Mẹ bầu sắp đẻ luyện vỗ ợ cho con, ''Boss'' được mang ra làm ví dụ, còn cẩn thận tham khảo ý kiến các mẹ về tốc độ và lực vỗ
Em bé làm mẫu có gì đó sai sai mọi người ạ.
Trước khi đón con chào đời, mẹ bầu phải học thêm rất nhiều kỹ năng và một trong số đó là việc vỗ ợ cho con. Hành động này được thực hiện vào lúc giữa hoặc sau khi bé ăn giúp con tống được các khí đang bị kẹt trong dạ dày ra ngoài, bé sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, giảm tình trạng nôn trớ sau bú, thể tích dạ dày được giải phóng nên bé sẽ bú được nhiều sữa hơn, từ đó bé sẽ no lâu và ngủ ngon hơn.
Trông có vẻ đơn giản nhưng mẹ bầu cũng cần phải học cách vỗ ợ sao cho đúng. Thế nên trước khi sinh, nhiều bà mẹ đã tìm đến một số lớp học hoặc tìm hiểu trước các kiến thức trên mạng. Mới đây, các mẹ bỉm liên tục truyền tay nhau một đoạn clip mẹ bầu sắp đẻ học vỗ ợ cho con khiến ai nấy cười ngặt nghẽo.
Góc luyện tập vỗ ợ cho con. Nguồn: Linh Phan.
Bà mẹ trong clip chia sẻ: ''Em đang bầu tháng cuối, còn cỡ 2 đến 3 tuần nữa là tới công chuyện, nên giờ lôi thằng con ghẻ ra tập hàng ngày. Mà lắm lông quá nên không nghe thấy tiếng kêu bộp bộp. Cho em hỏi các mẹ bầu có tập trước không ạ? Mà tập thì lấy cái gì tập cho đúng nhỉ, mấy con búp bê thì nhẹ, cu này nhà em 6kg nên em thấy tập là vừa nhất.
Tiện các mẹ nhận xét giúp em xem vỗ như thế này được chưa nhé. Tốc độ có chậm không, lực có ổn không. Hôm bữa học em ngồi nhận xét như đúng rồi vì em xem nhiều clip, nhưng mà đến lúc mình làm cứ thấy nó ngượng sao ấy. Tại mẫu cũng sai sai nữa''.
Trong đoạn video, mẹ bầu ôm chú mèo cưng rất nghiêm túc, khum tay lại rồi vỗ ợ cực kỳ chuyên nghiệp. Chưa biết đúng hay sai nhưng ai xem cũng ngồi cười ngặt nghẽo, em bé mẫu này khá lắm lông nhưng lại cực kỳ hợp tác, nằm ngoan ngoãn trên vai mẹ, thậm chí còn ngoe nguẩy chiếc đuôi thích thú nữa chứ.
Dưới phần bình luận, các mẹ bỉm chia sẻ quên luôn mất cách vỗ ợ sau khi xem đoạn clip này: ''Trông con mèo hưởng thụ quá nhỉ, còn sung sướng hơn cả em bé ấy chứ'', ''mình vừa xem vừa cười, để khi nào gần đẻ phải lôi con mèo ra tập mới được, nhưng nó nặng tận 10kg không biết có bế nổi không'', ''vỗ nhìn chuyên nghiệp quá nhưng có ợ không ạ hay lăn ra ngủ luôn đó''...
Thực ra clip chỉ là vui thôi nhưng cũng khiến các mẹ bầu giải toả căng thẳng và stress. Ngoài ra, mọi người cũng chia sẻ khi vỗ ợ bàn tay mẹ cần phải khum lại một chút và vỗ nhẹ từ phía dưới lên. Các mẹ có thể tham khảo trên mạng hoặc nhờ bác sĩ hướng dẫn để đảm bảo thực hiện đúng cho con của mình.
Nên vỗ ợ hơi cho bé lúc nào?
Cha mẹ nên vỗ lưng cho bé ợ hơi sau mỗi lần bú hoặc giữa cữ bú, khi cho trẻ bú được một nửa bình sữa hoặc sau khi bé đã bú xong một bên vú, mẹ nên vỗ lưng cho bé ợ hơi trước khi chuyển bé sang bú vú bên kia. Đối với những trẻ thường nôn trớ thì cha mẹ nên cho bé ợ hơi thường xuyên hơn. Dù là cữ bú ngày hay đêm thì trong những tháng đầu đời, cha mẹ nên cố gắng vỗ ợ hơi đều đặn cho con.
