Bấm ngón tay vào loạt trái cây ở siêu thị, cậu bé bàng hoàng vì tất cả số quả đó bỗng dưng xuất hiện trong nhà mình
Đây sẽ là một bài học khiến cậu bé nhớ mãi.
Trẻ con vốn hiếu động và nghịch ngợm, thích khám phá về mọi thứ xung quanh, điều này sẽ khiến bé có thêm kiến thức và kĩ năng hiểu biết trong cuộc sống. Tuy nhiên với những em bé nhỏ, việc sát sao và dạy dỗ của người lớn đóng vai trò vô cùng quan trọng, để các bé nhận ra đâu là thứ nên hay không nên nghịch, đặc biệt là ở môi trường công cộng.
Cùng lắng nghe câu chuyện về những bài học dạy con do bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn, Ủy Viên Cấp Cao của Hiệp Hội Dinh Dưỡng và Y Học Lối Sống Vương Quốc Anh (BANT), người được rất nhiều phụ huynh tin tưởng trên hành trình làm cha mẹ của mình kể lại.
Câu chuyện số 1: Sự công bằng và trách nhiệm
Đứa trẻ 5 tuổi thích nghịch bấm ngón tay vào trái cây khi đi cùng mẹ trong siêu thị. Khi về nhà, cậu bé ngạc nhiên nhìn số trái cây mẹ vừa mua về sao có dấu móng tay bị thâm đen và hỏi mẹ: Sao mẹ lựa những trái này bị thâm đen vậy mẹ?
Người mẹ trả lời: Đó là những trái cây con bấm móng tay vào và nó không còn tốt và công bằng cho người khác nữa. Chúng ta cần phải mua nó con ạ. Đó là công bằng và có trách nhiệm.
Bài học: Trẻ đôi lúc không nhận ra điều mình đang làm là đang thiếu công bằng hay tổn thương người khác. Không sớm thì muộn trẻ phải học để sống công bằng trong xã hội, nhưng thay vì để xã hội dạy trẻ bài học này, cha mẹ có thể sớm dạy trẻ.
Độ tuổi có thể áp dụng: từ 4 - 12 tuổi.
Câu chuyện số 2: Lựa chọn hay mất tất cả
Đứa trẻ đứng vòi vĩnh mẹ mình mua hết gói bánh này đến thanh kẹo khác. Cuối cùng người mẹ cho cô bé lựa chọn 1 loại để mua và phải hoàn thành lựa chọn trong 2 phút. Người mẹ bắt đầu bấm giờ trên điện thoại. Khi chuông reo lên là hết giờ, cô bé cầm lấy cả 2 và nằng nặc đòi mua.
Người mẹ liền cầm cả 2 món và để lại trên kệ: Cơ hội để con lựa chọn chỉ đến 1 lần, đừng bỏ lỡ nó. Nếu bỏ lỡ nó con phải chấp nhận không có gì khi về nhà. Dù cô bé rất tức và phản kháng lại mẹ mình, nhưng với sự cương quyết, người mẹ vẫn dẫn cô ra về mà không có viên kẹo nào được mua.
Bài học: Khi trẻ được cho lựa chọn và biết giá trị của lựa chọn, trẻ sẽ làm rất tốt.
Độ tuổi áp dụng: 3-10 tuổi.
Câu chuyện số 3: Chuyện dành cho cha mẹ
Tôi nhớ lúc nhỏ đã từng được nghe một câu chuyện về một người bố mỗi khi đi làm về ông luôn dừng lại trước cửa nhà mình đặt một hòn đá nhỏ xuống rồi sau đó mới bước vào nhà. Sáng hôm sau, ông cũng dừng lại ngay chỗ đó, nhặt hòn đá đó lên rồi tiếp tục đi đến chỗ làm.
Bài học: Thật ra hòn đá chỉ là 1 vật giúp người đàn ông nhớ rằng khi vào nhà mọi gánh nặng và bực tức tại nơi làm việc cần được bỏ ngoài cửa. Không những vậy, ý nghĩa của nó còn lớn hơn thế! Nó cho ông ta biết rằng gia đình là thứ quý giá nhất của ông, đừng để những hòn đá nhỏ kia phá vỡ nó!
Khi bạn làm mẹ, bạn không còn suy nghĩ cho riêng mình bạn nữa. Một người mẹ luôn phải suy nghĩ hai lần, một lần cho bản thân bạn và một lần cho con của bạn.
Sophia Loren, nữ diễn viên nổi tiếng từng đoạt giải Oscar người Ý
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn là chuyên gia tư vấn về y học bộ gen, hiện là Ủy Viên Cấp Cao tại Hiệp Hội Dinh Dưỡng và Y Học Lối Sống Vương Quốc Anh (BANT) kiêm Phó Tổng Biên Tập tạp chí Harvard Public Health Review tại Đại học Harvard.
Anh Nguyễn là diễn giả khách mời (keynote speaker) cho nhiều hội thảo khoa học lớn tại Anh và Châu Âu. Những công trình nghiên cứu của ông tập trung giải thích các khái niệm sâu sắc về dinh dưỡng cá nhân hóa dựa trên bộ gen mỗi người cũng như y học lối sống trong sự khác biệt giữa người châu Âu và châu Á tại Vương quốc Anh.
Ngoài ra, bác sĩ còn nhận được nhiều sự yêu mến của các bậc phụ huynh trong lĩnh vực nuôi dạy con cái và đồng hành cùng con trên hành trình thiêng liêng nhưng cũng đầy gian nan này.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của bác sĩ Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.