10 trò chơi "không tốn một xu" giúp trẻ học kỹ năng sinh tồn

Bana Houz,
Chia sẻ

Kỹ năng sinh tồn là một trong những bài học quan trọng mà cha mẹ nên dạy con từ nhỏ, điều đó có thể cứu sống trẻ trong nhiều tình huống nguy hiểm sau này.

Để hình thành các kỹ năng sinh tồn, trước tiên trẻ cần hiểu biết về thế giới xung quanh, nhận ra những vật dùng cần thiết, các dấu hiệu an toàn, cách tự chăm sóc bản thân. Nhớ được những điều đó với một đứa trẻ là không hề đơn giản, vì thế cha mẹ cần thường xuyên giả định tình huống để con thực hành và nhắc lại. 

Dưới đây là 10 gợi ý giúp cha mẹ dạy con kỹ năng sinh tồn thông qua những trò chơi và hoạt động bổ ích hàng ngày. 

1. Nhận thức tình huống

Tìm hiểu về thế giới xung quanh sẽ giúp bảo vệ cuộc sống của bạn cũng như các con nhiều hơn là dành thời thời gian chơi game. Để trẻ hứng thú với việc nhận biết và học hỏi những sự vật và tình huống xảy ra hàng ngày bạn có thể biến nó thành những trò chơi kích thích trí tò mò.

Trò chơi đoán tên đồ vật: Đây là trò giúp trẻ chú ý vào các chi tiết. Bạn lấy bất kỳ một đồ vật trong nhà, ở cửa hàng, miêu tả về chúng để trẻ đoán tên.

Trò chơi miêu tả: Bạn cho trẻ nhìn bức tranh về phong cảnh, con người hoặc đồ vật sau đó hãy nói con nhắm mắt và kể lại những gì chúng nhớ. Ai nhớ nhiều chi tiết hơn sẽ là người chiến thắng.

Trò chơi tìm đường: Đây là trò chơi giúp trẻ tìm đường về nhà hay đến một địa điểm nào đó. Bạn hãy chỉ cho con những dấu hiệu nhận biết ở các lối rẽ, sau đó để trẻ miêu tả lại. Để trẻ hứng thú hơn bạn có thể đưa ra những phần thưởng nho nhỏ. Cũng tương tự như vậy, khi bạn cho con đi chơi công viên, đi cắm trại, du lịch hãy chơi trò tìm đường bằng cách đánh dấu trên thân cây hay hòn đá.

Dạy con kĩ năng sinh tồn 1
Trẻ cần biết cách đọc bản đồ, tìm đường đi.

2. Kế hoạch sơ tán và chỉ dẫn

Bạn sẽ không thể biết trước được liệu có tình huống nào xảy ra khiến bạn và con bị lạc nhau. Cũng có thể lúc sự việc xảy ra cả nhà không ở cùng nhau. Để chuẩn bị cho điều đó hãy dạy trẻ cách xác định vị trí nhà mình theo nhiều hướng khác nhau.

Để thực hành bạn có thể lên các kế hoạch sơ tán và cùng nhau thực hành. Trước hết, hãy định vị địa điểm mọi người gặp nhau nếu có chuyện xảy ra và đưa ra các kế hoạch dự bị khác nhau. 

Ví dụ: phương án 1: gặp nhau ở nhà bếp nếu mọi người đều ở trong nhà. Phương án 2: Nếu có chuyện gì xảy ra mà mẹ không ở đó, con hãy đi đến địa điểm A hoặc nhờ người lớn đưa đến. Phương án 3: nếu bị lạc đường ở trung tâm thương mại hãy đứng nguyên tại chỗ không di chuyển…

Trước những tình huống bất ngờ bạn nên dạy trẻ tìm cách giải quyết với bốn bước: dừng lại, suy nghĩ, quan sát và lên kế hoạch. Đây là biện pháp giúp trẻ lấy lại sự bình tĩnh, tránh hoảng loạn quá mức.

- Dừng lại và ngồi xuống: Ngay khi nhận ra mình đi lạc

- Suy nghĩ: Xem chuyện gì đã xảy ra. Trẻ rất dễ bị hoảng sợ, vì thế chúng cần được thực hành trước khi gặp tình huống bất ngờ hãy đứng tại chỗ và nhớ lại sự việc đã diễn ra.

- Quan sát: Mình đang ở đâu, xung quanh đây có gì, có gì quen thuộc không? Liệu trong cặp sách có thông tin hay vật gì giúp mình không? 

- Lên kế hoạch: Suy nghĩ xem mình có thể làm gì: mình có nên thổi chiếc còi trong cặp để tìm sự giúp đỡ? Địa điểm này có gần điểm hẹn giao ước? Có đồn công an nào gần đây không?... Chúng sẽ lên được ý tưởng dựa trên những gì bạn đã hướng dẫn.

3. Không sợ bóng tối

Sợ bóng tối có thể khiến trẻ căng thẳng và không biết nên làm gì. Với trẻ lớn, hãy giúp con làm quen với bóng tối bằng cách chơi một số trò chơi bên ngoài khi trời tối (chọn khu vực vẫn có đủ ánh điện để bạn và trẻ có thể tìm đường)

Với trẻ nhỏ, bạn nên chơi với con ở sân nhà khi trời tối. Đó sẽ là một kỷ niệm tuyệt vời khi cả nhà cùng ngắm các vì sao và chơi trò đoán tên chòm sao. Bạn có thể thực hành trong nhà nhưng nhớ tắt điện nhé.

