Không phải học phí hay phương pháp, đây mới là điều bố mẹ mong muốn khi gửi con đi mẫu giáo

Hường Phạm,
Chia sẻ

Hôm đó cũng là lần đầu tiên tôi lật từng trang cuốn sổ liên lạc của con, đọc kĩ từng dòng thầy cô ghi chú sau mỗi ngày con đến lớp. Đó không hề là cuốn sổ “nhàm tẻ” cùng những lời phê “một màu” như tôi từng nghĩ.

Khi Nhím tròn ba tuổi, hai vợ chồng tôi quyết định cho con đi học để con có thêm bạn và được trang bị những kĩ năng cần thiết mà con không thể có nếu cứ ở nhà mãi với bố mẹ. Đau đầu nhất là khâu chọn trường. Chồng tôi thích cho Nhím học trường công vì học phí mềm, các thầy cô cũng được đào tạo bài bản và chọn lọc kĩ. Tôi lại nghĩ, ở trường công, lớp học quá đông bé, các cô không thể quan tâm tới từng bé được. Tôi bàn với chồng, cứ để cho Nhím học thử trường mẫu giáo tư mới khai giảng gần nhà, học phí không quá “chát”, trường rất sạch sẽ và khang trang, các lớp học đều gắn camenra, còn các thầy cô lúc nào cũng mỉm cười mỗi khi đón bé. Chồng tôi đồng ý. 

Trước khi đăng ký cho Nhím nhập học, tôi đã cẩn thận tham quan từng lớp học, nhà bếp, nhà vệ sinh, đồ chơi của các con và thậm chí cả từng bậc cầu thang nhỏ. Tôi không trông đợi một điều gì đó thật hoàn hảo. Tôi chỉ nghĩ, những chi tiết dù nhỏ cũng sẽ nói lên việc thầy cô quan tâm tới niềm vui và sự an toàn của các con như thế nào. Và tôi cảm thấy khá hài lòng. Mà nếu có bất cứ điều gì khiến tôi thấy bất an, tôi sẽ cho Nhím chuyển trường ngay lập tức. Tôi cũng để ý thái độ của Nhím lúc tan học. Nhím cười đùa thoải mái với các cô. Khi chở Nhím đến trường, tôi cũng thấy con hào hứng chạy ào vào lớp chơi đùa cùng các bạn. Nhím thích đến trường. Điều đó khiến tôi cảm thấy an tâm thực sự. 

Trường mầm non
Khi Nhím tròn ba tuổi, hai vợ chồng tôi quyết định cho con đi học để con có thêm bạn và được trang bị những kĩ năng cần thiết mà con không thể có nếu cứ ở nhà mãi với bố mẹ.

Tôi thường xuyên mở điện thoại lên để theo dõi Nhím qua camera. Không phải vì thiếu niềm tin nơi thầy cô hay vì hoang mang khi các clip bạo hành trẻ được đăng tràn lan trên mạng. Tôi chỉ muốn thi thoảng mở điện thoại lên là lại được nhìn thấy con chơi trò chơi cùng các bạn, con tập nhảy và hát theo các cô, cả những lúc con nghịch ngợm khiến bạn đau và bị cô bắt phạt đứng góc lớp. Tôi tò mò muốn biết, khi không có mẹ, con sẽ như thế nào. Sẽ là một cô bé ngoan ngoãn hay hiếu động nào khác mà tôi chưa từng biết. 

Cuối mỗi buổi học, cô phụ trách thường đưa cho tôi một cuốn sổ nhỏ màu xanh. Đó là sổ liên lạc để tôi ghi thông tin cá nhân và vài ghi chú nhỏ về tính cách lẫn thói quen của con để thầy cô tiện theo dõi. Tôi thường xem sổ rất qua loa vì trong đầu luôn nghĩ rằng đó sẽ là cuốn sổ “nhàm tẻ” hệt như mấy cuốn sổ liên lạc chi chít lời phê “một màu” như “Ngoan, lễ phép, chịu khó nghe giảng” hồi phổ thông của tôi ngày trước. 

Cuối ngày, khi đón Nhím ở trường về, các cô giáo không quên nhắn lại với tôi rằng hôm nay con không chịu ngủ trưa hoặc ngủ trưa khá trễ; lúc cô dạy hát con không chịu hát nhưng cứ đến giờ ngủ trưa con lại hát vang lớp học; con ăn nhiều và nhanh hơn các bạn khác; con hay ném đồ chơi vào người bạn… Lớp có tận mười lăm bé, việc các cô nhớ chi tiết những thói quen của Nhím khiến tôi khá bất ngờ. 

waf01

Sau một tháng Nhím đi nhà trẻ, tôi bắt đầu ít theo dõi con qua camera hơn, sổ liên lạc thầy cô vẫn để lại trong ba-lô của con mỗi ngày nhưng tôi hầu như không đụng tới. Cho tới một hôm, chiếc ba-lô con đang dùng bị đứt một bên quai, tôi đổi cho con chiếc ba-lô mới. Hôm đó cũng là lần đầu tiên tôi lật từng trang cuốn sổ liên lạc của con, đọc kĩ từng dòng thầy cô ghi chú sau mỗi ngày con đến lớp. Đó không hề là cuốn sổ “nhàm tẻ” cùng những lời phê “một màu” như tôi từng nghĩ. 

