72 lần bế con trở lại giường trong một đêm để tập cho con ngủ riêng của bà mẹ Anh

Ngọc Anh,
Chia sẻ

Mẹ Việt thường rất ngưỡng mộ các bà mẹ Tây khi họ có thể cho con ngủ riêng từ rất sớm. Nhưng có lẽ các mẹ không biết rằng, để làm được điều đó, với các bà mẹ phương Tây không phải là điều dễ dàng.

Việc cho con ngủ riêng từ sớm, thậm chí là khi bé mới chỉ vài tháng tuổi vô cùng phổ biến ở các nước phương Tây. Lý do là bởi cho bé ngủ riêng không chỉ giúp rèn luyện tính tự lập mà nó còn mang lại rất nhiều lợi ích khác như hạn chế tối đa những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra với chúng, ví dụ như hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh - SIDS.
 
Tuy nhiên, việc cho bé ngủ riêng không phải là việc dễ dàng, nhất là khi bé đã lớn và có nhận thức. Lúc này, việc làm thế nào để con có thể ngủ một mình đòi hỏi mẹ phải có sự kiên nhẫn và quyết đoán vô cùng lớn. Bên cạnh đó, còn cần một chút kỹ thuật nhỏ trong việc này.
 
 Muốn bé ngủ riêng một mình không hề là điều đơn giản (Ảnh minh họa).
 
Các chuyên gia của chương trình Supernanny, chương trình hướng dẫn các bà mẹ cách “đối phó” với những hành vi xấu của con trong mọi tình huống tại Anh đã đúc kết và đưa ra những lời khuyên vô cùng hữu ích với các bà mẹ trong việc làm thế nào để giúp con ngủ riêng một cách dễ dàng nhất. Trong video dưới đây, một bà mẹ người Anh đã gặp rất nhiều khó khăn và vô cùng stress mỗi đêm khi cho cậu con trai của mình ngủ riêng. Cô đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của Supernanny và thành công cho con ngủ riêng ngoan ngoãn sau đến 72 lần cậu bé khóc và rời khỏi giường trong một đêm. Hãy cùng xem video để hiểu sự khó khăn mà bà mẹ này đã trải qua và cách làm thế nào để bé có thể ngoan ngoãn ngủ riêng.
 
Để thành công khi rèn con ngủ riêng quả là việc chẳng mấy dễ dàng (Nguồn: Nuôi con kiểu Bắc Âu)

72 lần và phương pháp “bắt” con ngủ riêng vô cùng cứng rắn
 
Trong video, chuyên gia của Supernanny đã chia sẻ rằng: “Sau khi mẹ đọc truyện cho bé xong, mẹ sẽ đặt bé vào giường riêng. Tiếp đó, mẹ sẽ ngồi vào một chiếc ghế cạnh giường. Tuy nhiên, mẹ sẽ phải quay mặt đi chứ đừng nhìn thẳng vào mặt con. Nếu con chạy ra khỏi giường, nhiệm vụ của mẹ sẽ là đặt con trở lại giường và tuyệt đối không nói gì cả. Mẹ sẽ lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi nào con chịu nằm vào giường của con”. 
 
Đây là phương pháp “ngủ riêng có khoảng cách”. Với phương pháp này, mẹ cho bé ngủ riêng trên giường của bé nhưng vẫn ngồi cạnh để bé cảm thấy yên tâm hơn khi có mẹ ở bên.
 
Còn người mẹ thì cho biết: “Tôi không cảm thấy lo lắng mà chỉ nghĩ xem nó sẽ mất bao lâu và liệu tôi có đủ kiên nhẫn để đặt con ngủ trên giường của bé không”.
 
 Cậu bé đã không chịu nằm trên giường và cứ khi nào mẹ đặt lên giường thì cậu bé lại trèo xuống.
 
Cuối cùng sau 1 tiếng 41 phút và 72 lần trèo ra khỏi giường, cậu bé cũng có thể tự trèo lên giường và đi vào giấc ngủ. Nhiều bà mẹ đã chia sẻ rằng không biết liệu họ có đủ kiên nhẫn để ngồi 1 tiếng 41 phút như bà mẹ này không. Hơn nữa, họ cũng không đành lòng trước tiếng khóc của con. Tuy nhiên, đã có rất nhiều bà mẹ thành công với phương pháp này. 

Trên diễn đàn Netmums, một bà mẹ với nickname Suzi  đã chia sẻ về việc cho con ngủ riêng bằng cách này thì ngày đầu tiên, cô mất 1 tiếng 20 phút và bé rời giường 72 lần, ngày thứ 2 là 1 tiếng 15 phút, bé rời giường 61 lần… và ngày thứ 8 là 45 phút với 32 lần… Cuối cùng, cô cũng thành công sau gần nửa tháng.
 
Nếu con chưa chịu ngủ riêng, đừng bỏ cuộc, hãy nghĩ đến lợi ích của nó
 
Có một sự thực là không phải ông bố, bà mẹ nào cũng đủ kiên nhẫn và quyết đoán như bà mẹ người Anh này khi phải lặp đi lặp lại hành động cho con vào giường ngủ riêng buồn tẻ tới… 72 lần và trong khoảng thời gian tới 1 tiếng 41 phút. Rất nhiều người sẽ "đầu hàng", buông xuôi hoặc bực tức và trút xuống đứa trẻ một trận đánh mắng. Tuy nhiên, nếu bố mẹ đang rơi vào trường hợp này, hãy nghĩ tới những lợi ích khi cho bé ngủ riêng và kiên nhẫn hơn. Việc cho bé ngủ riêng sẽ mang lại hàng loạt các lợi ích sau:
 
 Cho bé ngủ riêng là rèn luyện tính tự lập cho bé (Ảnh minh họa).
 
- Cho bé ngủ riêng sẽ giúp tăng tính tự lập, tự tin của bé, đồng thời giúp bố mẹ có đời sống riêng.
 
- Việc cho bé ngủ riêng là tạo một không gian riêng êm ái cho bé, giúp bé không bị thức giấc bởi tiếng ho của bố hay cái trở mình của mẹ. Đồng thời bố mẹ cũng được ngủ ngon khi không bị giật mình nếu bé cựa mình bên cạnh. Đặc biệt, một giấc ngủ sâu sẽ là điều có lợi cho sự phát triển thể chất và trí não của bé.
 
- Hầu hết các bé được ngủ chúng với cha mẹ, trước khi đi ngủ, bé thường muốn bố mẹ dỗ bé ngủ, nhõng nhẽo và đòi được ôm ấp. Thậm chí, nửa đêm, khi đang ngủ, bé cũng sẽ tỉnh dậy khóc và đòi bố mẹ ôm ấp, vỗ về. Chính điều này sẽ hình thành thói quen xấu cho con, con không bao giờ ngủ ngoan và sâu giấc.
 
- Rất nhiều cha mẹ cho con nằm giữa và nghĩ như vậy là an toàn, con khó có thể lăn trái lăn phải, song điều này lại khiến không khí xung quanh bé bị bí, bé dễ bị thiếu không khí để thở khi ngủ. Thậm chí, đôi lúc, chúng còn dẫn đến những tai nạn không đáng có như bố mẹ đè vào người trẻ khi đang ngủ hoặc trẻ bị chèn bởi bố mẹ, gối chăn nên có thể sẽ gặp phải hiện tượng đột tử ở trẻ sơ sinh - SIDS.
 
Nguồn: Tổng hợp
Chia sẻ