Mẹ bầu ăn nhiều món này khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ con mắc chứng tự kỉ
Một loại hóa chất thường được tìm thấy trong thực phẩm chế biến sẵn khi người mẹ ăn trong quá trình mang thai có thể phá hủy các tế bào não và gây chứng tự kỷ ở trẻ.
Trong suốt thai kì, việc bổ sung dinh dưỡng bằng các loại thực phẩm là rất cần thiết đối với mẹ bầu. Tuy nhiên, liệu có phải thứ gì mẹ bầu cũng nên ăn và ăn với số lượng không giới hạn với suy nghĩ đang ăn cho 2 người?
Trong thời gian mang thai, người mẹ ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn thì con sẽ có nguy cơ mắc bệnh tự kỉ (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, khi mang thai, mẹ bầu nên tránh một số loại thực phẩm vì nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé trong bụng. Mới đây, trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học từ Đại học Central Florida UCF (Mỹ) đã công bố kết quả nghiên cứu và chỉ ra rằng trong thời gian mang thai, người mẹ ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm đã qua chế biến có thể làm tăng khả năng em bé bị tự kỷ sau này.
Theo các nhà nghiên cứu, trong thực phẩm đã qua chế biến có nồng độ axit propionic khá cao. Nó được sử dụng để kéo dài thời gian bảo quản và ngăn ngừa nấm mốc hình thành trong thực phẩm đóng gói, bánh mì và pho mát. Khi mẹ bầu ăn nhiều đồ ăn đã qua chế biến, các tế bào gốc thần kinh trong não bộ thai nhi sẽ tiếp xúc với hóa chất này và dẫn đến sự thay đổi trong tế bào. Các nhà khoa học cũng cho hay hàm lượng PPA cao trong đồ ăn chế biến có thể làm giảm sự phát triển của các tế bào thần kinh trong não của thai nhi.
Mẹ bầu nên lựa chọn thực phẩm tươi, nhiều dinh dưỡng thay vì ăn nhiều đồ ăn đã qua chế biến (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Saleh Naser, người chuyên nghiên cứu về tiêu hóa tại Đại học Y khoa UCF, đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu về những tác động này sau khi xem xét báo cáo cho thấy trẻ tự kỷ thường bị các vấn đề về dạ dày như táo bón mãn tính và hội chứng ruột kích thích. Các nghiên cứu cũng cho thấy microbiome trong ruột rất quan trọng trong việc phát triển não bộ của trẻ. Bác sĩ Naser bày tỏ băn khoăn về mối liên hệ có thể có giữa ruột và não, ông bắt đầu kiểm tra sự khác biệt của vi khuẩn đường ruột ở những người bị rối loạn tự kỷ (ASD) và những người không mắc bệnh này.
Từ đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với PPA quá mức có thể làm hỏng các tế bào não theo nhiều phương thức khác nhau. Đầu tiên, axit phá vỡ sự cân bằng tự nhiên giữa các tế bào não bằng cách giảm số lượng tế bào thần kinh và sản xuất quá mức các tế bào thần kinh đệm. Các tế bào thần kinh đệm giúp phát triển và bảo vệ chức năng thần kinh, nhưng quá nhiều tế bào thần kinh đệm có thể làm xáo trộn kết nối giữa các tế bào thần kinh với nhau. Điều này có thể gây ra hiện tượng viêm nhiễm – một tình trạng thường gặp ở trong não của trẻ em mắc chứng tự kỉ.
Ngoài ra, hàm lượng PPA cao cũng có thể rút ngắn và phá hủy các con đường mà tế bào thần kinh sử dụng để giao tiếp với phần còn lại của cơ thể. Các tế bào thần kinh bị giảm, kết hợp với các đường dẫn bị tổn thương, làm ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của não, điều này có thể dẫn đến hành vi bất thường điển hình như hành động lặp đi lặp lại, vấn đề về khả năng vận động và tương tác ở trẻ tự kỉ.
Đây được coi là nghiên cứu đầu tiên liên quan đến liên kết phân tử PPA, sự sản xuất quá mức của các tế bào thần kinh đệm, quá trình phá vỡ các đường dẫn thần kinh với chứng tự kỷ. Mẹ bầu cần lưu ý rằng PPA được tìm thấy tự nhiên trong ruột, nhưng nếu người mẹ mang thai ăn nhiều thực phẩm đã qua chế biến có chứa PPA thì có nguy cơ cao dẫn đến sự thay đổi trong hệ vi sinh vật của người mẹ và làm tăng thêm nồng độ axit trong ruột, sau đó ảnh hưởng tới thai nhi trong tử cung.
Tuy đây mới chỉ là nghiên cứu ban đầu và cần thêm nhiều thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu sâu hơn để đi tới kết luận chính xác nhưng đây cũng được xem là bước đệm đầu tiên để các chuyên gia, nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh tự kỉ ở trẻ em. Mẹ bầu cũng cần cân nhắc và quyết định lựa chọn loại thực phẩm phù hợp, đặc biệt là trong quá trình mang thai để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và em bé trong tương lai.
Nguồn: Parent, Science