Local brand Việt lao đao mùa dịch: Bán online, giảm giá không ăn thua; có brand sản xuất khẩu trang, nhập nước rửa tay về bán

ROSE CHEEKS,
Chia sẻ

Loạt thương hiệu thời trang "hot hit" của giới trẻ Việt đều đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trở ngại vì dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 vẫn đang là nỗi lo trên toàn cầu và dù không muốn thì nó cũng đã ảnh hưởng trực tiếp, hoặc gián tiếp đến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nói chung, trong đó bao gồm cả các thương hiệu thời trang trong và ngoài nước. Trao đổi riêng với đại diện của một số local brand nổi tiếng tại Hà Nội, Sài Gòn, chúng tôi nhận được những câu trả lời không mấy khả quan về tình hình kinh doanh hiện tại bởi sự tác động nghiêm trọng của đại dịch đang bùng phát. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu vẫn cố gắng tìm cách chủ động, cải thiện và duy trì hoạt động kinh doanh, chờ đến ngày mọi thứ bình ổn trở lại.

Từ đầu mùa dịch: Doanh thu sụt giảm nặng nề, khách đến thưa dần

 - Ảnh 1.

Một trong những cửa hàng của Boo Việt Nam.

Anh Việt Anh, CEO của thương hiệu Boo cho biết: "Boo sở hữu khoảng 40 cửa hàng, trong đó 80% cửa hàng nằm ở các trung tâm thương mại nên mức độ chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh là rất lớn. Trong khoảng thời gian đầu tiên, dịch bệnh đã tác động 30-40% doanh thu, nhưng con số này còn tăng lên khoảng 50-60% sau đó và đến hiện tại khi đóng cửa hàng, người dân được khuyến cáo cách ly, tránh tụ tập nơi đông người thì gần như bị ảnh hưởng 100%".

Chị Ngọc Mai, Co-Founder của thương hiệu Dottie cũng trả lời rằng: "Doanh số sụt giảm từ 50-70% so với năm 2019".

Lider, local brand được giới trẻ Sài thành rất yêu thích cũng chia sẻ doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, các dự án trong quý đầu năm 2020 đều phải trì hoãn không thời hạn.

Cùng chung cảnh ngộ, Wephobia cho hay từ khi dịch lan đến Việt Nam thì lượng khách ở cửa hàng bắt đầu thưa thớt, nhu cầu mua sắm giảm hẳn đi.

Kích thích mua sắm bằng khuyến mại, freeship nhưng không ăn thua

Trước tình hình dịch phức tạp, nhiều thương hiệu đã tạm đóng cửa chuyển sang bán hàng online. Theo đó, một loạt các chương trình khuyến mãi được đưa ra để kích thích khách hàng shopping tại nhà như giảm giá trực tiếp sản phẩm hoặc freeship. Tuy nhiên, trái ngược với mong muốn đẩy mạnh doanh thu của các local brand, hoạt động khuyến mãi tỏ ta không hiệu quả trong tình thế ảm đạm này.

Wephobia, Lider tung chiến dịch giảm giá mùa dịch.

Hầu hết các thương hiệu đều cho rằng hình thức mua hàng online tuy đảm bảo an toàn sức khoẻ nhưng trong thời điểm nhạy cảm thì việc chi tiêu, shopping quần áo mới lại không phải là nhu cầu trọng điểm. Chương trình có thể thu hút thời gian đầu nhưng sẽ ít hút khách dần về sau. Song, việc mua sắm qua mạng cũng tạo rào cản với nhiều người khi không được thử, cảm nhận chất liệu, màu sắc, kích cỡ, điều này dẫn đến mong muốn mua hàng giảm xuống đáng kể.

Anh Việt Anh, CEO của Boo nói thêm: "Trong giai đoạn này, khách hàng quan tâm đến dịch bệnh và những sản phẩm bảo vệ sức khoẻ nhiều hơn quần áo. Vì thế, giảm giá mặt hàng hay freeship đơn thuần không thúc đẩy lắm nhu cầu mua sắm, càng khó mà cải thiện doanh thu. Thay vào đó, việc mua hàng tặng kèm khẩu trang hoặc nước rửa tay lại là hình thức khuyến mại đánh đúng tâm lý và hợp lý hơn nhiều."

