Mẹ 2 con chỉ ra 9 món đồ sơ sinh không cần thiết nhưng ai cũng sắm, vừa lãng phí vừa gây hại đến con
Có những món đồ tưởng chừng như rất cần thiết xong thực tế nó không hề đem lại hiệu quả như các mẹ mong đợi.
Việc mua sắm đồ dùng cho trẻ sơ sinh luôn là điều khiến nhiều chị em hào hứng nhưng cũng không kém phần đau đầu. Phải mua sao cho đúng, cho đủ lại phù hợp với túi tiền của mình là điều không hề đơn giản, đặc biệt với những chị em lần đầu làm mẹ.
Chính bởi sự háo hức chào đón thiên thần nhỏ, sợ thiếu cái này cái khác đến khi cần dùng lại không có nên nhiều mẹ khá thoáng tay trong việc mua sắm. Ngoài ra, vì chưa có kinh nghiệm nên chị em cũng sẽ dễ mua phải những món đồ mà sau đó không hề dùng tới. Việc mua những đồ dùng không cần thiết không chỉ ảnh hưởng đến yếu tố kinh tế mà có những món đồ còn làm hại đến em bé của bạn.
MC Quỳnh Anh đã trải qua 2 lần sinh con và đúc rút ra những kinh nghiệm để chia sẻ với chị em.
Từng trải qua 2 lần sinh nở, MC Quỳnh Anh hiện đang công tác tại Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã gạch đầu dòng 9 món đồ sơ sinh mà chị cho là các mẹ không cần phải sắm cho em bé. MC Quỳnh Anh cho biết, những điều chị chia sẻ được rút kinh nghiệm sau 2 lần sinh con, 9 món đồ này lần nào chị cũng mua nhưng lại không bao giờ dùng đến.
1. Bao tay, chân
Nhiều bà, mẹ nghĩ trẻ sơ sinh luôn lạnh nên phải đeo bao tay bao chân. Điều này là sai lầm tai hại. Chính bao tay, bao chân đang cản trở sự phát triển của em bé, đặc biệt bàn tay là công cụ để con nhận biết và khám phá thế giới trong những năm đầu đời.
Trẻ sơ sinh chưa điều hoà được thân nhiệt, nên gan bàn tay và bàn chân thường lạnh hơn các bộ phận khác. Nhưng không có nghĩa là bé đang bị lạnh. Muốn kiểm tra con nóng hay lạnh thì sờ vùng đầu, gáy mới cho kết quả chính xác.
(Ảnh minh họa)
Đeo bao tay để tránh mút tay và cào vào mặt? Điều này đang làm mất đi "bản năng" và quyền tự do khám phá của bé. Mút tay là biểu hiện tốt, thể hiện sự phát triển trong não bộ, đứa trẻ nào không mút tay mới là bất bình thường. Còn móng tay của bé nên được cắt gọn gàng để không gây tổn thương. Đeo găng làm hạn chế sự cử động của ngón tay, ảnh hưởng đến phát triển xúc giác. Những đứa trẻ không đeo bao tay sẽ sử dụng lực bàn tay và các ngón tay thuần thục hơn những đứa trẻ đeo bao tay trong nhiều tháng đầu đời. Thậm chí đã có những trường hợp chỉ thừa trong bao tay quấn vào ngón tay dẫn đến hoại tử ngón tay em bé.
2. Phấn rôm
Sử dụng phấn rôm để chống hăm sẽ cho kết quả ngược lại là càng hăm nặng hơn. Trên thực tế, điều này không được khuyến khích. Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ, không nên sử dụng thường xuyên các sản phẩm có chứa thành phần bột Talcum trên da trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Bột phấn rôm gây bít lỗ chân lông, làm khô da, ảnh hưởng đến vùng da non nớt của bé.
(Ảnh minh họa)
Dùng phấn rôm để tạo mùi thơm? Không cần thiết. Thính giác của trẻ sơ sinh chưa đủ phát triển để cảm nhận, mùi thơm dịu với người lớn nhưng là mùi rất kinh khủng với trẻ nhỏ. Khi bé hít phải bột phấn rôm, khả năng cao gây kích ứng, ho, hen suyễn, khó thở.
3. Phao cổ
Nhiều cha mẹ rất nóng lòng cho con đi float, trở về với môi trường nguyên thuỷ từ trong bụng mẹ là nước. Bơi - float rất tốt nhưng sử dụng phao cổ lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Phao cổ có thể làm tổn thương đốt sống cổ, động mạch cổ nếu dùng không đúng cách.
(Ảnh minh họa)
Năm 2018 đã từng có 1 em bé 7 tháng tuổi suýt tử vong do sử dụng phao cổ. Chiếc phao bị lật lại kéo cả đầu bé cắm xuống nước.
Ngoài ra khi đến các trung tâm float cho trẻ sơ sinh, đều có phao cổ và có chuyên gia giám sát, nên việc sắm riêng một chiếc là không cần thiết và chẳng bao giờ dùng đến.
4. Gối
Trẻ vừa chào đời chưa cần dùng đến gối, vì đường cong sinh lý cột sống cổ vẫn chưa hình thành. Khi trẻ nằm xuống, đầu, cổ, cột sống sẽ nằm trên một mặt phẳng, vì thế trẻ sẽ không cảm thấy khó chịu như bạn nghĩ. Trong trường hợp đầu của bé được nâng lên cao bằng gối, vô tình gây áp lực không cần thiết lên đốt sống cổ của bé. Cho đến khi trẻ 6, 7 tuổi, đường cong cột sống cổ của em bé mới gần như người lớn.