Các cách vỗ ợ hơi cho bé
Cách 1: Mẹ đặt một chiếc khăn sạch lên vai, bế vác bé, để đầu bé dựa vào vai mẹ. Một tay mẹ bế bé, một tay mẹ xoa vùng lưng bé theo hình tròn hoặc chụm bàn tay lại vỗ lưng theo hướng từ dưới lên để bé ợ hơi.
Cách 2: Mẹ đặt một chiếc khăn sạch lên đùi, cho bé ngồi dựa vào người mẹ, đầu bé tựa vào vai, thân bé áp vào ngực mẹ. Một tay mẹ giữ đầu và ngực bé, một tay mẹ xoa lưng theo hình tròn hoặc chụm bàn tay vỗ nhẹ từ dưới lên. Mẹ cho bé ngồi hơi nghiêng về trước để quá trình ợ hơi được dễ dàng hơn.
Cách 3: Cho bé nằm sấp trên cánh tay mẹ, đảm bảo phần đầu bé cao hơn ngực, sau đó mẹ dùng lòng bàn tay xoa theo hình tròn trên lưng bé. Hoặc mẹ có thể cho bé nằm sấp ngang trên đùi, bụng bé được đặt lên một chân còn đầu bé nằm ở chân bên kia, vỗ lưng hoặc xoa nhẹ nhàng để giúp bé ợ hơi.
Cách 4: Khi trẻ đã cứng cáp hơn, đã có thể giữ được cổ thẳng, các mẹ có thể bế bé trước ngực, để mặt bé hướng ra ngoài, một tay mẹ đặt dưới mông bé, tay còn lại vòng qua bụng bé tạo một áp lực nhẹ. Mẹ sẽ đứng và đi bộ nhẹ nhàng, việc kết hợp giữa áp lực tay và sự chuyển động sẽ giúp các hơi từ dạ dày bé được thoát ra hiệu quả.
Lưu ý khi vỗ ợ hơi cho bé
Lưu ý khi vỗ lưng cho con, các cha mẹ nên thực hiện nhẹ nhàng, việc vỗ lưng mạnh sẽ làm trẻ sợ và cũng không làm tăng hiệu quả đẩy hơi trong dạ dày trẻ thoát ra ngoài.
Khi trẻ ợ hơi sẽ phát ra tiếng ợ hoặc bé sẽ ngừng khóc, trở nên vui vẻ, dễ chịu và chịu bú tiếp. Trong quá trình vỗ lưng, bé có thể trớ ra một ít sữa, đây là hiện tượng bình thường các mẹ không cần lo lắng. Chiếc khăn sạch mẹ lót sẵn trên vai hoặc đùi trước khi vỗ ợ hơi sẽ giúp quần áo mẹ không bị bẩn khi bé trớ sữa.
Thời gian vỗ ợ hơi cho bé bao lâu tùy thuộc vào lượng khí có trong dạ dày bé. Thông thường, nếu sau khi vỗ khoảng từ 10-15 phút mà bé vẫn chưa ợ hơi, mẹ nên đổi tư thế và tiếp tục vỗ lưng cho bé.
Lưu ý khi vỗ ợ hơi cho bé
Lưu ý khi vỗ lưng cho con, các cha mẹ nên thực hiện nhẹ nhàng, việc vỗ lưng mạnh sẽ làm trẻ sợ và cũng không làm tăng hiệu quả đẩy hơi trong dạ dày trẻ thoát ra ngoài.
Khi trẻ ợ hơi sẽ phát ra tiếng ợ hoặc bé sẽ ngừng khóc, trở nên vui vẻ, dễ chịu và chịu bú tiếp. Trong quá trình vỗ lưng, bé có thể trớ ra một ít sữa, đây là hiện tượng bình thường các mẹ không cần lo lắng. Chiếc khăn sạch mẹ lót sẵn trên vai hoặc đùi trước khi vỗ ợ hơi sẽ giúp quần áo mẹ không bị bẩn khi bé trớ sữa.
Thời gian vỗ ợ hơi cho bé bao lâu tùy thuộc vào lượng khí có trong dạ dày bé. Thông thường, nếu sau khi vỗ khoảng từ 10-15 phút mà bé vẫn chưa ợ hơi, mẹ nên đổi tư thế và tiếp tục vỗ lưng cho bé.