Mẹ bắt cai sữa, bà vạch áo cho bú
Đi học về là cu Minh (5 tuổi 3 tháng) lại 'săn lùng' bà nội khắp nhà.
Cứ đi học về là Minh, 5 tuổi 3 tháng, lại "săn lùng" bà nội khắp nhà: "Bà đâu rồi, vào nằm cho Minh bú?"
Ai hỏi Minh cai sữa lúc nào thì người nhà có thể tự hào mà rằng: “Từ năm 2 tuổi cơ, đúng chuẩn Bộ Y tế”. Nhưng điều đó chỉ có nghĩa là cậu bé không sống bằng sữa mẹ từ thời điểm đó nữa mà thôi.
“Mày không cho thì tao cho”
Khi Minh 2 tuổi cũng là lúc mẹ bé gần như không còn sữa, chuyện bú hằng đêm chỉ để mẹ con đỡ nhớ nhau. Thằng bé chỉ cần ngậm vú mẹ, tay mân mê “bầu sữa” bên kia mấy phút là mặt mày thỏa thuê sung sướng, mi mắt ríu lại rồi đi vào giấc ngủ. Hôm nào mẹ bận làm việc khuya, chưa có “cái món ấy” là cu cậu vật vã mãi không ngủ nổi, phải chờ cho bằng được. Thương con nhưng mẹ Minh nghĩ phải cai sữa cho bé, vì sữa mẹ chả còn chất dinh dưỡng gì nữa, và nếu lúc nào cũng bám lấy mẹ thế này thì chị sẽ chẳng làm gì được. Vì Minh, mẹ đã phải trốn đi công tác lâu rồi, đã đến lúc phải trở lại nhịp độ công việc bình thường. Sau mấy hôm không cho con đụng đến ngực mình, thấy Minh vật vã quá, nhân cơ quan cần người đi công tác Nha Trang 8 ngày, chị nhận đi luôn.
Khi chị trở về, cô em chồng trêu cháu: “Minh kìa, mẹ về rồi, đòi bú đi”. Minh bảo: “Con trai lớn rồi ai lại bú mẹ nữa”. Người mẹ hơi tủi một tí nhưng cũng mừng vì đã cai sữa cho con dễ dàng. Ai ngờ, tối đó lúc tắm gội xong, chị sang phòng bà nội đón con thì thấy cu cậu đang nằm bú bà với vẻ mặt mãn nguyện hết sức. Bà giải thích: “Nó thèm quá thấy thương, tao phải vạch ra cho bú nó mới chịu ngủ”. Bú xong, Minh vui vẻ theo mẹ về phòng, chả “quấy rối” mẹ tí nào.
Khi Minh đã 3 tuổi rưỡi, mẹ thử góp ý với bà nội đừng cho cháu bú nữa. Bà nội cười cười: “Ừ tao cũng có muốn thế đâu, mệt chết đi được. Nhưng mà nó nhớ. Giờ bú bà quen rồi, tự nhiên không cho nữa, nó sốc, nó trầm cảm, mất công mẹ mày lại phải đưa đến chuyên gia tâm lý”. Nghe bà nói như là đọc báo trên mạng hằng ngày, mẹ Minh chẳng biết cãi thế nào, lại đành tặc lưỡi chờ thêm một thời gian nữa.
Với nhiều gia đình, cai sữa cho bé là một việc khó khăn
Nay thì Minh đã 5 tuổi 3 tháng, đã học mẫu giáo lớn. Mỗi buổi chiều đi học về, hễ vào đến cổng là cu cậu cuống cuồng tìm bà, lùng sục hết phòng nọ đến phòng kia: “Bà nội đâu rồi? Nằm ra cho Minh bú mau lên”. Thế là bà nội vừa chửi “tổ cha mày” vừa tất tả vạch áo cho cháu bú. Mẹ bé lo lắng nghĩ, năm tới vào lớp một, chẳng lẽ vẫn bú bà sao?
Mẹ của bé Phong, 4 tuổi, cũng rất băn khoăn về chuyện con bú bà kể từ khi cai sữa mẹ. Thằng bé vốn rất bám mẹ và nhõng nhẽo, nên chuyện cai sữa rất khó khăn, cai đi cai lại 7 – 8 lần, đến gần 3 tuổi mới xong. Lần nào cũng thế, sau mấy ngày nhìn Phong khóc lóc, vòi vĩnh, không chịu ăn cháo, bà nội xót thằng cháu đích tôn phải gắt lên: “Thế mày tiếc gì mà không cho nó bú thêm ít bữa nữa? Sợ hỏng ngực à? Khổ thân thằng bé đã còi như thế kia mà còn vớ phải con mẹ dã man, sắt đá”. Đến lần cuối cùng, với sự phản đối của cả nhà, bà nội mới chịu để Phong cai sữa. Nhưng để thằng bé đỡ tủi thân, bà gọi cháu sang cho “ti” bà. Mẹ góp ý thì bà quát: “Mày không cho nó bú thì tao cho. Nó bú cho vui chứ có phải ăn uống gì nữa đâu mà sợ. Hay mày sợ mất vệ sinh chứ gì? Tao rửa nước muối rồi, đừng tưởng tao già mà không biết cách chăm cháu khoa học nhé”.
