Mẹ Hà thành chia sẻ bí quyết ăn uống để bầu sinh đôi mà mỗi con vẫn nặng 3,4kg
Khi chào đời, cả hai bé trai sinh đôi đều nặng xấp xỉ 3,4kg - thậm chí cao hơn số cân nặng của nhiều em bé trong các ca mang thai đơn.
Từng "gây sốt" khi khoe những túi sữa vàng như nghệ, đặc quánh như váng sữa và nuôi hai bé sinh đôi Khôi Nguyên và Gia Khang (tên thường gọi là Patek và Phillipe) hoàn toàn bằng sữa mẹ, bà mẹ xinh đẹp đất Hà thành Vũ Diệu Thúy càng khiến các mẹ bỉm sữa sửng sốt hơn khi tiết lộ số cân nặng của hai bé lúc chào đời: mỗi bé nặng 3,4kg.
Với các mẹ mang thai đơn, số cân nặng này của con đã xếp vào mức cân khá cao, ấy thế mà đây lại là hai bé sinh đôi. Nhiều mẹ đã phải trầm trồ rằng bà mẹ xinh đẹp này sinh đôi mà còn nặng hơn cả sinh một. Diệu Thúy cũng hài hước chia sẻ: lúc chào đời, các bác sĩ tại bệnh viện quốc tế nơi chị sinh nở nói đây là hai bé sinh đôi to nhất lịch sử bệnh viện.
Ngay khi sinh ra, Khôi Nguyên và Gia Khang đã rất bụ bẫm.
Hai nhóc tỳ nặng cân như vậy nhưng nhìn vóc dáng Diệu Thúy khi mang thai, ngoài phần bụng khá to, cơ thể chị hầu như không bị béo lên nhiều. Thúy cho biết lúc mang thai đã tăng tổng cộng khoảng 17kg. Việc này lại một lần nữa khiến các mẹ bỉm sữa tò mò về thực đơn ăn uống lúc mang thai của Diệu Thúy để "ăn vào con mà không vào mẹ".
Được biết, khi mang thai con gái đầu lòng, Thúy tăng tới 20kg. Rút kinh nghiệm từ lần đó, lần mang thai thứ hai, chị ăn uống khoa học hơn, cụ thể như sau:
3 tháng đầu: Thúy vẫn ăn uống bình thường, chỉ bổ thêm axit folic, canxi, các loại vitamin A, C D... Theo Diệu Thúy, thời gian này, các mẹ bầu nên kiểm soát cân nặng ở mức tăng 1-2kg là vừa.
3 tháng giữa: Thai nhi bắt đầu phát triển nên bà mẹ mang song thai bắt đầu ăn uống để có chất cho con. Tuy nhiên, chị chia nhỏ các bữa thành 5-6 bữa 1 ngày. Có một điều lưu ý là Diệu Thúy không bao giờ bỏ ăn sáng, bởi theo chị: "Bỏ ăn sáng sẽ gây đói và khiến mẹ bầu dễ ăn nhiều vào buổi trưa và tối. Ngoài ra, bỏ bữa sáng cũng rất có hại cho mẹ và bé".
Thực đơn ăn uống của bà mẹ xinh đẹp này rất đa dạng, ăn nhiều trái cây và hạn chế tinh bột, ăn đầy đủ các chất đạm, chất xơ, chất béo. Chị luôn ưu tiên ăn nhiều cá, tôm đồng, cá hồi, cá tầm, trứng luộc, chim câu , lườn gà... riêng rau xanh ăn tăng gấp 2-3 lần...
3 tháng cuối: Thai nhi phát triển cân nặng nhanh nhất, nên Thúy vừa ăn uống vừa lắng nghe cơ thể và đi siêu âm thăm khám thường xuyên để điều chỉnh cân nặng cho mẹ và bé sao cho phù hợp. Con thừa cân thì ăn ít đi, còn con thiếu cân thì ăn tăng lên.
Hai bé lúc 10 ngày tuổi.
Ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc ăn uống khoa học trên thì cá nhân Diệu Thúy còn áp dụng hiệu quả một số bí quyết ăn uống dưới đây:
1. Ăn khoai lang vào giữa và cuối thai kỳ
Muốn con tăng cân nhiều mà không vào mẹ, hãy ăn 1-2 củ khoai lang vào buổi trưa. Theo kinh nghiệm của Diệu Thúy, khoai lang là loại thực phẩm "nhỏ nhưng có võ", vừa giúp bé tăng cân, tăng đề kháng, ngừa táo bón, tiểu đường lại tốt cho trí não thai nhi. Thúy thường nhờ chồng nướng khoai mật cho ăn hàng ngày. Nhờ vậy mà hai con tăng cân rất tốt nhưng mẹ lại không bị ảnh hưởng về cân nặng nhiều, thậm chí đến tháng cuối thai kỳ, bác sĩ còn nhắc nhở Thúy phải hãm ăn, vì sợ tăng cân quá nhiều thì... vỡ bụng mất.
Và lúc 12 ngày tuổi
12 ngày tuổi.
2. Nói không với sữa bầu
Không giống như nhiều mẹ bầu khác bắt đầu có thai sẽ "làm bạn" với sữa bầu, Diệu Thúy chỉ uống sữa tươi không đường và nói không với sữa bà bầu. Theo chị, sữa bầu "chỉ béo mẹ, không vào được bé bao nhiêu".
Với sữa tươi, Thúy chọn uống sữa tươi thanh trùng vì hạn sử dụng ngắn và không có chất bảo quản, chọn loại 450ml sẽ vừa lượng uống hàng ngày để tránh sữa bị hỏng vì để lâu không uống hết, uống đến đâu mua đến đó.
3. Không lạm dụng nước dừa và nước mía
Theo Diệu Thúy, nước dừa và nước mía dễ làm các mẹ bầu tăng cân, gây tích nước và dễ gây tiểu đường thai kì. Riêng mẹ nào thiếu cân hay bé quá nhẹ cân thì có thể uống nước mía, mẹ nào cạn ối thì uống thêm nước dừa cho trong ối nhưng tuần 1-2 trái thôi, không nên ngày nào cũng uống 1 trái cho con trắng trẻo như những lời đồn đại thiếu cơ sở khoa học.
4. Uống các loại sữa hạt
Có thể tự làm hay mua các loại sữa từ các loại hạt như sữa đậu nành, nước óc chó, hạnh nhân, nước mè đen... Sữa hạt giàu chất dinh dưỡng, chứa hàm lượng omega 3 cao nên nó kích thích sự tăng trưởng của thai nhi mà không làm mẹ tăng cân. Các mẹ có thể uống các loại sữa hạt thay thế cho sữa bầu.
Dù bụng bầu rất to nhưng Diệu Thúy vẫn rất xinh đẹp, năng động.
5. Uống đủ nước (2 - 2,5 lít nước/ngày)
Các mẹ bầu nên uống uống 8 ly nước mỗi ngày, nên uống nước ấm, không nên uống nước lạnh. Ngoài ra, có thể bổ sung các loại nước ép như nước cam, nước ép bưởi, sinh tố bơ...
6. Ăn nhiều trái cây, rau củ luộc
Ngoài 3 bữa chính, lúc nào Diệu Thúy cũng "tủ" sẵn trái cây, rau củ làm bữa phụ để ăn chống đói. Với các mẹ bầu lười ăn trái cây, rau củ có thể ép lấy nước, nhưng tốt nhất vẫn nên ăn trực tiếp vì cách này giúp giữ lại được chất xơ từ hoa quả, rau củ và không bị tích đường như nước ép.
Vợ chồng Diệu Thúy và bé Bông - con gái đầu lòng.
7. Thể dục thể thao nhẹ nhàng
Diệu Thúy khuyên rằng các bà bầu không nên nằm ì 1 chỗ: "Theo mình vẫn nên hoạt động nhẹ nhàng vừa khỏe mình, vừa khỏe bé. Có thể chọn các loại hình thể thao nhẹ nhàng như: Yoga cho bà bầu, đi bộ, bơi lội...".
Nhờ chăm chỉ tập luyện, vận động nên dù mang bầu sinh đôi, "bụng to vượt mặt" mà Diệu Thúy vẫn đi lại phăm phăm, đi làm đến ngày sinh luôn. Vận động không chỉ giúp mẹ bầu khỏe mạnh mà nó còn có tác dụng rõ rệt đến khả năng hồi phục sau sinh.
Với bà mẹ 3 con này, đây là lần sinh mổ thứ hai, lại là mổ sinh đôi, rất đau đớn nhưng Thúy cho biết cơ thể chị bình phục rất nhanh. Sau sinh 8h đã tự ngồi dậy cho con bú và sau 20h đã tự cầm chai nước truyền, tự đi vệ sinh được...