Bé ngoan hơn với "kỷ luật không nước mắt"
"Mỗi khi phải đi công tác, mình thường không thông báo trước, bé chỉ nhận ra 'sự đã rồi' đó vào một buổi tối khi không thấy mẹ đâu. Tuy nhiên, bé ngoan và tự lập hơn mỗi khi mẹ vắng nhà”.
Đó là một trong những chia sẻ của chị Hoàng Nguyên (30 tuổi, công tác tại Viện nghiên cứu của Bộ lao động) về phương pháp nuôi dạy con của mình.
"Tuy nhút nhát nhưng con vô cùng đáng yêu!"
- Chào Hoàng Nguyên, được biết ngày đầu tiên đến trường của bé Trung Minh rất suôn sẻ, bé không khóc chút nào?
Mình vẫn nhớ cách đây 1 năm, bé Trung Minh đi học. Ngày đầu tiên đưa bé đi đến trường rất… suôn sẻ vì bé không hề biết là mình được đưa đi học. Bé chỉ bắt đầu khóc lớn vào sáng ngày hôm sau, tuy nhiên sau khi được các cô giáo dỗ dành, bé đã quen với việc đi học chỉ sau 3 ngày.
Bây giờ, bé có thói quen sáng dậy đi học, coi đây là “công việc bình thường” giống như ba mẹ đi làm (mặc dù bé vẫn thích được ở nhà chơi với gia đình giống như những ngày cuối tuần hơn).
Bé rất thích vui chơi cùng các bạn nhưng vì chưa biết cách hợp tác trong khi chơi, mà chỉ biết “việc mình mình làm”. Bé cũng chưa hiểu quy tắc, cách thức chơi những trò chơi tập thể hơi “phức tạp” đó như thế nào cả. Cô giáo nhận xét con hơi nhút nhát trước đám đông.
- Vậy ngay sau đó, chị đã “cải tạo” tính nhút nhát của bé?
Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình nhanh nhẹn, hăng say với các hoạt động ở trường nhất là trong những năm đầu đời. Việc giúp con đỡ nhút nhát cần một quá trình và thời gian nhất định.
Và mình cũng vậy, mình hay dành thời gian nói chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của Minh. Thi thoảng, mình lại kể cho bé nghe những mẩu chuyện về sự hòa nhập, về sự nhanh nhẹn của các bạn nhỏ. Cuối tuần gia đình mình thường đưa con đi chơi, cho con tham gia vào những hoạt động tập thể. Mình thấy con tiến bộ từng ngày, đã dạn dĩ hơn nhiều rồi. Tuy nhút nhát nhưng con vô cùng đáng yêu!
- Trong quá trình dạy dỗ con thì điều gì ở bé khiến Nguyên vất vả nhất?
Nhiều bé khác, cứ tới tầm tuổi này sẽ thường đặt câu hỏi: “Mẹ ơi, tại sao cái này… Tại sao cái khác…” nhưng Trung Minh không thế. Bé thường nói những câu mang tính “yêu cầu”, mô tả sự việc hoặc cảm thán (Nóng quá, Bực cả mình...). Đây mới là điều làm mình thực sự mệt mỏi vì càng lớn bé lại có xu hướng hay phản ứng, cãi lại nếu bị người lớn mắng hoặc nói lớn tiếng... ví dụ: Con không ăn, ngoan, không hư...
- Vậy để thay đổi tính bướng bỉnh đó của bé, Nguyên đã lên kế hoạch như thế nào?
Gia đình mình luôn nhất quán trong cách dạy bé. Trước hết là tập trung vào hành vi tốt của con, điều này mình muốn bé lặp lại do đó, mình luôn khen ngợi khi bé ngoan, nghe lời. Khi bé bướng, giãy đành đạch, mình thu hút sự chú ý của con sang một hoạt động khác hoặc đơn giản chỉ là đánh lạc hướng việc làm không mong muốn sang cái khác.
Ngoài ra, bố mẹ cần giải thích cho Trung Minh những gì mình muốn con làm và nói rõ những hậu quả nếu con vi phạm.
- Nhiều ông bố bà mẹ khi con được 4, 5 tuổi, liền đưa con đi học chữ, tiếng Anh, các môn nghệ thuật..., ngày nào cũng học, bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Theo mình, ở độ tuổi 4-5 thậm chí nhỏ hơn nên cho trẻ em “tiếp xúc” với chữ cái cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh một cách tự nhiên nhất vì bản chất trẻ rất thích khám phá những điều mới lạ.
