Mẹ dốc hết sức ru mãi em mới ngủ, anh làm hành động khiến ai nấy đứng hình: Đẻ mau nói chung cũng "nhàn"
Ai đó bảo đẻ liền nuôi 1 thể thì hãy vào đây mà xem!
"Đẻ tiếp đi rồi nuôi 1 thể", nhiều mẹ bỉm sữa than thở rằng họ thường xuyên phải nghe câu nói này mọi nơi, mọi lúc. Khi con mới 1 tuổi, có người đã nhắc "đẻ tiếp luôn đi rồi nuôi 1 thể", khi con lớn hơn một chút, người ta lại hỏi "đẻ tiếp đi, còn đợi đến bao giờ".
Dạo gần đây, trên mạng xã hội đang lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh người mẹ với 2 con của mình. Trong lúc em bé khoảng vài tháng tuổi đang nằm ngoan ngủ trong nôi thì người anh chừng 1,5 tuổi đi qua đi lại, vừa hét vừa nghịch đồ chơi tạo nên tiếng động rất lớn.
Dường như cậu anh đang rất muốn chơi với em nhưng em lại chỉ ngủ khì. Hơn nữa vì đang độ tuổi hiếu động và nghịch ngợm nên cậu bé rất thích chơi những đồ chơi tạo ra tiếng động lớn. Thấy cảnh này, mẹ chỉ còn biết quay lại clip để "làm kỉ niệm" mà thôi.
Mẹ dốc hết sức ru mãi em mới ngủ, anh làm hành động khiến ai nấy đứng hình
Trong trường hợp như trên, các mẹ thường làm gì? Lập tức đánh con vì đã làm em giật mình, cứ để yên muốn ra sao thì ra hay sẽ tìm cách nào khác. Nhiều mẹ đẻ liền tâm sự đã từng rơi vào hoàn cảnh này, việc đầu tiên họ làm là quát tháo, bắt con lớn phải im lặng. Thế nhưng em bé 1,5 tuổi lại quá nhỏ để hiểu nên con thường sẽ khóc to, gào thét, thậm chí giận dỗi và tổn thương vì bị mẹ mắng.
Lâu dần, hành động này sẽ khiến con lớn cảm thấy mình bị "ra rìa", sự xuất hiện của em kìm hãm nhiều thứ, đặc biệt là tình yêu của mẹ dành cho con. Thế nên, cách làm của bà mẹ trong clip lại được mọi người đồng tình, chỉ đơn giản là cho con được cảm thấy vui ngay lúc đó, sau đó sẽ dành thời gian cùng chơi với anh lớn ở một căn phòng khác, nhường lại không gian yên tĩnh cho em út.
Những bà mẹ đẻ liền có lẽ hiểu rõ tình cảnh này nhất, khi đứa lớn vẫn còn nhỏ mà lại sinh thêm đứa thứ 2. Các con đều cần tình yêu và sự bao bọc của mẹ, chưa đủ hiểu để nhường nhịn em hay thông cảm cho sự vất vả của mẹ khi một lúc chăm 2 đứa...
Khi các mẹ đẻ quá dày, bé đầu chắc hẳn sẽ không tránh được cảm giác tủi thân. Có người mẹ nào cầm lòng được trước câu nói "mẹ đừng ôm em nữa mẹ ôm con một tí được không?", "mẹ cho em ngủ rồi mẹ ôm con một chút với?", "mẹ không thương con nữa hả mẹ?". Thế nhưng mẹ chỉ ậm ừ vì còn mải trông em, đến khi em ngủ thì con lớn đã tự vật vã lăn qua lăn lại rồi ngủ mất từ lúc nào, chắc hẳn con đã rất cô đơn, tủi thân khi không có vòng tay của mẹ.
Rồi là khi bé lớn còn quá nhỏ chưa hiểu chuyện, thấy em tranh mẹ thì ghen tỵ nên ghét em ra mặt, khi thì bằng ánh mắt, đáng sợ hơn là đánh, quát, mắng em... và còn nhiều hơn thế nữa. Không chỉ con cái, người mẹ cũng dễ rơi vào tình cảnh stress vì chăm con mọn, nhất là khi 2 con cùng ốm. Bao năm chỉ loanh quanh trong nhà tã, sữa, cơm nước, tiếng khóc của con, sự bất hoà với chồng...
Một người mẹ khi không thể vui vẻ thì đứa con cũng khó mà hạnh phúc được. Vẫn biết con cái là lộc trời cho, đông con nhiều của, thế nhưng việc lựa chọn thời điểm nào để sinh bé tiếp theo là điều mà cả hai vợ chồng cần phải suy nghĩ thấu đáo. Con cái vốn là chuyện rất riêng của mỗi người, do bản thân quyết định chứ không phải vì một vài lời giục giã tưởng tốt bụng mà đầy khiếm nhã ngoài kia.
Hãy chia sẻ trách nhiệm, đừng tự làm khó chính mình nhé
Mẹ nào cũng muốn con cái được hưởng tình yêu thương trọn vẹn, dẫu có thêm em thì đó là khi cả hai bố mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng về cả kinh tế lẫn tinh thần, để con đầu không bị lạc lõng, tủi thân, để cả gia đình cùng vui vẻ, hạnh phúc, để người phụ nữ bớt stress, mệt mỏi.
Thế nhưng những chị em đã có 2 con "trứng gà trứng vịt" thì hãy cố gắng lên nhé! Hãy cố gắng dành thời gian cho các con chứ đừng bỏ mặc bé nào cả. Khi đang bầu em bé, hãy để con lớn được tâm sự, kể chuyện để con hình dung về sự có mặt của em, khi em ra đời thì mẹ cũng đừng chỉ chăm chú tập trung vào em mà quên đi con cả vì các con đều cần có tình yêu thương của mẹ.
Hãy luôn nhớ đến sự trợ giúp của người thân. Đừng quá mong muốn vẹn toàn, tự tay làm hết hãy bày tỏ với chồng và gia đình rằng mình cần sự chia sẻ trách nhiệm chăm lo cho các con vì ngoài tình mẫu tử thì tình cảm gia đình luôn là điều quan trọng với sự phát triển của trẻ nhỏ.