Bú thì cấm, nhưng sờ thì 'Ok'
Rất nhiều em bé được cai sữa mẹ đúng với thời hạn khuyến cáo, nhưng không dứt được cái “món sờ ti”, thậm chí nghiện nặng. Bé Sóc Bay, 4 tuổi rưỡi, cũng vậy. Mẹ phải làm thụ tinh trong ống nghiệm 5 lần mới sinh được bé ở tuổi 39, nên xót con vô cùng. Khi Sóc Bay 26 tháng tuổi, mẹ quyết tâm cai sữa, có điều vì thương con quá nên tuy cấm bé ngậm vú nhưng không nỡ ngăn con sờ và vuốt ve “cái bình”, cứ nghĩ rằng không nên tạo ra cho con hai cú sốc cùng một lúc.
Sóc Bay đi nhà trẻ thì thôi, chứ cứ về nhà là vội vàng lao vào mẹ, vạch áo ngực ra để thưởng thức bằng tay. Thấy con cứ “lục lọi” trước mặt những người khác trong gia đình, người mẹ thấy ngại, nhưng nói mãi bé không chịu nghe, nên mọi người đành an ủi là “thôi kệ nó, người nhà cả”. Mẹ Sóc Bay đành tặc lưỡi, cố dặn con là khi có khách thì chịu khó chờ khách về hẵng đòi. Bé đồng ý. Thế nhưng đôi khi khách ngồi lâu quá, bé chờ mãi hết cả kiên nhẫn, thế là chạy ra ôm mẹ nũng nịu rồi bất thần thọc tay vào ngực mẹ, khiến mẹ đỏ bừng mặt vì xấu hổ.
Thói nghiện sờ ti của bé Bum, 3 tuổi 8 tháng, không chỉ gây xấu hổ cho mẹ mà cho tất cả những phụ nữ mà bé có điều kiện tiếp cận, từ bà nội, bà ngoại, cô, dì đến các vị khách nữ. Hễ thấy bất cứ đối tượng có ngực nào xuất hiện là Bum lập tức mon men đến gần, nhoẻn cười làm quen, chui tọt vào lòng ngồi và bất ngờ ra tay. Hôm Bum bám đuôi mẹ đi họp lớp cấp ba, cậu bé đã lần lượt “khám phá” 5 cô bạn mẹ, các cô ré lên còn tất cả mọi người cười giòn giã, mấy chú còn khen Bum mới tí tuổi mà đã khôn ra trò, các chú chẳng bao giờ có dũng khí đó. Cũng may, các cô các chú đều ở độ tuổi U40 cả rồi nên cơn nghiện của Bum không gây sự khó xử nào nghiêm trọng. Nhưng cái lần chú Út mang bạn gái về nhà giới thiệu thì lại khác.
Đó là một cô sinh viên quê ở miền trung du, rụt rè, nhút nhát. Bị Bum “đột kích” trong lúc sắp bàn ăn, cô đánh rơi cả cái đĩa cá sốt cà chua, rồi đứng sững như trời trồng với khuôn mặt hết tái lại đỏ trong cả phút đồng hồ trước khi bưng mặt chạy vào toilet, đứng mãi trong đó. Chú út cáu điên lên, cả nhà thì khó xử. Sau trận đó, bố Bum mới dứt khoát bắt con cai luôn cả thói sờ ti.
Theo thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, phó trưởng phòng khám TuNa (phố Vọng, Hà Nội), việc đứa trẻ lớn rồi còn bú bà hay sờ ti mẹ không chỉ gây ra sự bất tiện hay các tình huống khó xử, mà còn ảnh hưởng xấu đến cả sự phát triển tính cách của đứa trẻ. Những đứa trẻ duy trì quá lâu có thói quen này lớn lên có nguy cơ trở nên nhút nhát, ỷ lại, kém tự lập. Nếu cai sữa mẹ mà vẫn cho sờ ti hay bú vú bà thì chỉ có tác dụng thay đổi nguồn thức ăn, còn sự lệ thuộc của đứa trẻ vào cơ thể người nữ vẫn chưa hề chấm dứt, coi như là chưa cai sữa.
Tuy nhiên, theo bà Linh Nga, trên thực tế không chỉ đứa trẻ mới cần cai, mà nhiều khi người phải cai chính người mẹ, người bà. Họ không nhận ra rằng, khi cho con, cháu bú hay sờ ti dù đã lớn, họ không chỉ chiều đứa trẻ mà còn chiều cả chính mình, vì khi đó, họ cũng có được cảm giác dễ chịu, thỏa mãn khát khao của tình mẫu tử vốn là bản năng của phụ nữ. Vì thế, muốn cai sữa được cho đứa trẻ, bà và mẹ không chỉ tránh yếu mềm với bé, mà còn phải cứng rắn với bản thân
Các mẹ cùng tham khảo 3 tư thế cho con bú thoải mái nhất nhé!