Nếu hay quát mắng con, bạn phải biết điều này để không biến mình thành phụ huynh tồi hơn nữa
Dễ nổi cáu, hay quát mắng con chính là những thói quen xấu mà nhiều phụ huynh đang áp dụng với con cái của mình.
Một trong những thói quen xấu của các cha mẹ khi nuôi dạy con cái đó là tự cho mình quyền được nổi giận, quát mắng và la hét với trẻ. Việc nổi giận và la mắng con cái có thể do nhiều nguyên nhân như sức ép từ cuộc sống, kinh tế, mưu sinh hay từ chính tính cách khắt khe, nóng nảy của cha mẹ nên khiến việc dạy con luôn kèm theo tiếng la hét và đòn roi. Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ hay bị la mắng, đánh đòn thường kém phát triển về mặt thể chất, trí tuệ và có tâm lý bất ổn hơn so những đứa trẻ bình thường khác.
Lí do cha mẹ nên ngừng việc la hét, quát mắng con.
Cha mẹ có thói quen chửi mắng, quát tháo con sẽ để lại nhiều hậu quả, đầu tiên là ảnh hưởng tới sự phát triển và hình thành tính cách của trẻ, não trẻ sẽ hình thành phản xạ và tính cách tiêu cực, trẻ càng tỏ ra chống đối bằng những hành động hung hăng, hét lại hoặc phớt lờ không thèm để tâm đến những lời cha mẹ nói nữa. La hét, quát mắng hay to tiếng với trẻ, chính là cách người lớn phá hủy sự phát triển và hành vi tốt của chúng, khiến con trở nên lì lợm, khó bảo hơn, bầu không khí gia đình trở nên căng thẳng.
Ngoài ra, bộ não của trẻ còn khá non nớt và rất dễ bị kích động. Thói quen bị quát mắng khi phạm lỗi sẽ khiến trẻ luôn có cảm giác buồn chán, xấu hổ, tự ti, e ngại khi làm bất cứ việc gì và không có sự cố gắng, hoặc trẻ làm chỉ để chống đối với cha mẹ.
La hét, quát mắng trẻ sẽ để lại nhiều hậu quả về tâm lý và sự phát triển tính cách sau này của trẻ (Ảnh minh họa)
Để hạn chế những cơn nóng giận, to tiếng "hét ra lửa thở ra khói" với trẻ, cha mẹ cần học cách kiềm chế bản thân và giữ bình tĩnh để đối thoại với trẻ trong hòa bình. Dưới đây là gợi ý 10 bước giúp cha mẹ bình tĩnh hơn trước khi nổi giận và quát mắng trẻ:
1. Nhận biết nguyên nhân trực tiếp
Việc la hét, quát mắng trẻ thường xảy ra trong những trường hợp cụ thể, có nguyên nhân rõ ràng kích thích làm cho cha mẹ nóng giận và muốn hét lên để áp đảo trẻ. Cha mẹ chỉ cần tìm được nguyên nhân gốc rễ dễ gây kích động cho mình thì có thể tìm cách tránh. Ví dụ, sau buổi đi làm về, các bé lao vào bếp nghịch ngợm mọi thứ và bạn không thể nấu ăn. Nguyên nhân chính là đây, vậy hãy bày 1 trò chơi ở khu vực khác để trẻ thoải mái vui chơi và mẹ rảnh rang nấu nướng.
2. Đưa ra cảnh báo trước cho trẻ
Cảnh báo trước những gì sắp xảy ra sẽ giúp trẻ chuẩn bị tinh thần cho hoạt động tiếp theo, cảnh báo cũng là việc làm công bằng mà bất cứ đứa trẻ nào cũng cần. Một bà mẹ gợi ý đưa ra cảnh báo bằng cách nói: "Mẹ không muốn cáu và quát con đâu, nhưng nếu con vẫn tiếp tục không nghe lời, mẹ sẽ nổi giận và mắng con đấy!", hoặc "Đến giờ đi ngủ rồi, con có cần thêm 5 phút để chơi nốt không? Mẹ đồng ý cho con thêm 5 phút nhưng sau đó là hết giờ và mẹ không muốn cáu vì con vượt chơi quá giờ quy định đâu nhé".
