Mẹ bầu thai đôi chia sẻ loạt mâm cơm tự nấu, thai nhi đạt cân nặng chuẩn

Thảo Hương,
Chia sẻ

Dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp mẹ có sức đề kháng tốt, đủ sức để "vượt cạn" khi sinh con.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Chinh (27 tuổi, sống tại Hưng Yên) đang bầu thai đôi ở những tháng cuối thai kỳ. Hiện tại bà mẹ trẻ tăng 10kg, mỗi em bé được gần 1,1kg. Những tháng đầu và giữa thai kỳ, do ăn uống không kiểm soát nên bác sĩ khuyên chị Chinh cần điều chỉnh tránh tiểu đường thai kỳ. Từ đó, mẹ bầu quyết định lên thực đơn khoa học và ăn uống theo chế độ nghiêm ngặt hơn, tốt cho sức khỏe. 

"Dù có bận rộn mình vẫn tranh thủ vào bếp để nấu ăn. Một phần mình muốn kiểm soát lượng thức ăn cũng như dầu mỡ. Mình chuyển từ ăn gạo trắng sang gạo lứt giúp no lâu mà không bị chuyển hoá đường nhiều như gạo trắng. May mắn ăn uống có kiểm soát nên trộm vía mình không bị tiểu đường thai kì, cân cũng chưa tăng nhiều. Mặc dù bầu thai đôi nhưng lần nào đi khám các chỉ số của các con cũng đạt mức chuẩn cân nặng với từng tuần của thai kì", chị Chinh chia sẻ.

Mẹ bầu thai đôi xinh đẹp ở tháng cuối thai kỳ. 

Thông thường, những món ăn của chị Chinh sẽ theo khẩu vị gia đình. Ngoài ăn cơm, bà mẹ 2 con có uống thêm nước ép, sinh tố hoặc sữa hạt, ngày 1-2 hộp sữa chua, 1-2 hũ yến để bổ sung thêm các chất cho thai nhi.

Nhìn những mầm cơm ngon mắt, màu sắc lại đầy đủ dinh dưỡng, ai cũng khen chị Chinh khéo tay. Bà mẹ trẻ tâm sự mỗi bữa chỉ mất từ 30 phút - 1 tiếng để hoàn thiện, chỉ một ít hôm có món cầu kỳ thì thời gian sẽ kéo dài hơn chút. 

"Hiện tại, mình đang ở những tháng cuối thai kỳ nên không kiêng khem quá, món nào cũng có thể ăn được. Tuy nhiên, ở 3 tháng đầu thì mình kiêng đồ tanh, rau ngót, rau răm, dứa cũng chỉ dùng nấu canh nhưng không ăn trực tiếp. Ngoài ra, mình tự lên thực đơn sao cho hợp khẩu vị. Ngày 3 bữa chính, bữa phụ là sữa hạt và sinh tố nước ép", chị Chinh chia sẻ thêm. 

Những thực phẩm mẹ bầu nên sử dụng

- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Khi mang thai, người mẹ cần tiêu thụ thêm protein và canxi để đáp ứng nhu cầu cho thai nhi phát triển. Các sản phẩm sữa có chứa hai loại protein chất lượng cao đó là casein và whey. Ngoài ra, sữa còn là nguồn canxi tốt nhất trong chế độ ăn cùng với sự cung cấp lượng phốt pho, vitamin nhóm B, magie và kẽm cao.

- Nhóm cây họ đậu: Nhóm thực phẩm này bao gồm đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu nành và đậu phộng. Các loại họ đậu là nguồn cung cấp chất xơ, protein, sắt, axit folic và canxi tuyệt vời. Folate là một trong những vitamin nhóm B có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi, đặc biệt là trong ba tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ mang thai không tiêu thụ lượng thực phẩm để đạt đủ nhu cầu folate trong giai đoạn này.

- Khoai lang: Khoai lang rất giàu beta carotene-là một hợp chất tiền vitamin A có nguồn gốc từ thực vật, khi được cung cấp vào cơ thể sẽ được chuyển đổi thành vitamin A cần thiết cho cơ thể. Vitamin A rất cần cho sự tăng trưởng và biệt hoá của hầu hết các tế bào và mô. Nó cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi.

- Cá hồi: Cá hồi rất giàu acid béo omega-3 - là acid béo thiết yếu cho cơ thể. Hầu hết mọi người kể cả phụ nữ mang thai đều không nhận đủ hàm lượng acid béo omega-3 từ khẩu phần ăn.

- Trứng: Trứng là một thực phẩm tốt nhất cho sức khoẻ vì chúng chứa hầu hết các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Một quả trứng lớn chứa 77 kcal cũng như protein, chất béo, chất khoáng và vitamin cao. Mặt khác, trứng cũng là nguồn choline tuyệt vời. Đây là chất rất cần thiết cho nhiều quá trình trong cơ thể bao gồm sự phát triển và duy trì sức khỏe não. Lượng choline thấp khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh và dẫn đến giảm chức năng não ở thai nhi. Một quả trứng nguyên chất chứa khoảng 113 mg choline, chiếm khoảng 25% nhu cầu khuyến nghị cho phụ nữ mang thai (450mg).

- Bông cải xanh: Bông cải xanh và các loại rau có lá màu xanh đậm như cải xoăn, rau bina... chứa rất nhiều chất dinh dưỡng mà bà bầu cần. Chúng cung cấp cả chất xơ, vitamin C, vitamin K, vitamin A, canxi, sắt, folate và kali. Hơn nữa, bông cải xanh và rau có lá xanh đậm rất giàu chất chống oxy hoá. Chúng cũng chứa các hợp chất có nguồn gốc thực vật có lợi cho hệ thống miễn dịch và tiêu hoá.

- Thịt: Thịt bò, thịt lợn và thịt gà là nguồn protein chất lượng cao. Hơn nữa, thịt bò và thịt lợn cũng rất giàu sắt, choline và các vitamin nhóm B. Tất cả những chất dinh dưỡng này đều cần thiết cho phụ nữ mang thai.

Chia sẻ