Việc sắm một chiếc gối cho em bé là không cần thiết, thậm chí hại em bé.
(Ảnh minh họa)
5. Xe đẩy to, nặng
Chúng ta thường rất ưng những chiếc xe đẩy to lớn, vững chãi, chắc chắn mà không để ý đến tính " hữu dụng" của nó. Mua một chiếc xe đẩy cồng kềnh sẽ chỉ giúp bạn đẩy em bé đi xung quanh nhà, việc để xe lên một phương tiện khác để di chuyển đi chơi xa hơn là điều không khả thi.
(Ảnh minh họa)
Những chiếc xe cân nặng trung bình hơn 10 kg, rất to và nặng, khiến bạn gặp khó khăn khi mang vác, di chuyển, lại không có chức năng gấp gọn, gây tốn diện tích, cũng không thể đặt vào cốp xe khi ra ngoài.
Thay vào đó hãy ưu tiên yếu tố cơ động, nhẹ và gấp gọn khi tìm mua một chiếc xe đẩy, để nó phát huy được hết tác dụng thay vì "vứt xó".
6. Che thóp
Nhiều mẹ quan niệm rằng vùng thóp của con rất mỏng manh, dễ bị xâm phạm nên phải che đi, bằng mũ hoặc miếng che thóp. Nhưng điều này cực kỳ cổ lỗ sỹ. Đội mũ, che thóp chỉ làm tăng nhiệt độ, con toát mồ hôi ngấm ngược lại càng ốm thêm. Trẻ sơ sinh phần lớn thời gian là ngủ. Việc đội mũ hay che thóp khi ngủ càng khiến con bí bách, khó chịu, ngủ không ngon giấc.
(Ảnh minh họa)
Nếu trời lạnh, ra ngoài, hoặc phòng không ấm thì mới cần đội mũ để chống rét, còn lại thì không cần thiết.
7. Băng rốn
Nhiều người nghĩ rằng việc băng kín rốn sẽ giúp bảo vệ rốn khỏi sự thâm nhập của bụi bặm, vi trùng từ môi trường xung quanh. Tuy nhiên, thực tế lại không như bạn nghĩ. Việc băng kín rốn sẽ làm rốn lâu khô và chính môi trường ẩm ướt này sẽ tạo điều kiện cho vi trùng sinh sôi nảy nở, vì thế rốn sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn.
(Ảnh minh họa)
Hiện tại Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, bạn không nên băng kín rốn trẻ sơ sinh. Và các bệnh viện phụ sản hiện nay cũng không băng rốn cho bé, nên không cần mua băng rốn.
8. Máy hâm sữa
Bạn nghĩ sữa chuẩn bị cho bé bị nguội hoặc sữa mẹ vắt sẽ cho vào máy hâm để con có bữa ăn ấm nóng, thật nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên thực tế lại không như bạn nghĩ. Để máy hâm sữa hoạt động và bắt đầu ấm mực nước trong máy để ngâm sữa cần 10-15 phút, để mực nước ấm đó lan toả làm ấm bình sữa cũng mất 10-15p nữa.
Nếu mẹ tiết kiệm thời gian chờ, luôn cắm sẵn máy hâm thì điều này có thể gây nguy hiểm khi bé vô tình nghịch vào máy đang nóng. Thêm nữa là cực kỳ tốn điện vì cắm giữ ấm liên tục.
(Ảnh minh họa)
Thời gian chờ máy hâm quá lâu so với việc ngâm bình sữa vào cốc nước ấm nóng. Để hâm sữa, chỉ cần 1 phích nước nóng và 1 cốc chịu nhiệt để ngâm là đủ.
Thậm chí có nhiều mẹ để sữa sẵn trong máy hâm để luôn giữ ấm sữa kịp giờ cho con ăn. Nhưng điều này là sai lầm tai hại. Máy hâm sữa không phải là cách bảo quản sữa. Giữ sữa ấm trong nhiệt độ từ 40 độ C, sữa bị chua và biến đổi, nhiệt độ ấm khiến vi khuẩn dễ dàng sinh sôi.
Nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết phải ngâm ấm sữa cho bé, uống sữa mát không hề gây đau bụng như nhiều người lầm tưởng. Mình nuôi con cũng theo chủ nghĩa không hâm sữa. Tại sao thì rảnh sẽ chia sẻ kỹ sau nha.
9. Tã chéo
Ngày nay với sự phát triển của khoa học hiện đại, tã chéo là không cần thiết và cũng chẳng mấy ai sử dụng nữa. Thời các cụ không có tấm lót sơ sinh, không có miếng dán, không có tã bỉm, nên mới phải dùng tã chéo. Bé mới sinh có thể dùng ngay tã dán hoặc miếng lót sơ sinh.
(Ảnh minh họa)
Việc dùng tã chéo để đỡ hăm là quan điểm bảo thủ. Hăm là do vi khuẩn - do nước tiểu và phân bám vào da bé. Dùng tã chéo con tè ị ra dính khắp mông, thay không kịp thì vẫn hăm như thường.