Mâm cơm quê giản dị của mẹ bầu tự nấu, bữa nào cũng đầy đặn nhưng ăn 1 kiểu giúp "vào con không vào mẹ"

An Chi,
Chia sẻ

Nhìn những mâm cơm quê mà ai cũng xuýt xoa.

Nhiều mẹ bỉm tâm sự rằng giai đoạn bầu bí, đặc biệt là những tháng cuối thai kỳ chính là lúc cảm thấy ăn uống ngon miệng nhất. Bởi cơn nghén đã qua đi, tháng cuối em bé cần tăng cân nhiều nên mẹ có thể lựa chọn thoải mái những món mình thích. Chưa kể sau sinh phải kiêng khem một thời gian nên một số mẹ "tranh thủ" tẩm bổ giai đoạn này. 

Chị Thanh Loan, ở An Dương, Hải Phòng tự tay làm cho mình và gia đình những bữa cơm thật ngon trước ngày đi đẻ. Nhìn mâm cơm đầy đặn, thức ăn siêu nhiều và ngon khiến ai cũng trầm trồ. Mọi người dành lời khen các món ăn giản dị nhưng bày biện ngon mắt, đủ dinh dưỡng cho bà bầu. 

Mâm cơm quê giản dị của mẹ bầu tự nấu, bữa nào cũng đầy đặn nhưng ăn 1 kiểu giúp "vào con không vào mẹ" - Ảnh 1.

Chị Loan và gia đình nhỏ

"Mình có sở thích chụp ảnh, chụp mọi thứ, nhất là đồ ăn, cỏ cây, hoa lá và bầu trời. Trước khi đi sinh em bé mình đặt mục tiêu chụp ảnh 31 mâm cơm cho 1 tháng để có động lực vào bếp và đây là thành quả của mình. 

Mời cả nhà cùng thưởng thức những bữa cơm quê của mẹ con cháu nha. Nguyên liệu mâm cơm nhà cháu chủ yếu là rau bà trồng, gà nhà nuôi, thịt lợn sạch, trứng gà nhà đẻ, na nhà trồng... nên món ăn lặp lại hơi nhiều ạ.

Vì mình bầu bì, nên buổi sáng mẹ chồng mình đi chợ quê sớm mua sẵn nguyên liệu để tủ lạnh. Nhiệm vụ của mình là nghĩ xem chế biến món gì cho 1 ngày từ nguyên liệu có sẵn của mẹ. Vì mình vào bếp thường xuyên, lại bầu bì vào mùa hè khá nóng, nên mình luôn cố gắng nấu nhanh nhất có thể, tầm khoảng 1-1,5 tiếng cho 1 bữa ăn. 

Nhà mình thường có từ 3-5 người ăn, nên với lượng ăn như vậy là vừa đủ, bữa nào hết bữa đó luôn. Mình luôn cố gắng nấu bữa ăn đa dạng món, để đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng cho bà bầu, nhưng sẽ ăn lượng vừa đủ để mẹ khoẻ, con khoẻ", chị Loan tâm sự. 

Nhìn mâm cơm của chị Loan mà ai cũng xuýt xoa. Bữa nào cũng đầy đặn món, món thịt, canh, rau và tráng miệng đầy đủ. Bữa cơm 5 món cực kỳ đủ chất, nhìn đã muốn ăn ngay. Dù đơn giản nhưng món nào cũng rất ngon. Nhiều người thắc mắc mẹ bầu ăn như này thì hơi nhiều nhưng theo chị Loan, chị sẽ ăn số lượng vừa đủ. Mâm này nấu cho cả nhà nên số lượng sẽ nhiều hơn chút. 

Trong thời gian bầu bí, việc ăn đủ chất, đủ số lượng sẽ giúp cho mẹ khỏe, con khỏe. Ai cũng khen chị Loan khéo tay, bầu bí mà vẫn nấu được các món ăn vô cùng chất lượng. 

Mẹ bầu ăn gì để vào con không vào mẹ, thai nhi tăng cân vù vù? 

1. Thực phẩm mẹ bầu nên ăn để vào con, không vào mẹ

- Rau xanh đậm: Những loại rau xanh đậm như rau bina, súp lơ xanh, các loại đỗ đậu... rất giàu acid folic tốt cho sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, tránh những dị dạng bẩm sinh cho em bé. Acid folic cần được bổ sung từ giai đoạn trước khi thụ thai và cả trong khi mang thai, sau khi sinh và khi cho con bú.

Ngoài ra ăn nhiều rau xanh mẹ bầu sẽ được cung cấp đầy đủ chất xơ, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, tránh được tình trạng táo bón, đầy bụng, khó tiêu.