Giải pháp tình thế: Chuyển hướng sản xuất khẩu trang vải, nhập nước rửa tay về bán

Thời điểm dịch mới bắt đầu thì một số thương hiệu như Boo, Lottie đã lên kế hoạch sản xuất khẩu trang/nhập nước rửa tay vừa để cải thiện tình hình doanh thu, vừa để góp phần chống dịch. Theo như chia sẻ từ đại diện các thương hiệu này thì việc kinh doanh những mặt hàng trên được hưởng ứng tích cực, có những ngày "bay sạch" 6.000 – 7.000 chiếc khẩu trang. Tuy nhiên, thương hiệu Boo cũng nhấn mạnh, doanh thu đến từ khẩu trang chỉ bù đắp khoảng 10% và không đủ sức "gánh" doanh thu tổng đang sụt giảm nặng nề, nhưng dẫu sao đó cũng là khoản phí để duy trì hoạt động và trả lương cho nhân viên.

Boo sản xuất khẩu trang, Dottie nhập nước rửa tay về bán để cải thiện doanh thu cũng như góp phần đẩy lùi dịch Covid-19.

Ngưng sản xuất thêm hàng nhưng không cắt giảm nhân sự

Nhu cầu mua sắm giảm, nhiều local brand đều đã đưa ra quyết định tạm dừng sản xuất các mặt hàng thời trang từ cách đây vài tháng. Nhưng điều đáng mừng là họ không có chủ trương cắt giảm nhân sự. Lý do được Dottie đưa ra là họ đã giành nhiều năm để xây dựng, đào tạo được đội ngũ trẻ, nhiệt huyết như hiện tại nên đây là lúc cùng nhau vượt qua khó khăn. Riêng với Boo, chính sách thu nhập của nhân viên sẽ có sự điều chỉnh bởi ngân sách đang khá hạn hẹp. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ trả trước 50% lương và đến khi tình hình ổn thoả, dòng tiền quay về thì sẽ thanh toán đủ phần lương còn lại.

Một số thương hiệu chủ trương không cắt giảm nhân sự dù đang gặp khó khăn.

Làm mọi thứ để khách hàng yên tâm mua sắm online mùa dịch

Đại diện thương hiệu Lider chia sẻ họ đã tiến hành tổng vệ sinh cho toàn bộ kho hàng và văn phòng của bộ phận làm online. Ngoài ra, đội ngũ bán hàng trực tuyến cũng được trang bị nước rửa tay, khẩu trang, găng tay để đảm bảo vệ sinh nhất.

Dottie thì cho biết thương hiệu cũng tin dùng những công ty giao hàng uy tín, có thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho khách hàng lẫn shipper. Đồng thời, hãng cũng khuyên khách hàng nên chuyển khoản hoặc thanh toán bằng ví điện tử thay vì sử dụng tiền mặt nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Dự định sau khi hết dịch

Wephobia chia sẻ thương hiệu sẽ tập trung sản xuất theo lịch đã đề ra từ đầu năm và tiếp tục các chương trình hợp tác với các nhãn hàng liên quan để kích cầu mua sắm, đem lại nhiều ưu đãi hơn tới cho khách hàng.

Sau dịch, dự là những bộ sưu tập mới từ các local brand sẽ liên tiếp trình làng.

Về phía Lider, họ sẽ chuẩn bị thêm những dự án mới mẻ như ra mắt BST đặc biệt đánh dấu sự trở lại sau dịch Covid-19.

Trong khi đó, Dottie cho biết họ vẫn duy trì phát triển các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, kêu gọi mọi người chung tay thực hiện các hoạt động quyên góp.

Local brand Việt lao đao mùa dịch: Bán online, giảm giá không ăn thua; có brand sản xuất khẩu trang, nhập nước rửa tay về bán - Ảnh 6.

 

Chia sẻ