Mẹ bầu nào cũng thắc mắc những điều này khi mang thai
Cảm nhận được cú đạp đầu tiên của em bé trong bụng là một trong những khoảnh khắc xúc động và đặc biệt nhất mà một người mẹ từng trải nghiệm suốt hơn 9 tháng thai kỳ.
Khi nào tôi có thể cảm nhận được những chuyển động đầu tiên của con?
Câu trả lời là vào khoảng tuần thai thứ 18 đến tuần thai thứ 20. Nếu đây là lần đầu bạn mang thai, bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để cảm nhận được những vận động vô cùng nhẹ nhàng của em bé trong bụng. Nếu bạn đã từng sinh nở rồi, bạn có thể nhiều kinh nghiệm hơn và nhận thấy cử động của thai nhi từ tuần thai thứ 16.
Nếu đến 24 tuần mà bạn không nhận thấy bất cứ chuyển động nào của em bé, hãy đi khám bác sĩ ngay. Siêu âm và những kiểm tra cần thiết khác sẽ được tiến hành.
Em bé làm gì trong bụng mẹ?
Siêu âm cho chúng ta cái nhìn tuyệt vời về những kiểu vận động và thời điểm mà em bé thực hiện. Trong bụng mẹ, thai nhi sẽ bắt đầu chuyển động từ rất lâu trước khi bạn có thể thực sự cảm nhận. Những chuyển động này sẽ thay đổi khi thai nhi lớn dần lên và phát triển hơn. Nếu may mắn, em bé có thể thức giấc khi bạn đang siêu âm và bạn có thể nhìn thấy rõ từng cử động, mỗi cú vặn mình của con.
- Từ 7-8 tuần, bé bắt đầu khuấy đảo trong túi ối. Đó là những chuyển động như gập người sang một bên và bất ngờ thực hiện một động tác nào đó (như kiểu giật mình chẳng hạn).
- Khoảng 9 tuần, bé có thể nấc cụt và di chuyển cánh tay, đôi chân tí hon của mình. Bé cũng bắt đầu có phản xạ mút và nuốt.
- 10 tuần, bé có thể cử động đầu, đưa tay lên chạm vào mặt, há và ngoác miệng.
- 12 tuần, bé có thể thêm động tác ngáp.
- 14 tuần, bé có thể đảo mắt.
- 15 tuần, bé có thể mút ngón tay cái bên bàn tay yêu thích của bé. Nếu bạn nhìn thấy hình ảnh này khi siêu âm, nó có thể cho bạn biết bé sẽ là người thuận tay trái hay tay phải.
Khoảng 9 tuần, bé có thể nấc cụt và di chuyển cánh tay, đôi chân tí hon của mình. Bé cũng bắt đầu có phản xạ mút và nuốt.
Dần dần, các cử động của bé trở nên mạnh mẽ hơn, giúp bạn cảm nhận rõ hơn. Đầu tiên, chúng rất nhẹ, có cảm giác như một cái chớp mắt, một quả bong bóng nổ hay những gợn sóng lăn tăn. Đôi khi có cảm giác như đó là không khí vậy. Bạn sẽ dần quen với việc bé đạp, giãy, húc, đẩy, vặn mình, xoay tròn trong bụng mình.
Không phải lúc nào bé cũng ưa vận động. Có những lúc bé chỉ muốn nghỉ ngơi, muốn ngủ thôi. Vì vậy, đừng quá lo lắng, nếu bạn không nhìn thấy nhiều hoạt động của bé khi siêu âm bởi em bé của bạn có thể đang bận làm một giấc ngon lành.
Gần về cuối thai kỳ, bé sẽ nghỉ ngơi trong khoảng thời gian dài hơn. Mỗi lần khoảng 20 phút và tổng cộng lại, những khoảng nghỉ này kéo dài từ 50-70 phút.
Mỗi ngày, tôi nên cảm nhận được bao nhiêu cú đạp của bé?
Không có con số cụ thể và cũng không cần thiết phải ghi chép lại tỉ mỉ số lần cử động của bé. Khi đánh giá về việc con bạn đang vận động như thế nào, các con số đó chẳng giúp ích được nhiều hơn việc bạn cảm nhận dược bé đang di chuyển.
Cố gắng hiểu nhịp vận động của bé trong lúc thức. Khi thai kỳ ngày càng tiến xa hơn, việc tìm hiểu nhịp điệu này trở nên dễ dàng hơn. Mỗi em bé có một nhịp điệu ngủ - thức khác nhau và chúng có tác dụng trong việc biết rằng điều gì là bình thường với bé.
Nếu bạn nhận thấy có thay đổi nào đó trong nhịp chuyển động của bé hay lo lắng ở bất cứ giai đoạn này, hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám.
Hôm nay, tôi chẳng thấy em bé đạp trong bụng. Tôi có nên lo lắng không?
Nếu bạn không tập trung vào cảm nhận những cử động của bé, bạn có thể sẽ bỏ lỡ chúng. Để tránh điều này, hãy nằm nghiêng bên trái, dùng gối mềm đỡ bụng bầu. Giữ nguyên tư thế đó trong khoảng hai giờ, bạn sẽ cảm nhận được ít nhất 10 chuyển động riêng biệt của bé.
Bạn có khả năng cảm nhận chuyển động của bé khi nằm rõ hơn so với khi ngồi và ít cảm nhận được bé đang vận động trong bụng nhất khi bạn đứng.
Nếu bạn muốn chắc chắn, có một số cách để khuyến khích bé chuyển động như sau:
- Đứng lên, đi lại, ăn một món ăn nhẹ nào đó, rồi thư giãn. Em bé có thể rơi vào giấc ngủ khi bạn di chuyển qua lại và có thể thức giấc khi bạn dừng lại để lấy đồ ăn.
- Uống một cốc nước thật lạnh. Bé có thể cảm nhận được sự thay đổi về nhiệt độ và cố gắng tránh xa nó. Một cốc nước lạnh có đường có thể cũng làm tăng các cử động của bé.
- Tạo tiếng ồn. Bật nhạc to hoặc gõ mạnh vào cánh cửa để xem bé có phản ứng không.
Nếu bé bắt đầu di chuyển, mọi việc đều ổn. Nhưng hãy chú ý tới chuyển động của bé từ lúc này trở đi và tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết nếu bạn cảm thấy lo lắng.
Khi nào tôi nên đi khám bác sĩ?
Không đợi tới ngày hôm sau mà hãy liên hệ với bác sĩ ngay nếu bạn phát hiện bất cứ dấu hiệu nào được liệt kê dưới đây:
- Bạn không cảm nhận được 10 hoặc hơn 10 chuyển động riêng biệt của bé khi nằm nghiêng trái trong vòng 2 tiếng đồng hồ.
- Em bé không bắt đầu di chuyển để phản ứng lại với tiếng ồn hoặc một số kích thích khác.
- Số lần chuyển động của bé giảm đáng kể hoặc giảm dần qua nhiều ngày.
Nếu bé vận động ít đi trong bụng, đó có thể là dấu hiệu bé không nhận được đủ dưỡng chất hay oxy qua nhau thai. Có thể có những dấu hiệu khác cho thấy bé đang gặp nguy hiểm. Dù thế nào, bạn cũng nên đến ngay bệnh viện để được kiểm tra và chăm sóc đúng cách. Bác sĩ có thể đo nhịp tim của bé, siêu âm để biết kích thước của bé cũng như lượng nước ối xung quanh.