Mẹ bé Miu hướng dẫn tiếp phương pháp giúp các bé nói tiếng Anh cực tốt
“Học mà chơi, chơi mà học”, phương pháp học tiếng Anh tương tác đem lại hiệu quả không ngờ.
Việc học tiếng Anh ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn. Tuy vậy ở lứa tuổi này, các bé thường ham chơi hơn học và không tập trung. Các phương pháp dạy có thể phản tác dụng nếu không phù hợp với đặc điểm tâm lý của từng trẻ. Do đó, nếu không có những phương pháp đúng đắn và hợp lý thì kết quả có thể sẽ hoàn toàn ngược lại với kỳ vọng của phụ huynh.
Có rất nhiều phương pháp dạy tiếng Anh khác nhau cho trẻ em tùy vào độ tuổi hay trình độ tiếp thu. Thế nhưng điều quan trọng mà các bậc phụ huynh nên nhớ khi giúp con học tiếng Anh đó là "tạo ra một môi trường thực sự thoải mái, để tạo niềm yêu thích và hứng thú cho con trẻ".
1. Yếu tố thoải mái là điều cần thiết trong mỗi buổi học của trẻ.
Phương pháp học “Tiếng Anh tương tác”, nhằm mục đích tập trung vào việc phát triển tư duy ngôn ngữ thông qua việc trải nghiệm các bài học và những chủ đề gần gũi với cuộc sống, là một trong những phương pháp đáp ứng được tiêu chí này.
Video: Một buổi học tiếng Anh theo phương pháp tương tác đem lại hiệu quả, tạo được hứng thú cho cả thầy và trò.
Nhắm vào đối tượng các bé tuổi từ 10 đến 14, phương pháp học “Tiếng Anh tương tác” là phương pháp dạy và học giúp các bé được trải nghiệm, tiếp thu kiến thức thông qua những hoạt động thực tế, những nhiệm vụ cụ thể trong môi trường hoàn toàn sử dụng tiếng Anh. Với phương pháp này, các bé không những được nâng cao tư duy bằng tiếng Anh mà còn tăng sự tự tin, hòa đồng với môi trường xung quanh. Điều mà các hầu hết các ông bố, bà mẹ luôn mong muốn con mình làm được.
Trao đổi với phụ huynh học sinh, cô giáo Thủy Tiên - mẹ của Miu cô bé 5 tuổi nói tiếng Anh "như gió" cho biết, “mấu chốt của mô hình này là việc tạo ra môi trường hoàn toàn sử dụng tiếng Anh để giao tiếp”. Phương pháp này sẽ giúp biến việc học tiếng anh thành các nhiệm vụ cụ thể để học sinh tìm hướng giải quyết.
Trong mỗi buổi học, học sinh được giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng anh, được chia thành các nhóm nhỏ để thực hiện chủ đề được giao. Giáo viên liên tục đưa ra các gợi ý hoặc câu hỏi bằng tiếng anh để yêu cầu sự kết nối, giao tiếp và sau đó, học sinh sẽ trình bày ý tưởng của mình về chủ đề vào cuối mỗi buổi học.
Áp dụng phương pháp tương tác này, cô Thủy Tiên đã tổ chức một buổi học tiếng Anh theo kiểu “học mà chơi, chơi mà học” như vậy và đạt được kết quả không ngờ.
Tạo được môi trường thoải mái là yếu tố cần thiết để trẻ tự do sáng tạo, sử dụng tiếng anh một cách tự nhiên, linh hoạt hơn.
Bước đầu, các bé sẽ được chia thành nhóm, có nhóm trưởng để điều hành và phân công công việc trong nhóm. Với trò chơi “Đại dương trong chai nước”, các bé vừa được thực hành tự tay làm ra sản phẩm sáng tạo vừa được thực hành nói tiếng Anh với những từ ngữ hoàn toàn gần gũi với cuộc sống hàng ngày.
Không cần phải ngồi im một chỗ và lắng nghe những điều giáo viên giảng, các em có thể thoải mái nói và làm theo óc sáng tạo của mình.
