Bí quyết nuôi dạy con:

Tự hào vì con rất "nice"

Lưu Dung,
Chia sẻ

Từ một cậu bé "còi dí", dưới bàn tay chăm bẵm của mẹ Quỳnh Dao (27 tuổi, Quản lý chất lượng của một công ty), bé Rôm ngày càng "lực lưỡng".

Chỉ cần chế độ ăn uống thích hợp, bé sẽ lên cân

- Chào Quỳnh Dao, từ một cậu nhóc 3 tuổi “còi dí”, giờ Rôm đã “lực lưỡng” với cân nặng 30kg và cao gần 130cm. Dao tẩm bổ cho bé thế nào vậy? 

Ngày trước, 3 tuổi mà bé Rôm nặng có 13kg nhưng sau khi nhận ra được một sự thật hiển nhiên là do ở lớp mẫu giáo quá đông, các cô không thể chăm hết được các cháu nên bà và mẹ đã lên kế hoạch tẩm bổ cho Rôm tại nhà.

Mỗi sáng trước khi đi học, bé ăn 1 bát cháo và uống 1 cốc sữa to. Chiều đi học về, bé ăn bánh và một cốc sữa. 7h tối bé ăn cơm với đầy đủ dưỡng chất được thay đổi thường xuyên. Tối trước khi đi ngủ Rôm lại bị “nhồi” thêm 1 cốc sữa bột.

Cứ như vậy, do chế độ ăn ổn định nên chỉ trong vòng 6 tháng, kết quả là Rôm tăng cân đáng kể. Bây giờ, cháu 6 tuổi, nặng 30kg và gần 130cm.

- Bé 6 tuổi, phải chuyển từ môi trường lớp mầm lên lớp lá (2 – 3 tuổi) rồi đang học mẫu giáo giờ đã bước vào lớp 1. Việc thay đổi môi trường học như thế, bé phản ứng như thế nào? Dao làm gì để bé an tâm và quen được với thầy mới, lớp mới, bạn mới?

Hơn 10 tháng, Rôm đã đi nhà trẻ. Do được huấn luyện từ bé xíu nên giờ con rất thích đi học. Chỉ có những giai đoạn con chuyển lớp, do chưa quen thầy cô mới nên Rôm khóc nhè và có vẻ sợ đi học. Ngay cả khi vào lớp 1 cũng thế, do thay đổi hoàn toàn thói quen và giờ giấc nên bé tỏ vẻ không hài lòng. 

Tự hào vì con rất

Lúc đó, Dao thường ngồi nói chuyện và kể cho con nghe: tới nơi mới, con sẽ được học cái gì, chơi gì ở đây, có các bạn mới sẽ vui như thế nào… Vậy nên, chỉ vài ngày sau, Rôm lại vui vẻ đi học.

Dạy con tính tự giác 

- Nghe nói, Rôm rất tự giác học, phải học xong thì bé mới lon ton chơi. Dao luyện cho bé thói quen này như thế nào?

Dao khác nhiều mẹ là ép học khi con chỉ mới học mẫu giáo. Mình nghĩ nên cho con sống đúng tuổi thơ chơi nhiều hơn học, học mà chơi - chơi mà học.

Khi con vào lớp 1, chính lúc đó mình mới phân tích cho con hiểu việc học quan trọng như thế nào, con sẽ phải học như vậy trong suốt 12 năm và hơn thế nữa. Nên việc lơ là là không nên.

Mình giao hẹn với con thế này, sau khi tan học ở trường về từ lúc 16h30 con sẽ được chơi, nghỉ ngơi và ăn uống đến khoảng 18h30 khi mẹ đi làm về thì hai mẹ con bắt đầu học bài.

Kể cả ở trường không có bài nhưng mình vẫn thường xuyên giao bài cho con. Mình nghĩ nên rèn luyện cho con có thói quen tự ngồi học ít nhất 1 tiếng mỗi ngày, dần dần con sẽ hình thành nên nếp học tốt.

Tự hào vì con rất

Lúc đầu không có mẹ bên cạnh thì Rôm còn mải chơi lắm, vừa học vừa hí hoáy chơi. Vì thế mình vừa phải “xử lý”, kết hợp cả mềm mỏng lẫn cứng rắn.

Sau 2-3 lần mẹ cho vào khuôn phép (kể cả ăn roi), Rôm đã tự giác ngồi học mà không cần mẹ bên cạnh. Giờ mình nhàn lắm, sau khi giao bài cho con thì mình có thể làm những công việc khác, sau đó kiểm tra và chữa bài cho con..

- Đấy là việc học, còn việc nhà thì sao?

Mình rất hay nói chuyện với con, mình thường phân tích cho con hiểu những việc gì Rôm có thể giúp mẹ được ví dụ như là chơi đồ chơi xong thì nên cất gọn đi này, quần áo giày dép đi về thay ra phải để đúng chỗ, để lung tung thì sẽ bị mẹ “xử lý” này…

Thế là Rôm gọn gàng ngay. Cu cậu tự làm hết mọi sinh hoạt cá nhân, tự ăn, tự học và cũng biết giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa. Có lần, thấy mẹ dọn nhà, bé cũng tự giác lăng xăng chạy ra nhúng nguyên 1 cái khăn ướt nhoét rồi mang vào miệt mài… lau nhà, mình cũng để kệ con. Con làm xong rồi mình mới đi lau lại nhà.