Đây là một cơ hội tốt để trẻ thực hành các kỹ năng cần thiết. Ví dụ: không nên mở tủ lạnh khi mất điện, cách nấu ăn ngoài trời, và bất kỳ kỹ năng gì bạn thấy hữu dụng khi mất điện.

4. Nhận biết các loại nước và cách lọc nước

Nước cực kỳ quan trọng nhưng cũng dễ gây nguy hiểm tính mạng nếu uống phải nước bị nhiễm độc. Vì thế, trẻ cần được học cách nhận biết đâu là nguồn nước an toàn, đâu là nguồn nước không an toàn, đó là một kỹ năng cực kỳ thiết yếu.

Khi cả nhà đi cắm trại hay dã ngoài (hay kể cả đi dạo trong sân, ngoài công viên) hãy cùng nhau thực hành cách tìm nước, đun nước, lọc nước hay cách sử dụng những đồ vật xung quanh (lá cây, vỏ cây…) để lấy nước.

5. Dựng lều ở sân sau

Dựng trại ở sân nhà là một trải nghiệm tuyệt vời với các con, nhất là khi trẻ con bé và bạn vẫn cần ở gần nhà trong những tình huống khẩn cấp. Nhưng hãy nhớ chỉ vào nhà trong trường hợp cực kỳ cấp bách. Nhân dịp này, hãy dạy con cách tạo lửa an toàn, nấu ăn ngoài trời và sống trong tình trạng không có điện. Để trẻ tự làm nhiều nhất có thể sẽ giúp chúng biết cách tự chăm sóc bản thân.

6. Trò chơi trốn tìm

Đây là một trò chơi đơn giản mà mọi đứa trẻ đều thích, nhưng quan trọng là qua đó trẻ sẽ học được cách tìm địa điểm an toàn để trú ẩn. Bạn cũng cần hướng dẫn trẻ sự khác biệt giữa những người có thể làm hại mình (giả định tình huống và chỉ cho con các dấu hiệu) và cách nhận biết nhân viên cứu hộ khi họ đến gần.

Dạy con kĩ năng sinh tồn 2
Dạy trẻ cách ẩn nấp và nhận biết dấu hiệu an toàn.

7. Săn tìm báu vật

Đây là một ý tưởng hiệu quả để dạy trẻ nhận biết những vật dụng thiết yếu từ môi trường xung quanh. Hãy tận dụng trò chơi này như một cơ hội để hướng dẫn con tìm kiếm thức ăn, học về các loại rau củ, cây cối. Trò chơi săn tìm 10 đồ vật mà chúng cho là hữu ích nhất cũng là một phiên bản hết sực thú vị của trò săn tìm báu vật. Tuy nhiên sau đó bạn nhớ giải thích về các sự lựa chọn của trẻ và dạy chúng đâu là những vật dụng thiết yếu.

8. Học cách trồng cây

Trẻ rất thích nghịch đất cát và cũng thích được giúp đỡ. Kể cả nếu bạn chỉ trồng vài cây cảnh nhỏ ngoài cửa sổ vì thiếu không gian, hãy cho trẻ cơ hội chăm sóc chúng mỗi ngày. Bạn đâu lường trước được mọi việc, nếu trường hợp tồi tệ nhất xảy ra khi trẻ bị thất lạc, vẫn có hy vọng cho bạn mong chờ phải không?

Dạy con kĩ năng sinh tồn 3
Chăm sóc cây cối không chỉ giúp trẻ gần gũi với thiên nhiên mà con có ý nghĩa lớn trong những trường hợp bị thất lạc, hay mất tích.

9. Sống lành mạnh

Ngày càng có nhiều trẻ bị béo phì hoặc thừa cân, trẻ không chỉ cần sức khỏe tốt cho những hoạt động hàng ngày mà trong tình huống khẩn cấp điều này càng có ý nghĩa hơn. Bạn sẽ không muốn con phải lê ra khỏi nhà trong đám cháy vì không chạy nổi chứ?

Hãy cùng nhau luyện tập hàng ngày và khuyến khích những hoạt động thể chất lành mạnh, dạy trẻ về thực phẩm tốt, thực phẩm không tốt, những loại thực phẩm nào không nên ăn. Một đứa trẻ khỏe mạnh sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn nếu thảm họa xảy ra và điều này cũng đúng với cả người lớn. Trước tiên hãy quan tâm đến cơ thể mình và trở thành tấm gương để con noi theo. Hãy nhớ rằng sức khỏe chính là công cụ sinh tồn có ý nghĩa nhất.

10. Cách trao đổi và thương lượng

Như phần lớn mọi người, chúng ta thích những cuộc trao đổi có lợi. Nếu có cơ hội, hãy dẫn trẻ đến những hội chợ trao đổi hàng hóa, những sự kiện thanh lý đồ và dạy chúng cách thương lượng, trao đổi hàng hóa. Nhớ nhấn mạnh con về việc trao đổi công bằng, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Tất nhiên bạn không bao giờ muốn những tình huống xấu xảy ra, nhưng đó là một thực tế. Kể cả khi những sự việc đó chỉ diễn ra vài phút hay thậm chí vài giờ thì biết cách ứng phó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn giữa ranh giới an toàn hay thảm họa. 
Chia sẻ