Mẹ bất lực, than thở chỉ qua có vài ngày Tết, con tự nhiên hư ra, nói cách nào cũng không nghe lời
Bố mẹ bắt đi ngủ, bé Nhím 4 tuổi phụng phịu: "Sao con không được thức khuya? Còn bố mẹ và chú Nam thì được?"...
Tết đến xuân về là dịp mà ai cũng háo hức mong chờ. Với người lớn, Tết không chỉ để về quê, thăm nom ông bà mà còn là cơ hội để nghỉ ngơi sau chuỗi ngày làm việc căng thẳng. Còn với những đứa trẻ, các con được thoải mái vui chơi nên cực kì hào hứng. Thế nhưng, sau dịp Tết, nhiều bố mẹ than phiền vì con tự nhiên hư ra, nói mãi cũng không nghe lời khiến ba mẹ đau đầu.
Con ăn ngủ "vô tổ chức"
Bố mẹ bắt đi ngủ, bé Nhím 4 tuổi phụng phịu: "Sao con không được thức khuya? Còn bố mẹ và chú Nam thì được?".
Giống như Nhím, rất nhiều bé khác khi Tết đến thường tranh thủ ngủ ít, thức khuya để xem phim hoạt hình, chơi điện tử. Việc ăn uống cũng xáo trộn giờ giấc. Bụng lúc nào cũng ấm ách toàn nước ngọt, bánh kẹo và bỏ cơm.
Ngày Tết, bố mẹ cũng dễ dãi và bận rộn hơn. Bé thường tận dụng để làm những việc mình thích. Có thể bé thức khuya từ đêm giao thừa, sáng mùng 1 dậy muộn, bỏ qua bữa sáng... Cứ như thế, hình thành một nếp sinh hoạt mới. Việc ăn ngủ thất thường sẽ ảnh hướng tới sức khỏe của bé và một thói quen không tốt, khó sửa chữa khi hết kỳ nghỉ Tết.
Thói quen ăn ngủ "vô tổ chức" sẽ khiến bé dễ mắc phải các bệnh trong dịp Tết như rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, cảm sốt, sụt cân...
Luôn nhớ rằng cha mẹ lúc nào cũng là tấm gương cho bé ngày Tết. Nếu bố mẹ duy trì được nếp sinh hoạt thường ngày, không thức quá khuya, dậy quá muộn, ăn uống nghỉ ngơi theo bữa, bé sẽ giữ được nếp sinh hoạt hàng ngày để giữ gìn sức khỏe trong những ngày Tết.
Trước ngày Tết, bố mẹ nên quy định với bé. Ví dụ: Con có thể thức khuya đến 10 giờ thôi. Sáng con dậy như giờ đi học nhé.
Không nên cho bé ăn nhiều bánh mứt kẹo trước bữa ăn. Nên duy trì cho bé ba bữa ăn chính hàng ngày với cơm nóng, canh sốt thay vì bỏ bữa hoặc ăn thừa thức ăn của những bữa trước tích tụ lại.
Chơi điện tử "thả phanh"
Do quá bận rộn với Tết, nhiều bố mẹ thả lỏng "kỷ luật sắt" hàng ngày, bé tha hồ dán mắt vào màn hình vi tính chơi điện tử.
Bé Bi con mẹ Hoa (Nguyễn Du – Hà Nội) cứ ăn xong là luyện game online trong cả kỳ nghỉ Tết. Bố mẹ có cằn nhằn một tí, bé chỉ chống chế: "Bố mẹ bận tiếp khách thế, con biết làm gì?". Chị Hoa nghe thấy thế bùi tai, tặc lưỡi: "Thế là may. Con chơi game chỉ ở trong nhà, chứ chạy đi chơi thì mình làm sao kiểm soát được".
Dịp Tết, bé được nghỉ ngơi, giải trí, nhưng bố mẹ tránh để bé giết thời gian bằng việc chơi điện tử. Bố mẹ nên hướng cho bé vào những hoạt động lành mạnh như đưa bé đi chúc tết ông bà, họ hàng, tham gia các trò chơi dân gian thường được tổ chức ở các địa điểm như bảo tàng, cung thiếu nhi…
Tốt nhất, bố mẹ nên có lịch trình cụ thể cho tất cả các hoạt động vui chơi trong đợt nghỉ tết của bé.
Nếu bé đã đi học lớp 1 trở lên, bố mẹ cũng đừng quên kiểm tra bé làm bài tập cô giáo giao. Có thể phân chia lượng bài tập, mỗi ngày bé chỉ cần dành 1-2 tiếng làm bài tập là đủ. Không nên dồn số lượng bài tập lại, ăn tết xong mới làm cả thể hoặc để sát ngày đi học "nước đến chân mới nhảy".
Như vậy, bố mẹ vừa tránh được việc con nghiện chơi game, hại mắt mà vẫn duy trì thói quen học tập, dễ bắt nhịp trở lại sau kỳ nghỉ Tết.
Còn rất nhiều những thói hư ngày tết bé có thể "nhiễm" phải từ chính bố mẹ và những người thân trong gia đình như sau kỳ nghỉ Tết như: uống rượu nhiều, nói tục, chửi bậy, vui chơi quá nhiều...
Bố mẹ và những người thân trong gia đình luôn phải duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, chú ý đến hành vi, lời ăn tiếng nói hàng ngày, không nên thoải mái quá, giúp bé tránh khỏi những thói hư, tật xấu.
Vì những lý do trên mà bỉm bất lực, than thở chỉ qua có vài ngày Tết, con tự nhiên hư ra, nói cách nào cũng không nghe lời. Ai đó nói "có vài ngày Tết mà, kệ nó", hay "năm có đúng 1 lần mà khắt khe"... khiến hội chị em càng thêm đau đầu. Dù có nới lỏng nhưng hãy luôn đảm bảo con ăn ngủ đúng giờ, không chơi điện tử vô tổ chức... để giữ gìn sức khỏe và thói quen lành mạnh sau Tết nhé.