Lỡ mắng mỏ con quá nặng lời thì đây chính là điều cha mẹ nên làm để trẻ không bị tổn thương về sau
Đã bao giờ các mẹ bực mình mắng con rồi thấy hối hận vì mình "giận cá chém thớt" chưa? Nếu câu trả lời là có thì hãy đọc bài viết sau để biết cách ứng xử để không làm tổn thương con.
Thực hiện từng bước theo lời khuyên của chuyên gia để xây dựng lại mối quan hệ với con, và những dấu hiệu bạn không thể kiểm soát cơn giận của mình.
Khi trẻ nằm lăn lộn ra đất và gào khóc ăn vạ thì kể cả những người điềm đạm nhất cũng phải phát cáu. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, chị Kristine Lim (35 tuổi), mẹ bé Rebecca (6 tuổi) nhớ lại đã quát vào mặt con bởi vì bé không chịu nghe lời.
Chẳng mấy chốc mà mẹ và con gái bắt đầu đấu khẩu gay gắt. "Tôi quát con bé và con bé ăn vạ, đấm đá gào khóc lăn lộn trên nền nhà. May mà chồng tôi về nhà kịp chứ không thì chắc hàng xóm phải chạy sang xem có chuyện gì mất".
Ảnh minh họa
Không cần nói cũng biết chị Lim cảm thấy rất hối hận vì đã mất bình tĩnh. "Tôi chắc chắn có nhiều cách để xử lí tình huống ấy, nhưng lúc ấy tôi không kịp nghĩ". Trường hợp của chị Lim không phải là cá biệt với những gia đình mà ba mẹ phải đi làm cả ngày vì cân bằng được công việc và đời sống gia đình là rất khó.
Hãy chú ý những nhân tố kích thích cơn giận và bức xúc để bạn tránh trước khi căng thẳng leo thang.
Mắng mỏ liên tục có tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Chuyên gia tâm lý tại Trung tâm lý Think, bác sĩ Vaani Gunaseelan kể ra một số tác hại như sau:
- Dọa nạt khiến con sợ hãi
- Liên tục mắng mỏ khiến con có vấn đề về tâm lý như lo lắng và trầm cảm
- Bé có thể bắt đầu thấy gào thét là cách để thể hiện cảm xúc tức giận
- Con bạn ngày càng hung hăng khi tiếp xúc với bạn bè
- Thiếu tự tin vào bản thân, nghĩ bản thân không đủ tốt
Nhà tâm lý học Daniel Koh chia sẻ vấn đề có thể kéo dài đến khi con trưởng thành và khiến con gặp nhiều vấn đề khi ứng xử với người khác.
Ngoài ra, quan hệ với con trẻ nói riêng và cả gia đình nói chung sẽ bị đình trệ và ảnh hưởng. Vậy bạn nên làm gì sau khi lỡ mắng con? Bác sĩ Vaani và Daniel Koh sẽ mách nhỏ cho bạn.
1. Dành thời gian và không gian cho bản thân để suy nghĩ
Bình tĩnh lại nhưng đừng để con một mình còn bạn thì bỏ đi bởi vì trẻ sẽ càng sợ hãi và lo lắng. Bác sĩ Koh gợi ý: "Hãy nói với trẻ rằng bố, mẹ cần thời gian để bình tĩnh lại và sẽ nói chuyện với con về hành vi của con sau". Khi bạn ngồi lại và nghĩ về những việc đã xảy ra, bác sĩ Vaani khuyên rằng bạn cần nhận thức được đâu là những nguyên nhân khởi phát cơn giận dữ và bực bội, ức chế để lần sau biết và tránh đi trước khi căng thẳng leo thang.
Hãy dành thời gian làm nguội "cái đầu nóng" và nói cho con biết để con không lo lắng và sợ hãi
2. Nhận lỗi về bản thân sau khi quát mắng
Trước khi nói với con, hãy bắt đầu bằng cách nhẹ nhàng xin lỗi nếu như bạn có lỗi. Bác sĩ Vaani giải thích: "Điều này dạy con rằng ai cũng mắc lỗi và khi mắc lỗi thì cần xin lỗi". Thêm vào đó, nhớ rằng trẻ nhỏ là trẻ nhỏ - các con thường xuyên cư xử không đúng và đó là một phần tất yếu của quá trình trưởng thành vậy nên đừng nghĩ con cố tình cãi lại mình bạn.
3. Bình tĩnh chia sẻ cảm xúc
"Giải thích cho con tại sao bạn giận và đáng lẽ cần ứng xử ra sao", bác sĩ Koh cho biết. Tốt hơn nữa là xin lỗi, rồi trấn an con bằng một cái ôm. Bạn cũng nên khuyến khích con nói về cảm xúc của mình. Bác sĩ Vaani lưu ý rằng cần công nhận cảm xúc của trẻ và thể hiện sự đồng cảm. Như vậy, bạn sẽ hiểu rõ hành động của mình ảnh hưởng đến con như thế nào.
4. Đừng nhầm lẫn hành vi không đúng với tính cách của trẻ
Điều quan trọng là lấy hành vi của trẻ làm nội dung của cuộc trò chuyện, thay vì coi đó là do tính cách của trẻ. Ví dụ, hãy nói: "Chúng ta không được hét vào mặt bạn" thay vì nói "Con đúng là hư và bất lịch sự vì hét vào mặt bạn".
5. Giải thích lí do tại sao bạn mắng con
Ảnh minh họa
Nếu cuộc cãi nhau bắt đầu từ bất đồng, bác sĩ Koh khuyên rằng bạn đưa ra lí do thay vì nói rằng lời nói của bạn có trọng lượng vì bạn là cha mẹ. Bác sĩ Vaani khuyên rằng bạn nên dùng các câu đơn giản - phù hợp độ tuổi của trẻ để cho con biết đâu là hành vi ứng xử đúng mực. Hãy nói "Con hãy nói nhẹ nhàng khi nói chuyện với mẹ nhé".
6. Dành thời gian tăng cường gắn kết tình cảm với con
Gần gũi với con sẽ nuôi dưỡng lòng tin của con đối với ba mẹ. Một mối quan hệ bền chặt thông qua các các hoạt động chung cùng con sẽ làm giảm nguy cơ xung đột.
7. Để bạn đời của bạn tham gia chung
Phải ôm đồm quá nhiều việc cả ở nhà và ở nơi làm việc có thể khiến một người bị stress. Bác sĩ Koh khuyên bạn xem lại lịch trình công việc để vợ, chồng cùng tham gia chia sẻ trách nhiệm. Nhớ rằng nuôi dạy một đứa trẻ cần cả gia đình, nên đừng cố làm việc ấy một mình.
Bạn không thể kiểm soát cơn giận của mình?
Nếu bạn cảm thấy bạn ngày càng dễ tức giận và hay mắng mỏ con, hãy đi gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát cơn giận. Hãy đi gặp chuyên gia tâm lý nếu bạn:
- Nhận thấy bản thân hay nổi giận với con vì chuyện nhỏ, dù thấy rất buồn và hối hận ngay sau đó.
- Ngày càng dễ bực mình và nổi cáu, cơn giận kéo dài và mất rất lâu mới bình tĩnh lại được.
- Khó kiềm chế bản thân.
- Nhận thấy phản ứng đầu tiên là mắng mỏ con bằng những từ ngữ khó nghe.
- Nhận thấy cơn giận ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, các mối quan hệ, thói quen ăn ngủ.
Nguồn: Smartparents