Lớp học như chùa, trẻ con như phỗng

Theo Soha/Trí Thức Trẻ,
Chia sẻ

Các chuyên gia giáo dục nước ngoài sau khi đến Việt Nam nhận xét: Ở Việt Nam học sinh rất ngoan, rất dễ thương, giơ tay phát biểu, nhưng quá trật tự, và ngại ngần.

Hôm qua cô bạn tôi đăng bản kiểm điểm của con gái lên facebook, ghi rõ đây là lần thứ hai trong năm. Lỗi: nói chuyện trong giờ học. Đứa trẻ lớp 6 thành khẩn viết: Con hứa không tái phạm.

Bản kiểm điểm của con bé làm tôi nhớ đến vô số lần nói chuyện riêng trong lớp, mở sách giáo khoa đọc bài khác khi chán bài đang học, che quyển truyện dưới gầm bàn đọc trộm buộc áo của bạn vào chân bàn, dán lên lưng bạn tờ giấy ghi "Hãy đánh tôi đi", nhỏ mực vào dép, hay rủ nhau trét mắt mèo lên ghế cô... Bị cô phạt đứng úp mặt vào tường vẫn lén quay mặt xuống thè lưỡi nghịch với các bạn.

Còn bị đuổi ra khỏi lớp ư, hành lang mát rười rượi, tha hồ nhìn ngắm đó đây hay bám cửa sổ ngó lớp bên cạnh đang học, ngạc nhiên ngắm cái sân trường vắng lặng hết sức mới lạ. Nếu có hai đứa bị phạt thì vui quá trời quá đất, chơi đủ mọi trò cười rinh rích.

Mấy chục phút bị phạt trôi vèo trong khoái chí, chẳng có xíu ân hận nào như các thầy cô mong đợi.

Lớp học như chùa, trẻ con như phỗng - Ảnh 1.

Trẻ con thời nào cũng như nhau cả. Có hôm chúng tôi đi tham quan trường tiểu học quốc tế kia, thấy một anh nhóc lớp 1 bị phạt đứng ngoài cửa lớp.

Nó chúi đầu vô kẹt cửa, chổng mông ra. Buồn cười quá, tôi gõ vào mông nó. Nhóc con giật bắn người quay lại. Nó đang say mê vẽ bằng ngón tay lên cánh cửa gỗ cũ của lớp học, cái mặt táo hồng hổng có chút xíu sám hối gì hết trơn.

Tôi nín cười hỏi, hết giờ rồi kìa con, con có muốn vô lớp không?

Ô, nó lắc đầu bạn à.

Hẳn là thế giới tưởng tượng của nhóc con đang kỳ thú quá so với lớp học trong kia.

Nhưng tôi cũng nhớ những lần mấy chục cái miệng tụi nhóc chúng tôi há ra như mỏ chim non nuốt lấy từng lời cô giáo kể những câu chuyện thần thoại. Hay những buổi giáo viên tiết sau đã đến đứng ngoài cửa lớp mà trong này thầy trò vẫn đang còn say sưa hỏi đáp.

Một cô bạn của tôi khi về Việt Nam rất kinh ngạc vì những lớp học im phăng phắc. Thậm chí, để bọn trẻ bớt nô đùa, có trường còn nghĩ ra môn học cực lạ với trẻ lớp 1: Tập thiền trong giờ ra chơi. Thiền gì mà thiền, chẳng qua trường không có sân nên bịa ra cách để giữ chân trẻ trong lớp.

Và mô tả kinh điển về lớp học của chúng ta thường là: "Cả lớp ngồi im phăng phắc, con ruồi bay qua cũng nghe thấy".

Lớp học phải như chùa, trẻ con phải như phỗng, mới là lớp học kiểu mẫu.

Thế nên mới có chuyện đứa bé lớp 6 tuổi chỉ quay sang nói chuyện với bạn liền bị kiểm điểm và hứa không tái phạm.

Câu hứa này chỉ là một dạng "văn mẫu" buộc phải có trong bất cứ bản kiểm điểm nào, chứ ông trời cũng không ép được một đứa trẻ chuyên chú vào bài học nếu nó không tự thấy hấp dẫn.

Bạn tôi kể trong ngôi trường của hai con cô tại Bỉ, chúng được thầy cô khuyến khích vận động, nô nghịch thật nhiều trong giờ giải lao. Có hôm trời mưa lất phất, bọn trẻ vẫn hăng say đá banh, thầy cô chỉ đứng cười nhìn. Đừng quá quan trọng hóa, một chút nắng mưa chẳng đủ làm chúng bệnh đâu.

Có hôm, giờ sử học về các niên đại khiến bọn trẻ khó nhớ quá, thầy giáo bèn kéo hết ra sảnh. Thầy lấy cuộn giấy vệ sinh dán dài dọc sảnh làm chiều thời gian, bọn trẻ con chia nhiều tốp thi nhau lên đặt các tấm ảnh mốc lịch sử cho chính xác.

Dĩ nhiên là chúng bàn tán ỏm tỏi, cười vang trời và chạy huỳnh huỵch. Tiết sử khó nuốt được tiêu hóa ngon ơ như thế.

Lớp học như chùa, trẻ con như phỗng - Ảnh 2.
Hình ảnh một lớp học tại Israel mà chị Thu Hà chia sẻ trên facebook cá nhân.

Trên facebook, Thu Hà, người hay chia sẻ những kinh nghiệm dạy con của mình kể về một lớp học ở Israel. Ở một lớp, một cô học sinh đang đứng trước lớp hùng hồn bảo vệ quan điểm. Cô giáo thì nhỏn nhẻn ngồi dưới lắng nghe.

