Lời thú tội của một bà mẹ không thể dừng việc so sánh con mình

Bana Houz,
Chia sẻ

So sánh con mình với những đứa trẻ khác là một việc mà bố mẹ tuyệt đối không nên làm, nhưng trong thực tế, họ lại mắc phải lỗi lầm đó nhiều lần mà không hề biết.

Có nghĩa lý gì đâu nếu cứ phải thể hiện cho cả thế giới biết con bạn giỏi giang hơn. Chỉ cần bạn biết con mình tuyệt vời, thế là đủ.

Rất nhiều cha mẹ có thói quen so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Khi đó bạn đã tự đẩy bản thân và con vào một cuộc đua không điểm dừng. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ như: luôn phải gồng mình quá sức hay nguy hiểm hơn là vô tình phát triển tính ganh đua cá nhân hoặc cảm thấy tự ti.

Lời thú tội của một bà mẹ không thể dừng việc so sánh con mình 1
Đừng so sánh những đứa trẻ với nhau, vì mỗi đứa trẻ là một "công trình" đặc biệt và khác biệt. (Ảnh minh họa: Internet)

Bà mẹ trẻ Jenifer Borget (mẹ của hai cậu con trai, sống ở Mỹ) cũng rơi vào tình huống như vậy. Nhưng cô đã dũng cảm nhìn nhận vấn đề và quyết tâm từ bỏ thói quen “không lành mạnh” đó. Nhiều cha mẹ sẽ nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong câu chuyện mà Jenifer chia sẻ và sẽ phải dừng lại suy ngẫm…

Đừng biến con thành hình ảnh phản chiếu của bất kỳ đứa trẻ nào khác, hãy để chúng đặc biệt theo cách riêng.

Và dưới đây là câu chuyện mà Jenifer chia sẻ:

"Con gái tôi năm nay 4 tuổi, đáng yêu, thông minh, biết chăm sóc người khác và rất hay nói. Thế nhưng không hiểu vì sao bất cứ khi nào có cơ hội, tôi luôn đem con bé ra so sánh với các bạn cùng trang lứa.

Chuyện bắt đầu khi tôi thấy một người bạn khoe con gái đã biết đọc trên Instagram. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên và tự nhủ” Cái gì? Con bé đã biết đọc ư? Chúng ta không bằng họ rồi”.

Tôi hiểu mình nên dừng ngay những suy nghĩ như vậy bởi mỗi đứa trẻ có sự phát triển hoàn toàn khác nhau. Con tôi chưa đọc được đâu phải con bé sẽ kém bạn bè khi đi học, càng không có nghĩa nó sẽ không bao giờ biết đọc. Mặc dù thế, sự ương bướng trong tôi đã chiến thắng. Tôi đặt mua bộ sách “Bob Books” với ý định giúp con luyện đọc nhiều hơn.

Điều tệ hại là, sự việc không dừng lại ở đó. Khi ghé nhìn con bé trong lớp học nhảy, tôi đã phải cố kiềm chế mình khỏi sự thôi thúc tìm kiếm, đánh giá xem bạn nhỏ nào làm chưa tốt. Và trong một thoáng tôi đã nhăn nhó khi thấy con đang quay mặt theo hướng ngược lại so với cả lớp.

Trong cuộc sống, nhiều khi bạn biết rõ việc mình làm không đúng, nhưng vẫn cứ tiếp tục. Đó chính là cảm giác của tôi lúc này. Việc so sánh con bé với những bạn khác sẽ cuốn tôi vào một guồng xoáy bất tận. Tôi lo lắng sự việc sẽ còn tồi tệ hơn khi con bắt đầu đi học.

Nếu thừa nhận một cách hoàn toàn thành thật, thói quen đó không phải mới bắt đầu gần đây. Nó bắt đầu từ thời điểm cô con gái sơ sinh của tôi, một bé gái nặng 4.3 kg, vừa chào đời, đang ngước mắt nhìn tôi. Và tôi, Jennifer đã trở thành bà mẹ luôn muốn con mình là nhất.

Khi giáo viên ở trường Sunday nói với tôi rằng không đứa trẻ 4 tuổi nào có khả năng nhớ được bài kinh hàng tuần, tôi đã coi đó là một thử thách và giành cả tuần giúp con ghi nhớ chúng. Nhưng con bé đã như bị đóng băng trên bục khi đến lượt nói và thực sự cần được giúp đỡ. Giây phút đó đã thức tỉnh tôi. Điều quan trọng không phải những người khác biết con tôi giỏi giang như thế nào, chỉ cần tôi biết con mình thực sự tuyệt vời, thế là đủ.

May mắn thay, việc này có những mặt tích cực nhất định giúp tôi nhìn nhận lại những gì đã xảy ra:

1. Thực sự tôi không so sánh con mình quá nhiều …tôi không cố ý khoe khoang với những phụ huynh khác về sự thành công của con ngoài bạn bè trên facebook, instagram…nhưng dù sao tôi nghĩ cả việc này cũng nên dừng lại.

2. Phát hiện đó đã giúp tôi nhận thức rõ hơn về cách mình dành thời gian cho con và giúp bé phát triển khả năng. Đôi lần, chúng tôi cùng nhau tập luyện những điệu nhảy trước giờ ngủ hay giả bộ như đang dạy búp bê của con bé luyện đọc.

3. Tôi đã có được bài học quý giá và hiểu rằng so sánh con là điều không tốt. Tuy vậy tôi vẫn đang trong quá trình thực hành và sẽ cố gắng để mình không “chệch khỏi đường ray” nữa.

Bạn đã bao giờ so sánh con mình với những đứa trẻ khác chưa? Hãy thành thật nhé.

(Nguồn: Mom)
Chia sẻ