Điều mình muốn nhấn mạnh là trẻ phải được tiếp xúc 1 cách tự nhiên nhất thông qua các trò chơi để tự trẻ cảm thấy hứng thú khi tham gia. Do đó, nên tránh việc học tập 1 cách gò ép và nhàm chán, thực tế là dù có cố gắng “bắt ép” thì trẻ cũng không thể tiếp thu được.
Kỷ luật không nước mắt
- Chị nghĩ thế nào về việc “kỷ luật” khi con hư?
Đối với nhiều bậc phụ huynh, kỷ luật có nghĩa là trừng phạt. Nhưng thực tế, kỷ luật là cách dạy trẻ tích cực nhằm giúp đỡ và hỗ trợ con dần dần tự điều khiển được bản thân.
Trừng phạt thực ra là phản ứng thể hiện sự bất lực khi cha mẹ chứng kiến hoặc phải "gánh vác" trách nhiệm với lỗi lầm mà trẻ đã gây ra. Do đó, kỹ luật tốt ngay từ đầu cũng là một cách để “ngăn ngừa” trước khi “điều tồi tệ” xảy ra, như vậy tốt hơn nhiều chứ!
- Nhiều mẹ nghĩ rằng luôn phải "găng" lên để dạy con, chị nghĩ sao về quan điểm này?
Đúng là trẻ con ngày nay thông minh hơn và ngày càng có nhiều yêu sách hơn nên khiến cha mẹ nhiều khi rất “mệt mỏi’ để đáp ứng các yêu sách đó.
Thực ra không người cha/mẹ nào muốn dùng đòn roi với trẻ, chỉ là “cực chẳng đã” mà thôi… Với độ tuổi 3-6, trẻ con đặc biệt là các bé trai cực kỳ bướng bỉnh và nhiều lúc sẽ làm mình như muốn “điên người” lên, lúc đó rất khó tránh khỏi việc sử dụng “vũ lực”. Mình đã tham gia 1 buổi nói chuyện “Kỷ luật không nước mắt” của chuyên gia giáo dục và mình cũng đồng tình với quan điểm phải tránh hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng “đòn roi” với trẻ em. Mỗi bậc cha mẹ phải tự tìm ra “bí quyết” để đối phó với “lũ trẻ tinh quái” bằng trí thông minh, tình yêu và sự kiên nhẫn của mình.
Theo đó, mình không áp dụng đòn roi hoặc sử dụng yếu tố bạo lực tinh thần như quát mắng, nạt nộ... vào để dạy con. Phương pháp của mình đơn giản là, cha mẹ phải biết cách chủ động đổi vai từ vị trí “cao” xuống làm bạn của 1 cô bé cậu bé vài 3 tuổi. Muốn làm được điều này mình phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu, lắng nghe tâm sự của con để có thể nắm bắt “tâm lý” và đặc biệt là những sở thích/sở ghét của trẻ thì mới có thể “bắt chước” và làm bạn được với trẻ. Theo mình đây là một cách “hiệu quả” nhất, nghe thì đơn giản nhưng việc thực hiện nó không dễ dàng chút nào.
- Được biết, bạn hay phải đi công tác nước ngoài dài ngày, những khi bé biết mẹ sắp phải đi làm một thời gian, phản ứng của bé sẽ như thế nào?
Mình chẳng bao giờ thông báo trước với bé điều này cả… Mình để con nhận ra “sự đã rồi” đó vào một buổi tối khi không thấy mẹ đâu. Chắc có hơi buồn một chút nhưng bé đã quen và mình làm cho bé hiểu đó là “điều không thay đổi được” nên chấp nhận ngủ cùng ông bà hoặc bố mà không hề quấy khóc. Nhờ có sự giúp đỡ của ông bà, mình cảm thấy yên tâm mỗi khi phải đi xa. Đồng thời, bé nhà mình lại tỏ ra ngoan và tự lập hơn mỗi khi “mẹ vắng nhà”.
- Xin cảm ơn Nguyên về cuộc nói chuyện rất thú vị này!
Từ một cậu bé "còi dí", dưới bàn tay chăm bẵm của mẹ Quỳnh Dao, bé Rôm ngày càng "lực lưỡng".