Đi xuất khẩu lao động 8 năm mới trở về ăn Tết, gặp con trai ngay ở cổng nhà, đứa trẻ hét lên: "Bà không phải mẹ tôi"

Hải My,
Chia sẻ

Câu nói khiến bất cứ người mẹ nào nghe cũng cảm thấy xé lòng.

Người mẹ trong câu chuyện này là Tĩnh Tuyền (42 tuổi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc).

Ngày quyết định đi xuất khẩu lao động, đứa con trai duy nhất của Tĩnh Tuyền chỉ mới vừa lên 3 tuổi. Tuyền là mẹ đơn thân, gia đình khi ấy gặp nhiều khó khăn, làm lụng cả ngày vẫn không đủ ăn. Nghĩ rằng, chỉ cần cố gắng vài năm cuộc sống sẽ thay đổi, con trai khi lớn cũng được đi học đầy đủ hơn Tĩnh Tuyền đành bỏ xứ, đi làm ăn xa.

“Lúc ấy, tôi tự nhủ, con còn nhỏ nên chưa hiểu gì. Đi làm vài năm, kiếm được tiền rồi về, con sẽ lớn lên trong điều kiện tốt hơn,” Tĩnh Tuyền tâm sự.

Thế nhưng, 8 năm trôi qua nhanh hơn Tuyền nghĩ. Vì muốn tiết kiệm tiền, cô không về thăm nhà lần nào, mà chủ yếu chỉ nhắn tin. Công việc nơi đất khách bận rộn, Tuyền cũng nhận tăng ca liên tục để có thu nhập tốt nhất gửi về nên chỉ thỉnh thoảng mới sắp xếp được thời gian để gọi video về cho ông bà ngoại để nhìn lén con.

Với Tuyền, khoảng thời gian đó rất kinh khủng khi nếu không phải đi làm, cô sẽ liên tục khóc vì nhớ con. Nhưng sợ con còn nhỏ, nhìn mẹ mà không được ở gần mẹ nên cô hạn chế nói chuyện trực tiếp với con trai. Do đó chỉ khi nào con trai ngủ, cô mới gọi để ngắm nhìn vài phút.

Đi xuất khẩu lao động 8 năm mới trở về ăn Tết, gặp con trai ngay ở cổng nhà, đứa trẻ hét lên: "Bà không phải mẹ tôi"- Ảnh 1.

Cuộc sống xa quê vất vả, 8 năm cô gái không gặp con trai (Ảnh minh họa)

Ròng rã 8 năm, cuối cùng Tịnh Tuyền cũng dư giả hơn và cũng là lần đầu cô trở về quê hương sau thời gian dài “biệt tích”. Về nhà, Tuyền mang theo tâm trạng háo hức, đêm trước đó cô không thể ngủ vì biết rằng mình sắp được gặp con trai. Cô còn xách theo rất nhiều đồ chơi, quà bánh và nghĩ rằng con sẽ rất vui mừng khi gặp lại mẹ.

Thế nhưng, khi Tuyền vừa bước xuống xe và nhìn thấy con trai đứng ở cổng, trái tim cô như bị bóp nghẹt. Đứa trẻ ấy, giờ đã 11 tuổi, không tỏ ra vui mừng hay chạy đến ôm mẹ như trong tưởng tượng. Thay vào đó, ánh mắt nó đầy xa lạ, miệng hét lên đầy xua đuổi: “Bà không phải mẹ tôi!”.

Tuyền chết lặng ngay trước cửa nhà, không biết phải làm gì, nước mắt không ngừng rơi. Đó là lần đầu tiên cô cảm nhận rõ ràng rằng mình đã trở thành người dưng với chính đứa con ruột thịt của mình.

Thực tế, cũng dễ hiểu với phản ứng của cậu bé. Tuyền cho hay trong 8 năm vắng mặt, con trai có lẽ đã quen việc sống với ông bà ngoại. Thiếu vắng hình bóng mẹ trong tuổi thơ nên khái niệm “mẹ” với cậu rất mơ hồ, không có tình cảm gắn kết. Dù vẫn nhìn thấy mẹ qua điện thoại nhưng đối với trẻ nhỏ, người trong điện thoại với người ngoài thực tế... là 1 khoảnh cách rất xa. Yêu thương là sự gần gũi và xây đắp từng ngày, yêu thương không thể tính bằng những cuộc gọi, những lần bà ngoại bảo: "Mẹ con đó, con có nhớ mẹ không?" . Đứa trẻ có thể gật đầu, có thể ngó lơ nhưng chắc chắn trong lòng nó: Mẹ là ai? hình hài thật tế thế nào? Có mẹ ở bên cạnh cảm giác thế nào?... là điều mờ ảo xa xôi không định hình được.

“Con tôi nghĩ rằng ông bà mới là người nuôi dưỡng, chăm sóc nó, còn mẹ chỉ là 1 danh xưng, 1 vị trí mơ hồ trong cuộc sống của nó”, Tuyền nghẹn ngào nói.

Đi xuất khẩu lao động 8 năm mới trở về ăn Tết, gặp con trai ngay ở cổng nhà, đứa trẻ hét lên: "Bà không phải mẹ tôi"- Ảnh 2.

Thiếu vắng hình bóng mẹ trong hành trình tuổi thơ, con trai không nhận ra mẹ trong ngày trở về (Ảnh minh họa)

Do vậy, Tuyền không trách mắng con mà chỉ cảm thấy bản thân mình đầy lỗi lầm. Cô hiểu rằng, để con chấp nhận lại mình là một hành trình không hề dễ dàng. Bởi đối với một đứa trẻ, tình cảm không thể duy trì chỉ bằng những cuộc gọi xa xôi hay vài món quà gửi về. Con cần sự hiện diện, những cái ôm, những lời an ủi khi buồn bã. Khi những điều này thiếu vắng, sự xa cách sẽ dần biến thành khoảng trống khó lấp đầy.

Những ngày sau đó, Tuyền nỗ lực gần gũi, trò chuyện với con trai. Cô bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, như nấu món ăn con thích, lắng nghe câu chuyện ở trường, và giải thích cho con hiểu lý do vì sao phải đi xa suốt những năm qua. Tịnh Tuyền nói: “Tôi biết con chưa thể chấp nhận tôi ngay, nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc. Làm mẹ, tôi chỉ mong con hiểu rằng tất cả những gì tôi làm đều vì muốn con có một tương lai tốt hơn”.

Câu chuyện của Tuyền khiến không ít những người làm mẹ cảm thấy xót xa về cái giá của sự hy sinh. Đôi khi, vì mải chạy theo giấc mơ kinh tế mà vô tình đánh mất những giá trị quan trọng nhất: tình cảm gia đình, sự gắn bó với những người thân yêu.

Với con trẻ, vật chất không bao giờ có thể thay thế tình yêu thương. Tiền bạc có thể mua được đồ chơi, quần áo, nhưng không thể lấp đầy khoảng trống trong trái tim chúng khi thiếu đi vòng tay của cha mẹ. Nên nhiều người mong rằng, bậc làm cha mẹ dù khó khăn đến đâu cũng cần phải kiên nhẫn, kết nối và hàn gắn tình cảm với con cái trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.

Chia sẻ