Mẹ anti vắc xin, bé 7 tháng tuổi nguy kịch vì nhiễm trùng huyết, người lở loét đầy mủ
Chỉ cho con tiêm một mũi vắc xin mới chào đời rồi sau đó không tiêm mũi nào nữa, bà mẹ này cho rằng vắc xin sẽ phá hủy các cơ quan nội tạng của con.
Ảnh hưởng của phong trào phản đối tiêm vắc xin ngày càng trở nên mạnh mẽ. Và hệ quả là làm nảy sinh không ít vấn đề sức khỏe trong xã hội ngày nay. Bất chấp rất nhiều bằng chứng khoa học về tác dụng của vắc xin, nhất là trong việc phòng ngừa dịch bệnh, những người nói "không" với vắc xin vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Họ được cho là đã góp phần khiến bệnh bại liệt quay trở lại Malaysia sau khi đã được loại bỏ từ 27 năm trước.
Bác sĩ Yazeed Hair Johari mới đây chia sẻ trên Facebook về hậu quả khôn lường của việc anti vắc xin đối với nạn nhân là một em bé 7 tháng tuổi. Ông nhớ về lần gặp gỡ với bệnh nhi này cách đây 3 năm, tại thời điểm mới mở phòng khám ở Kota Damansara.
Lúc đó khoảng 9h50 tối, phòng khám của bác sĩ Johari đang chuẩn bị đóng cửa thì một người mẹ bế con nhỏ vừa khóc vừa gõ cửa một cách tuyệt vọng. Bác sĩ để người phụ nữ vào rồi đề nghị y tá viết thông tin của chị vào một tấm thẻ do toàn bộ máy tính đã tắt.
Bác sĩ Johari đã rất sốc khi tận mắt thấy đứa trẻ trên tay người phụ nữ toàn thân đầy vét lở loét đã mưng mủ, chưa kể các mảng da tấy đỏ, bong tróc. Thậm chí, những vết mủ còn bốc mùi vô cùng khó chịu.
Người mẹ cho biết, đứa trẻ mới chỉ hơn 7 tháng tuổi. 10 ngày trước, bé bắt đầu nổi mẩn và bị sốt. Sau đó, bệnh tình diễn tiến xấu, dẫn tới tình trạng hiện tại.
"10 ngày sao? Trong 10 ngày đó, con chị có uống sữa không? Sao chị không đưa bé tới bệnh viện", bác sĩ hỏi. Nhưng ông không nhận được câu trả lời.
"Bệnh nhi trông như thể bị bỏng nặng, sốt cao 40 độ, thở gấp, mạch yếu, mất nước nghiêm trọng và nhịp tim đập rất nhanh. Tôi cực kỳ lo sợ sẽ làm cho em bé đau khi tiến hành đo huyết áp bởi cánh tay bé cũng đầy vết lở loét", bác sĩ Johari kể lại.
Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện bé sơ sinh bị sốc nhiễm trùng huyết do mắc bệnh nhiễm trùng do virus trước đó mà không được xác định và đang trong tình trạng vô cùng nguy hiểm. Sốc nhiễm trùng huyết có thể đe dọa tính mạng nạn nhân trưởng thành và với bé sơ sinh có hệ miễn dịch yếu thì mọi chuyện còn đáng lo nhiều hơn thế.
Người mẹ sau đó giải thích: "Thực sự thì tôi đã nghĩ mọi loại bệnh tật rồi sẽ tự khỏi. Tôi không thích thuốc kê đơn của bệnh viện. Tôi không thích những 'chất ngoại lai' tiêm hoặc đưa vào cơ thể con tôi".
Khi được hỏi ai đã nói với cô những điều vô nghĩa như vậy, người mẹ cho biết: "Tôi có một nhóm bạn đều là mẹ bỉm sữa. Họ nói với tôi rằng, thuốc của bệnh viện không tốt cho trẻ nhỏ. Họ toàn tự điều trị cho con tại nhà bằng thảo dược. Họ cũng bán những loại thảo dược đó và tôi đã dùng cho con mình".
Choáng váng trước những gì nghe được, bác sĩ Johari tiếp tục hỏi người mẹ có tiêm vắc xin cho con không bởi em bé đã hơn 7 tháng tuổi. "Tôi chỉ cho con tiêm vắc xin khi bé chào đời nhưng sau đó, tôi không cho bé tiêm thêm mũi nào nữa. Bạn bè nói với tôi rằng, vắc xin là không được phép (không được đạo Hồi cho phép). Họ nói, vắc xin sẽ phá hủy các cơ quan nội tạng của bé và đề nghị tôi đừng để Tây y chi phối", người mẹ tiết lộ.
Bác sĩ Johari cho biết, ông cần phải đặt ống truyền tĩnh mạch cho bé trước khi chuyển bé vào bệnh viện. Người mẹ chỉ lặng lẽ gật đầu. Lúc tìm ven cho bé, bác sĩ lại thấy dâng lên cảm giác lo lắng bởi bé rất yếu, đến mức, không đủ sức mà khóc vì đau.
Ngay khi sẵn sàng chuyển em bé vào viện, người mẹ vừa nghe xong một cuộc điện thoại, trở lại nói rằng, cô không muốn con mình tới bệnh viện. "Sau khi hoàn tất lượt truyền này, tôi sẽ đưa con về nhà. Nếu ông không cho tôi làm vậy, tôi sẽ gọi chồng tôi và chúng tôi sẽ báo cảnh sát. Đây không phải con ông", người mẹ hét lên.
Đúng lúc đó, cha đứa bé xuất hiện và khăng khăng rằng, anh ta không muốn con mình nhập viện. Bác sĩ Johari nhớ lại: "Tôi không biết phải làm gì bởi khi đó, tôi vẫn còn thiếu kinh nghiệm. Tôi tự nhủ sẽ cầu nguyện cho em bé. Tôi hi vọng Chúa sẽ bảo vệ bé bởi cha mẹ bé sẽ chỉ nghe theo những điều họ muốn nghe. Giải thích để họ hiểu cũng chẳng ích gì".
Bác sĩ Johari cho biết, dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhi, bé có thể tử vong chậm nhất là vào ngày hôm sau. Khi kiểm tra thông tin cá nhân mà người mẹ cung cấp để viết bản tường trình gửi Bộ Y tế và phía cảnh sát, bác sĩ phát hiện, đó đều là thông tin giả.
"Hãy nhìn vào những gì đã xảy ra khi trong cộng đồng có quá nhiều người phản đối tiêm vắc xin. Hãy suy ngẫm một cách đúng đắn, nếu thuốc thang mà gây hại hoặc không phù hợp, nó đã bị cấm trên toàn thế giới rồi. Tất cả là bởi những suy nghĩ thiển cận, bạn có thể đang đánh cược chính mạng sống của con mình. Con bạn, đứa trẻ ấy, hoàn toàn vô tội mà", bác sĩ kết thúc chia sẻ bằng những dòng như vậy.