Thu Hà kể: "Chúng tôi tới thăm phòng học giờ thực hành khoa học (...) Lớp học ỒN ÀO NHƯ CÁI CHỢ VỠ. Trong phòng học sinh túm tụm từng nhóm, hoặc là đang thử chạy máy này, hoặc đang tháo lắp các máy khác, có nhóm còn nằm bẹp xuống đất để quan sát.

Họ cho rằng một lớp học quá trật tự là một lớp học không hiệu quả. Họ đã từng tới Việt Nam, và nhận xét: Ở Việt Nam học sinh rất ngoan, rất dễ thương, giơ tay phát biểu, nhưng quá trật tự, và ngại ngần.

Ở đây lớp học rất ồn, học sinh chạy lộn xộn, nhưng rất hào hứng, và khi có khách tới thăm, các bạn ấy càng hào hứng hơn.

Các bạn sẽ giúp đỡ nhau, chạy thoải mái từ bàn này qua bàn kia. Có nhiều bé chạy ra hành lang, kiếm chỗ rộng để cho mô hình của mình lăn được xa.

Lớp học không hoành tráng, chẳng xinh đẹp. Máy lạnh cũ tới mức bung cả nắp, thùng rác thì để giữa phòng, bảng cũng te tua, nhưng mắt mũi đứa nào cũng rực sáng và hào hứng không thể nín được".

Các nhà giáo ở nơi đã hình thành ra "trí tuệ Do Thái" khiến thế giới ngưỡng mộ đó, họ cho rằng "nghe thì quên, đọc thì nhớ, làm thì hiểu".

Còn đây là cảm thán của giáo viên Việt Nam:

"Khổ cái là phụ huynh mà vào lớp thấy các con ồn ào, nghịch ngợm thì lại bảo các cô không quản lý học sinh, lớp học gì mà như cái chợ vỡ".

"Trường em mới chuyển về thì ra luật không cho giáo viên ngồi trong giờ, học sinh không được nằm, không được ồn ào. Lớp phải im phăng phắc".

Tôi nhớ những buổi học ngoài trời trong vườn sinh vật của nhà trường, ngoài công viên hoặc trong phòng thí nghiệm. Mỗi tuần, chúng tôi có 1 hoặc 2 tiết như vậy. Giờ học đó được trông đợi và hào hứng như thế nào. Không một đứa nào ngồi im hoặc ngáp dài.

Sau giờ học vẫn là những trao đổi hào hứng không ngớt. Nhiều đứa về nhà tự trồng cây để học về một lá mầm, hai lá mầm, đứa khác tự lắp mạch điện...

Nhưng đó chỉ là những hoạt động hiếm hoi. Lên đại học, chủ yếu vẫn là đọc chép. Tôi học Luật. Kiến thức luật giàu tính thực tiễn là thế nhưng được dạy bằng phương pháp không thích hợp, đến nỗi có một tiến sĩ thầy tôi rất uyên bác trong học thuật nhưng lại bị lớp lớp thế hệ sinh viên đặt chết hỗn danh "tiến sĩ gây mê". Trốn học thì bị điểm danh, cả giảng đường bèn lăn ra ngủ gần hết.

Sau này, học các anh chị lớn, bọn sinh viên bèn đi đến tòa án, dự các phiên xử công khai để học. Áp vào các trường hợp thực tế vô cùng phong phú, mớ kiến thức luật khô khốc khó nhằn trở nên linh hoạt biến hóa, cứ nghe cũng đủ thấm vào lúc nào không biết.

***

Tác giả Huỳnh Mai viết về Philippe Perrenoud - "cây đại thụ" của ngành sư phạm tại Đại học Genève (Thụy Sĩ) như sau: "Qua thực tế nghiên cứu và giảng dạy hơn 30 năm, ông đã đề ra 10 quyền của người đi học.

Đấy là những quyền không thể chối bỏ đối với trẻ em, giúp cho các em không phải khổ hạnh trong học tập, mà tự tìm thấy nguồn vui và hạnh phúc trong học tập, từ đấy tạo ra sự hưng phấn của bộ não để chủ động tìm đến với những kiến thức mới mẻ và hấp dẫn".

Đó là những quyền gì?

Quyền không phải chuyên cần chăm chú suốt buổi học. Y học đã chứng minh là tùy theo tuổi, các em có khả năng chú ý từ 20 đến 40 phút, sau đó phải giải trí, phải chạy nhảy, đi chơi rồi mới tiếp tục học được.

Nhiều trường trên thế giới tổ chức sinh hoạt thể thao, giải trí, đi bộ ngoài trời,... xen kẽ với việc học. Ngay trong mỗi tiết học, có những giáo viên thỉnh thoảng dừng lại để trò có thể hát, tán gẫu trong hai ba phút, xong lại tiếp tục bài giảng.

Tiếp theo là quyền được cử động, di chuyển: Tại sao bắt các em ngồi một chỗ và giữ im lặng? Các em đầy sinh khí. Phải kìm hãm cái sinh khí ấy trong suốt giờ học, thảo nào đến lúc nghe chuông cuối giờ các em ào ào tranh nhau ra sân như vừa... thoát nợ.

Tổ chức sinh hoạt trong lớp một cách sống động, chấp nhận việc các em "táy máy" với các đồ vật ở tầm tay hay nghịch vặt với bạn ngồi gần là tôn trọng quyền được cử động của các em.

Đấy! Suốt hàng chục năm nay chúng ta loay hoay cải cách giáo dục. Nam phụ lão ấu loạn hết với STEM, VNEN, với học Mỹ, học Nhật hay học Hàn, thậm chí kích não, mở luân xa, nghe hết cả hồn.

Nhưng điều mau mắn nhất, dễ học nhất, có ích lợi ngay lập tức là cho con trẻ được học hành trong không gian sinh động và linh hoạt, ta làm ngay được mà các cụ.

Chia sẻ