Ngày… tháng… năm… Hôm nay, con đã biết nói “Cảm ơn cô” khi cô đưa con chiếc bánh bông lan nhỏ. 

Ngày… tháng… năm… Con rất khoái chơi cầu trượt. Khi các bạn khác trượt bằng hông và chân thì con trượt bằng lưng và đầu. Con là cô gái “kém dịu dàng” nhất lớp, nhưng cũng cá tính nhất lớp.

Ngày… tháng… năm… Con không chịu ngủ trưa. Mặc kệ cô nhắc và mặc kệ các bạn khác đang say sưa ngủ, con thích hát một mình trong giờ ngủ trưa. Tất nhiên, con chỉ dám hát khe khẽ.

Ngày… tháng… năm… Con thích xếp ghế trong lớp thành một vòng tròn. Con ăn khá nhanh và thường xin cô cho cơm thêm. Con thích ăn các loại rau củ hơn là ăn thịt.

Ngày… tháng… năm… Cô mới phát hiện ra, con sẽ ngủ trưa rất ngoan nếu có cô nằm bên cạnh, vỗ vỗ vào mông con và hát ru cho con ngủ.

Ngày… tháng… năm... Con sốt nhẹ vào đầu giờ chiều. Hôm nay là một trong những ngày hiếm hoi con ngủ trưa và thức dậy đúng giờ. Có lẽ vì con hơi mệt.

waf03

Cũng có những ngày phần ghi chú của thầy cô để trống. Tôi tự nghĩ, có lẽ vì hôm đó Nhím không có biểu hiện gì khác biệt so với mọi này. Tôi vừa đọc vừa tủm tỉm cười. Từ hôm đó, tôi bắt đầu thích đọc sổ liên lạc của Nhím. Những dòng ghi chú ngắn gọn và giản dị ấy, với tôi, cũng giống như một món quà. Có những điều mà camera chẳng thể thu hết được. Có những sự kiện dù nhỏ mà nếu thầy cô không viết ra, có lẽ tôi sẽ chẳng thể nào biết được cô con gái bé nhỏ của mình đang lớn lên như thế nào. Và tôi đã nói với chồng rằng, hóa ra, bao nhiêu nỗi lo trong ngày chọn trường cho con đều chẳng quan trọng bằng một thứ, đó là tình cảm mà các thầy cô dành cho con mình. 


waf02
Có những sự kiện dù nhỏ mà nếu thầy cô không viết ra, có lẽ tôi sẽ chẳng thể nào biết được cô con gái bé nhỏ của mình đang lớn lên như thế nào.

Hôm nay, tôi vô tình đọc được dòng chia sẻ rất dài của một phụ huynh có con đang theo học một ngôi trường danh tiếng ở Hà Nội. Đó là một ngôi trường có cơ sở vật chất tiện nghi và phương pháp giáo dục hiện đại nhưng lại có rất nhiều chuyện khiến chị cảm thấy hụt hẫng và buồn. Đó là cuốn sổ liên lạc với những dòng ghi chú lạnh lùng được “nhân bản”. Đó là thái độ thờ ơ của các cô khi cậu con trai của chị xin nghỉ ốm tận hai tuần mà không có một lời hỏi thăm từ các cô, rằng “Con ốm thế nào, con đã khỏe dần chưa, khi nào thì con có thể trở lại lớp?”. 

Và tôi chợt nhận ra, điều mà tôi cũng như rất nhiều những ông bố bà mẹ khác mong chờ ở ngôi trường đầu tiên của con, ở những người thầy người cô đầu tiên của con không phải là cơ sở vật chất tiện nghi hay phương pháp giáo dục tân tiến nhất, mà chính là tình cảm. Đó là điều đầu tiên các con có thể cảm nhận được và cũng là điều sẽ còn đọng lại mãi, sẽ trở thành khoảng ký ức ngọt ngào khi các con lớn lên. 

Bây giờ, nếu có một ai đó hỏi tôi về tiêu chí chọn trường mẫu giáo cho con, thì tôi sẽ trả lời rằng, tôi chỉ mong muốn tìm một ngôi trường mà ở đó con tôi được yêu thương thực sự. Những quan tâm, yêu thương dù nhỏ bé từ các cô cũng đủ để khiến trái tim của một người mẹ lay động, đủ khiến tuổi thơ của các con trở nên đáng nhớ và ngọt ngào. 
Chia sẻ