi giày cao gót, lại vác theo nào túi nào giỏ mà mẹ đi bộ và ngã xòe trên đường dù chẳng vấp gì cả. Hay những lúc đi công tác đâu đó chỉ 1 ngày nhưng vẫn phải vác theo túi đồ to như đi buôn, mẹ đã nhủ thầm "Vậy là đủ rồi, phải dừng đi thôi" nhưng chả hiểu sao sau đó cũng chả dừng được. Mẹ nghĩ chỉ đến khi con chán và tự từ bỏ thì mẹ mới có thể ngưng.
Mẹ bắt đầu hiểu ra con không phải là "chuột bạch" của mẹ, con không thích cưỡng ép và con có nhu cầu riêng cần được mẹ quan sát và lắng nghe theo cách của mẹ.
Mẹ biết mình nuôi con đầy khuyết điểm. Mẹ không kiểm soát được mỗi lần con làm sai, mẹ vẫn quen thói quát lên thỉnh thoảng làm con giật bắn. Sau này con cũng có kiểu ăn vạ hét to quát to y như mẹ, mà mẹ biết chắc là con đã học theo rất nhanh. Mẹ vẫn không học được tính kiên nhẫn khi chơi cùng con. Khi mẹ dạy con một trò mới thì luôn muốn con phải học nhanh thuộc nhanh. Những lúc con không làm được thì mẹ lại tỏ sự thất vọng trước mặt con, mẹ biết mình không nên làm thế một chút nào cả. Mẹ vẫn phải nói xin lỗi con thường xuyên như vậy đấy.
Mẹ muốn con lớn nhanh lên để cùng mẹ đi chơi khắp nơi, khám phá mọi thứ ngoài kia và trở thành bạn đồng hành của mẹ. Nhưng đôi lúc nhìn lại những tấm hình hồi con còn bé tí xíu, mẹ vẫn thường ao ước con trở lại giây phút đó để được ôm con nhiều hơn. Mẹ biết con chỉ có thể lớn lên chứ không thể bé lại như trước. Vậy nên con hãy lớn thật chậm thôi, để mỗi ngày trôi qua mẹ vẫn "cảm nhận" được con mà vẫn có thể cùng con khám phá thế giới này nhé!
Chia sẻ từ mẹ Mai Anh