- Tinh bột: Mẹ bầu chỉ nên ăn 2-3 bát cơm/ngày. Buổi sáng ưu tiên ăn bánh mì hoặc khoai lang, yến mạch hoặc gạo lức.

- Thịt: Mẹ bầu nên ăn nhiều thịt bò, thịt heo, thịt gà. Tránh ăn thịt quá nhiều mỡ.

- Trái cây: Mẹ bầu nên ăn nhiều hoa quả để được cung cấp chất xơ, vitamin C. Những chất này giúp cho mẹ không bị táo bón, rối loạn tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Chị em có thể ăn hoa quả trực tiếp hoặc chế biến thành nước ép, sinh tố.

- Cá: Cá là thực phẩm giàu chất đạm và bổ sung 1 lượng DHA cần thiết giúp bé phát triển trí não, thông minh hơn. Cũng giống như thịt, mỗi tuần mẹ bầu nên duy trì 2-3 bữa ăn với cá. Những loại cá dinh dưỡng, tốt nhất cho phụ nữ mang thai là cá hồi, cá mòi, cá trích, tránh ăn các loại cá chứa nhiều thủy ngân. Thi thoảng mẹ bầu cũng nên bổ sung các bữa hải sản khác như cua, tôm, ốc... để được cung cấp đầy đủ chất đạm, canxi.

- Uống sữa ít đường và các sản phẩm từ sữa: Mỗi ngày mẹ bầu nên uống khoảng 2-3 ly sữa và uống sau bữa chính khoảng 2-3 tiếng. Sữa tươi không đường hoặc ít đường sẽ tránh cho mẹ bầu khỏi bệnh tiểu đường thai kỳ.

- Uống nhiều nước: Mỗi ngày phụ nữ mang thai phải bổ sung 2,5 – 3 lít nước (bao gồm sữa, nước lọc, nước trái cây, nước canh…) để giúp cung cấp đủ nước ối khi sinh và đồng thời nó còn giúp cung cấp độ ẩm cho da, giúp da dẻ luôn căng mịn.

- Trứng: Trứng gà ta rất bổ cho mẹ bầu, nhưng không nên ăn nhiều quá. Một tuần 3-4 quả là đủ. Ngoài ra, những tuần cuối thai kỳ, mẹ bầu có thể ăn trứng vịt lộn để bé tăng trưởng nhanh hơn.

2. Nguyên tắc để ăn vào con, mẹ không béo

- Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn 3 bữa chính trong 1 ngày, mẹ bầu có thể ăn thành 6 bữa. Chia nhỏ bữa ăn giúp cơ thể hấp thụ và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

- Không nên ăn 2 người: Quan niệm xưa cho rằng, khi mang thai, người phụ nữ cần ăn gấp đôi lượng thực phẩm vẫn ăn hàng ngày để con được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Mẹ bầu ăn quá nhiều sẽ bị tăng cân mất kiểm soát, dẫn đến béo phì.

Trong khi đó béo phì gây ra những căn bệnh nguy hiểm trong thai kỳ như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ. Và có thể bé cũng không hấp thụ được dinh dưỡng đầy đủ để tăng cân tốt.

Ăn uống đa dạng: Đa dạng hóa các loại thực phẩm, không nên ăn quá nhiều và liên tục một món bất kỳ nào đó dù bị nghén một món nhất định.

Định lượng khẩu phần ăn mỗi bữa: Chia định lượng cho khẩu phần ăn mỗi bữa để không bị thiếu dinh dưỡng và chia đều các nhóm thực phẩm cần ăn trong ngày.

Khẩu phần ăn mỗi bữa bao gồm: 25% đạm (gồm thịt, cá, trứng...), 25% tinh bột (cơm, bánh mì, khoai, ngô, bún) và 50% là rau củ quả các loại... Hạn chế đường, muối, chất béo.

Đừng quên hoạt động thể chất: Đi bộ đều đặn mỗi ngày 30 phút. Đồng thời, những lúc rảnh rỗi chị em nên tập các bài tập thể dục dành riêng cho bà bầu.

Những thực phẩm không tốt cần hạn chế: Các loại bánh kẹo, nước ngọt, đồ uống có ga, đồ chiên rán nhiều mỡ...

Thay vì uống sữa bầu, hãy uống 2-3 ly sữa tươi không đường (sữa tách béo) hàng ngày: Các mẹ thường nghĩ rằng mang thai thì phải uống sữa bầu. Nhưng thực ra sữa bầu có nhiều chất và lượng đường cũng nhiều. Phụ nữ mang thai uống sữa bầu thì chỉ vào mẹ, chứ không vào con.

Ngoài ra mẹ bầu nên uống vitamin tổng hợp bổ sung để đảm bảo cơ thể có đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.

Chia sẻ