Chỉ cần những dụng cụ đơn giản như: một chai nước rỗng, dầu ăn, nước, mực nước hoặc phẩm màu theo ý thích, bóng bay, giấy màu, băng dính hai mặt và kéo. Trong quá trình làm ra sản phẩm, các bé có thể cùng nhau trao đổi cách làm. Nhóm trưởng có thể phân công từng việc cho các bạn trong nhóm để “mỗi người một chân một tay” cùng hoàn thiện sản phẩm từ đó làm tăng tinh thần đoàn kết, kỹ năng làm việc nhóm cho trẻ.
Điều quan trọng là tất cả các em đều giao tiếp bằng tiếng Anh. Đó đơn giản là những câu như: “Cậu giúp tớ đổ mực và dầu vào nước nhé! Cậu có thể thổi bóng bay để làm con bạch tuộc giúp tớ được không?” hay như “Tớ nghĩ bọn mình làm cách này sẽ nhanh và đẹp hơn”,“Sao tớ không thể nhét quả bóng vào chiếc chai nhỉ?”...
Có thể bình thường các em sẽ ngại nói nhưng trong một môi trường thực sự cởi mở và gần gũi như vậy, các em có thể dễ dàng bật ra câu nói bằng tiếng Anh mà không còn cảm thấy ngượng ngùng nữa.
Ngoài việc giao tiếp tiếng Anh, làm việc nhóm còn có ích cho sự phát triển về lâu dài của trẻ, giúp con dễ dàng giải quyết công việc.
Không khí thân thiện trong lớp học mà cả cô và trò trao đổi với nhau như những người bạn.
2. Đi sâu vào lý thuyết có thể dẫn đến "phản tác dụng"
Nhiều thầy cô hoặc các bậc phụ huynh thường chú trọng vào việc dạy lý thuyết hoặc đi sâu vào các vấn đề ngữ pháp mà quên mất rằng trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi, nếu áp dụng phương pháp như vậy sẽ không đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí là “phản tác dụng”.
Khi dạy tiếng Anh cho trẻ, cần tìm ra những phương pháp tiếp cận mới tốt hơn để tránh dẫn đến sự nhàm chán. Các hoạt động như hát, múa, diễn kịch, chơi trò chơi tương tác với hình ảnh sinh động... sẽ giúp trẻ dễ dàng nắm bắt và hào hứng với môn học tiếng Anh vốn là “nỗi khiếp sợ” của nhiều em.
Như vậy, trẻ có thể sử dụng tiếng Anh một cách linh hoạt mà chịu bất kỳ sức ép nào, thậm chí các em có thể vô tư nói ra những suy nghĩ của mình mà không cảm thấy ngượng ngùng hay e sợ. Ngoài ra, các hoạt động sẽ giúp trẻ có thêm trải nghiệm văn hóa, tăng sự sáng tạo và hình thành thêm phong cách và cá tính riêng.
Không khó để các em tự tin nói trong môi trường vui vẻ, gần gũi như thế này.
Các bạn trong nhóm vui vẻ thảo luận để tìm cách làm.
Sản phẩm của một nhóm sau quá trình hợp tác làm việc, trao đổi.
Video: Bé Trang tự tin nói và phân công công việc cho các bạn trong nhóm.
Với phương pháp “Tiếng anh tương tác”, trẻ có thể trau dồi các kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm, sáng tạo, tìm kiếm và xử lý thông tin, tư duy bằng tiếng anh, làm đồ thủ công, giải quyết vấn đề... So sánh với phương pháp truyền thống, phương pháp tương tác này giúp trẻ tiếp cận tiếng anh một cách chủ động và tự nhiên, đem lại hứng thú cho cả người dạy và người học, tạo môi trường để kích thích khả năng tư duy và sáng tạo, các chủ đề phong phú, gắn liền với cuộc sống.
Video: Cuối buổi học, các em tỏ ra rất hào hứng với sản phẩm mình tự tay làm ra. Bên cạnh đó, các em không cảm thấy mệt mỏi căng thẳng như những buổi học thông thường.
Một số phụ huynh dành thời gian đến quan sát con mình học tiếng anh và không khỏi ngạc nhiên khi thấy bé nhà mình rất hào hứng cùng các bạn làm đồ chơi và nói tiếng anh thoải mái, điều mà họ ít khi thấy lúc con ở nhà.