Bà bầu nên ăn gì vào cuối thai kỳ để dễ sinh con?

Lan Dương,
Chia sẻ

Việc lựa chọn thực phẩm trong giai đoạn cuối thai kỳ hết sức quan trọng. Điều đó không chỉ giúp mẹ giảm bớt các triệu chứng khó chịu, thúc đẩy sự phát triển của bé mà còn giúp cơ thể mẹ chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình vượt cạn.

Dưới đây là 6 thực phẩm mẹ nên bổ sung vào những tuần cuối của thai kỳ:

Bí đao

Nhiều bà bầu bị chứng ợ nóng ở cuối thai kỳ. Điều này xảy ra bởi khi mang thai, các hormone thai kỳ sẽ làm co giãn van ở lối vào dạ dày, khi đó các van không đóng mở đúng cách và axit trong dạ dày có thể tràn ra ngoài khiến mẹ bầu hay bị ợ nóng hơn. Chứng ợ nóng có thể xảy ra với mẹ bất cứ lúc nào từ tuần thứ 20 của thai kỳ trở đi nhưng ở giai đoạn cuối thai kỳ nó phổ biến hơn và trầm trọng hơn. Hơn nữa, khi mang thai, tử cung của mẹ cũng lớn hơn, đặt áp lực nhiều hơn lên dạ dày khiến tình trạng bệnh thêm nặng. 

Dinh dưỡng cuối thai kỳ

Các mẹ có thể khắc phục hiện tượng này bằng cách tránh dùng các loại thực phẩm chiên nhiều dầu, mỡ và nhiều gia vị, bởi chúng sẽ làm cho chứng ợ nóng của mẹ trầm trọng và khó chịu hơn. Mẹ nên dùng các thực phẩm giàu chất xơ như các loại bí chẳng hạn. Bí ngô hay bí đao đều là lựa chọn tốt cho các mẹ mang thai ở giai đoạn cuối thai kỳ

Cá hồi

Dinh dưỡng cuối thai kỳ

Vào những tuần cuối thai kỳ, bé vẫn cần hấp thụ DHA (một loại axit béo omega-3) từ chế độ ăn uống của mẹ, giúp bé phát triển não bộ của mình. Và cá hồi là nguồn cung cấp DHA tuyệt vời cho mẹ. Trong 100 gram cá hồi sẽ cho tới 1,46 gram DHA. Mẹ chú ý, cần lựa chọn cá hồi có nguồn gốc rõ ràng từ những siêu thị/nguồn cung uy tín để tránh việc cá hồi nhiễm các chất độc hại, ô nhiễm từ môi trường sống. 

Sữa chua có bổ sung Vitamin D

Dinh dưỡng cuối thai kỳ

Sữa chua có bổ sung vitamin D cũng là lựa chọn tốt cho các mẹ trong những tuần cuối của thai kỳ. Các loại sữa chua có chứa canxi và vitamin D giúp cơ thể hấp thụ dễ dàng. Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, lượng canxi bé cần để xây dựng hệ xương cho cơ thể sẽ tăng lên đáng kể. Trung bình trong một hộp sữa chua 100g có chứa khoảng 110mg canxi. Bên cạnh đóng vai trò cung cấp canxi cho cơ thể, sữa chua còn giúp cân bằng hàm lượng dinh dưỡng cho cơ thể. Vitamin D trong sữa chua cũng giúp canxi được cơ thể hấp thụ tốt hơn. Để giúp cơ thể hấp thụ tối đa lượng canxi có trong sữa chua, mẹ nên ăn sữa chua trước khi đi ngủ.

Quả xoài

Dinh dưỡng cuối thai kỳ

Bên cạnh những thực phẩm trên, vào các tuần cuối thai kỳ, mẹ cũng cần chú ý bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, giúp tăng cường độ đàn hồi cho da của mẹ trong khi sinh. Xoài chính là một nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời cho các mẹ. Ngoài ra, vitamin C cũng chứa nhiều trong cam, đu đủ, bưởi và dâu tây.

Quả óc chó

Trong quả óc chó chứa nhiều phốt pho, sẽ giúp bé xây dựng hệ xương và răng chắc khỏe. Phốt pho là thành phần cấu thành nên DNA và RNA là chất quan trọng trong thông tin di truyền, đồng thời tham gia vào quá trình trao đổi năng lượng bên trong cơ thể, trao đổi axit amin và hình thành protein và lipit phốt pho.

Dinh dưỡng cuối thai kỳ

Khi được sinh ra, cơ thể bé sẽ chứa khoảng 20 gam phốt pho, hầu hết trong số đó được tích luỹ trong tám tuần cuối của thai kỳ. Do đó, mẹ cần các thực phẩm giúp cung cấp đủ phốt pho cho bé. Phốt pho cũng là chất cần thiết cho quá trình đông máu và co thắt các cơ, vì vậy nó rất quan trọng cho cơ thể của mẹ trong quá trình vượt cạn.

Dưa hấu

Thực phẩm này sẽ cung cấp cho mẹ choline, một chất dinh dưỡng quan trọng được chuyển từ mẹ sang bé, giúp các tế bào não của bé phát triển bình thường.

Dinh dưỡng cuối thai kỳ

Trong dưa hấu có chứa đến 92% là nước, giúp mẹ bổ sung thêm đủ lượng nước cần thiết - 3 lít nước mỗi ngày trong thời gian mang thai. Thêm vào đó, dưa hấu cũng chứa đầy đủ các chất điện giải quan trọng nên có thể giúp cơ thể mẹ ngăn chặn tình trạng mất nước một cách hiệu quả.

Hàm lượng nước và chất xơ cao của dưa hấu cũng có khả năng ngăn ngừa táo bón và thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh. Đặc biệt, chất choline trong dưa hấu cũng giúp mẹ an thần, ngủ ngon, thư giãn cơ bắp và tăng cường trí nhớ; giúp duy trì cấu trúc của màng tế bào, hỗ trợ trong việc dẫn truyền các xung thần kinh, hấp thụ chất béo và làm giảm các triệu chứng viêm nhiễm mãn tính.

* Bài viết có tham khảo cuốn sách What to Eat When You’re Pregnant (tạm dịch“Bạn nên ăn những gì khi mang thai?) của bác sĩ Nicole Avena biên soạn.
Chia sẻ