3. Ra ngoài xả giận thay vì la hét với trẻ
Nếu cảm thấy cơn giận đang bốc lên ngùn ngụt, cha mẹ hãy tự cho mình khoảng thời gian time-out, tức là đi ra ngoài hoặc vào vào phòng riêng và xả hết những bực bội đó, rồi quay lại để đối thoại với trẻ. Chỉ cần dành ra vài phút để khống chế cảm xúc tiêu cực, cha mẹ sẽ hạn chế được những lời to tiếng, la hét với trẻ.
Thay vì hét lên với trẻ, cha mẹ hãy trút bỏ cơn giận ở nơi khác và quay trở lại nói chuyện với con bằng thái độ kiềm chế và bình tĩnh hơn (Ảnh minh họa)
4. Lập danh sách những việc được phép làm
Để hạn chế tối đa những lúc phải la mắng trẻ, cha mẹ hãy lập danh sách những việc được phép làm trong gia đình và dán lên cánh tủ hoặc vị trí dễ nhìn thấy để cùng thực hiện. Như vậy sẽ tránh được việc phát sinh bất đồng ý kiến giữa cha mẹ và con cái, hạn chế xung đột.
5. Không dạy con lý lẽ đúng khi đang nóng giận
Hét lên với con không phải là cách để giao tiếp, mà đơn thuần chỉ là ép trẻ phải im lặng thay vì lắng nghe. Trong lúc nóng giận, việc dạy bảo trẻ sẽ không hiệu quả. Hãy chờ tới lúc bình tĩnh và giải thích cho trẻ hiểu về hành vi, cảm nhận của cha mẹ về hành động đó để cùng điều chỉnh.
6. Thông cảm và thấu hiểu trẻ nhiều hơn
Thực tế, trẻ nhỏ qua các giai đoạn khác nhau sẽ có những thay đổi trong cách ứng xử, hành vi, lời nói. Cha mẹ hãy thấu hiểu con hơn, nhận biết và cảm thông với những hành động tưởng là không nên, không đúng nhưng với trẻ nhỏ thì có thể chấp nhận được để hạn chế những cơn cáu giận không cần thiết.
7. Chủ động và chuẩn bị sẵn sàng
Mỗi buổi sáng, thay vì la hét con đi tìm quần áo, lấy sách vở để kịp đến trường, tại sao mẹ không cùng con chuẩn bị trước từ tối hôm trước để tránh những tình huống dễ gây xung đột như vậy. Cha mẹ hãy chủ động và tạo tâm lý sẵn sàng cho mọi việc để tránh những cơn nổi giận mà la mắng con.
Việc chủ động sắp xếp và cùng con chuẩn bị đầy đủ cho những hoạt động tiếp theo cũng giúp hạn chế phát sinh xung đột và sự quát tháo không đáng có (Ảnh minh họa)
8. Đặt kì vọng phù hợp với khả năng của trẻ
Việc cha mẹ đặt quá nhiều kì vọng con sẽ làm tốt hoặc làm được nhiều hơn khả năng sẽ càng khiến mức độ thất vọng gia tăng khi trẻ không đạt được như những kì vọng đó. Khi cảm xúc thất vọng, chán nản lấn át, cha mẹ rất dễ rơi vào trạng thái bực bội và la mắng con vô cớ. Vì vậy, chính cha mẹ cần điều chỉnh mức độ kì vọng ở con, biết đâu là giới hạn của trẻ để không tự làm bản thân bực bội.
9. Kiểm tra lại vấn đề từ phía cha mẹ
Nhiều ông bố bà mẹ đã tự nhận mình là người nóng tính, rất dễ nổi cáu và hét lên với con. Nhưng đã bao giờ cha mẹ xem lại mình: liệu có phải gần đây bạn không ngủ đủ giấc, có gặp vấn đề gì căng thẳng bên ngoài. Ngoại trừ lí do là hành vi của trẻ chưa tốt thì bản thân cha mẹ liệu có chuyện gì khiến cha mẹ dễ dàng cáu giận và muốn xả bực bội hay không?
10. Thẳng thắn nhận lỗi và nói chuyện cùng con
Cha mẹ cũng đều là những con người bình thường và cũng có thể mắc lỗi. Vì vậy không có lí do gì nếu chúng ta mắc lỗi, mất bình tĩnh và đã la mắng trẻ vô cớ mà lại không xin lỗi trẻ. Hãy thẳng thắn nói chuyện và cùng con tìm ra giải pháp để tình trạng này không lặp lại nữa. Chắc chắn trẻ cũng sẽ nhìn vào thái độ hòa giải tích cực từ cha mẹ và cùng cải thiện.
Nguồn: Parent