Dù bé làm chưa đúng ý, mình cũng sẽ động viên. Vì vậy mà bé rất thích thú mỗi khi giúp mẹ được việc gì. Hiện giờ, Rôm là trợ thủ đắc lực cho mình đấy!

Tự hào vì con rất

- Bạn nhận xét Rôm rất “nice”. “Nice” ở điểm gì vậy?

Ở nhà, bé ngoan, hiền lành chỉ thi thoảng bé mới bướng bỉnh thôi. Tuy là bé nhất nhà, cả nhà ai ai cũng yêu chiều và nhường nhịn nhưng không vì thế mà cháu đành hanh đâu nhé.

- Vậy là Rôm biết chia sẻ. Không dễ dạy trẻ con tính này. Dao dạy bé như thế nào?

Hầu hết trẻ con ghét phải chia sẻ đồ dùng, tình cảm với người khác. “Nó là của con!”- Bậc phụ huynh sẽ thấy câu nói đó rất quen và trước đây thi thoảng Rôm nói thế. Mặc dù trẻ con cũng vui vẻ khi tặng ai đó món quà gì, nhưng để thành kỹ năng biết chia sẻ là cả một quá trình, bởi nó là một tình huống xã hội khá phức tạp.

Mình hay tâm sự, thủ thỉ, kể những mẩu chuyện về sự chia sẻ cho con nghe. Lúc đầu vẫn còn khó bảo lắm nhưng bây giờ thì Rôm đã biết để dành riêng 1 phần quà mình được tặng cho các cậu và các dì rồi.

Thỏa hiệp là cách để hiểu con

- Bé lành như vậy liệu ở trường có bị bạn bè bắt nạt không?

Do tính Rôm lành, hơi nhát và cũng biết nhường nhịn nên trước đây khi đi học, Rôm hay bị bạn bắt nạt. Mình đã dạy con cách để đối phó với những tình huống đó.

Một lần mình đọc được cuốn sách nói về tiểu sử của bà Hillary Clinton về vấn đề liên quan, mình đã áp dụng dạy con như thế. Ngày xưa bà cũng bị bạn bè bắt nạt, khi đó, mẹ của bà đã nói thế này: “Con mang kẹo ra chia và chơi cùng các bạn, nếu còn bị đánh thì con nói rằng: nếu còn 1 lần nữa, tớ sẽ đánh lại đấy".

Bà Clinton đã làm như vậy, kết quả là vẫn bị đánh, bà lại chạy về mách và mẹ bà nói rằng: "Nếu lần sau bị bạn đánh mà con không tự giải quyết được thì mẹ sẽ là người đánh con".

Tự hào vì con rất


Mình áp dụng phương pháp này để dạy cho Rôm. Ấy vậy mà có hiệu quả, từ đó đến giờ, cu cậu đi học hầu như không bị bắt nạt nữa, và 1 điều quan trọng là bố mẹ cần dạy con những kỹ năng hòa đồng với các bạn.
 
Mình góp nhặt mỗi nơi 1 ít kinh nghiệm và đôi khi phải đặt hoàn cảnh mình là con thì mình sẽ làm gì, có thể ngày xưa khi còn bé, mẹ đã "phát-xít" với mình nhiều nên giờ mình linh hoạt hơn khi dạy con.

- Hồi trước, mẹ “phát xít” thì Dao phản ứng thế nào?

Ngày xưa, mẹ "phát-xít" với mình lắm, thế nhưng càng cấm cái gì mình càng làm, càng đánh thì mình càng ương bướng hơn. Nên bây giờ mình rút ra được bài học đó là "thoả hiệp" với con trong khuôn khổ nhất định để cả mình và con đều đạt được mục đích chung.

Mình không nghĩ rằng kỷ luật và trừng phạt là hay đối với trẻ con, nên làm bạn và thoả hiệp với con mới là tốt.

- Vậy nên, phương pháp dạy con của Dao đó là kết hợp: mềm dẻo và cứng rắn?

Đúng vậy, mình luôn cố gắng kết hợp cả hai để con biết rằng mẹ rất chiều và yêu thương con nhưng chiều trong khuôn khổ. Ví dụ như việc con muốn mua đồ chơi, mình nói với con thế này, "con đi học ngoan mẹ sẽ mua, nhưng bây giờ mẹ chưa có tiền, khi nào mẹ có tiền mẹ sẽ mua, con nhé". Cu cậu gật gù và đồng ý ngay. Mình luôn cố gắng hiểu con, làm bạn với con. Cứ cuối tuần rảnh rảnh, hai mẹ con lại đi café cùng nhau (mẹ uống café, con uống sữa). 

- Cảm ơn cuộc nói chuyện rất thú vị này!



Ai gặp bé Thiên Bảo cũng phải thán phục mẹ Vân Anh rằng: "Chị chăm con mát tay thật!"
Tự hào vì con rất
Chia sẻ