Làm gì khi con bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin?
Sốc thuốc, trong đó có vắc xin, là một trong những nỗi ảm ảnh của cả bệnh nhân và bác sĩ. Các loại thuốc hầu như đều có tác dụng phụ, trong đó tác dụng phụ từ đường tiêm là nguy hiểm nhất.
Hoang mang vì phản ứng sau tiêm vắc xin
Nhiều bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm vắc xin đều lo lắng trước nhưng nguy cơ phản ứng sau khi tiêm, đặc biệt là vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trước đó, một người cha đã chia sẻ về việc con của anh bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 và phải cấp cứu điều trị.
Nhưng may mắn, cháu bé được đưa đến bệnh viện sớm và được bác sĩ cấp cứu hồi sức tích cực nên may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Nhiều bậc cha mẹ lo lắng chia sẻ cảm xúc và những kinh nghiệm làm thế nào để có thể cấp cứu con khi cháu bé gặp sốc phản vệ do thuốc. Các chuyên gia y tế cho rằng không chỉ có riêng vắc xin mà ngay cả thuốc kháng sinh, thuốc trị ho và thực phẩm bất kỳ nào cũng có thể gây sốc phản vệ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – giảng viên trường đại học Y dược TP.HCM cho biết hiện nay các thuốc đều có thể gây phản ứng. Phản ứng sốc phản vệ đó còn gọi là tác dụng phụ của thuốc tùy mức độ nhẹ hay nặng. Triệu chứng của sốc thuốc, nhẹ thì hơi mẩn ngứa sau đó hết, nặng gây ra sốc phản vệ suy sụp tuần hoàn, hô hấp, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Không chỉ thuốc, thực phẩm và chất lạ đều gây ra tình trạng sốc phản vệ.
Theo bác sĩ Tuấn vấn đề sốc phản vệ không ai có thể kiểm soát được, không có cách nào chống được sốc phản vệ mà chỉ có thể loại trừ bằng cách hỏi tiền sử bệnh nhân có bị dị ứng thuốc không, dị ứng với thức ăn không hoặc hỏi thêm người thân trong gia đình xem có ai bị dị ứng thuốc, thực phẩm hoặc chất nào không. Điều đó giúp loại trừ được yếu tố nguy cơ gây tác dụng phụ của thuốc.
Ngoài ra, có thể thử phản ứng trên thuốc, nhưng bác sĩ Tuấn nhấn mạnh: “Thực sự thử phản ứng ở Việt Nam hay trên thế giới mang lại giá trị cực kỳ ít. Chỉ trừ một số labo cực kỳ mạnh như ở Việt Nam có labo khoa dị ứng lâm sàng bệnh viện Bạch Mai, người ta có thể thử thuốc với mức độ tin cậy nào đó và có thể xác định được nguyên nhân thuốc đó có gây ra phản ứng hay không. Phải khẳng định rằng labo đó phải cực kỳ mạnh mới có thể làm được điều ấy”
Ở các bệnh viện khác các bác sĩ vẫn test phản ứng thuốc nhưng giá trị không cao. "Câu chuyện thuốc kháng sinh loại cũ tỷ lệ dị ứng rất cao như penicillin, gây chết người rất nhiều, đã khiến người ta ban hành quy chế thử thách kháng sinh pha như thế nào, tiêm thế nào, đọc kết quả ra sao. Nhưng đó là câu chuyện của 20 năm trước. Bây giờ ở nước ngoài họ không thử phản ứng thế vì nó không loại trừ được biến chứng sốc phản vệ gây ra" – bác sĩ Tuấn cho biết.
Làm gì khi con bị phản ứng sau tiêm?
Theo bác sĩ, sốc phản vệ không phải biến chứng do liều lượng thuốc gây ra mà nó liên quan đến dị nguyên, kháng nguyên, kháng thể. Chỉ cần một liều lượng thuốc rất nhỏ thôi cũng có thể gây phản ứng miễn dịch rầm rộ gây ra sốc phản vệ, nó không phụ thuộc vào liều lượng.
Sốc phản vệ ở đường tiêm cao hơn đường uống vì thuốc trực tiếp đi vào huyết thanh kích hoạt hệ thống máu nên người ta hạn chế sử dụng thuốc đường tiêm truyền. Song song đó, bác sĩ phải hỏi tiền sử bệnh nhân về dị ứng với chất nào, thuốc nào để tránh các thuốc cùng nhóm gây dị ứng và thay thế thuốc khác.
Bác sĩ Tuấn cho rằng, quan trọng nhất là lúc nào cũng phải nghĩ rằng sốc phản vệ có thể xảy ra và đối phó với nó. Nhưng với các bác sĩ gây mê hồi sức thì xử lý cấp cứu khác với những nơi như bác sĩ không chuyên môn, nhất là ở trạm y tá phường. Mặc dù Bộ Y tế có dán phác đồ ở đó nhưng họ cả năm không làm lần nào thì cũng không thể can thiệp được vì không có kỹ năng. Hơn nữa, phác đồ sốc phản vệ của Bộ Y tế ban hành là cho người lớn, không phải cho trẻ nhỏ. Trong cấp cứu sốc phản vệ của trẻ nhỏ rất khó vì trẻ diễn biến thường nhanh, khác người lớn hoàn toàn.
Khi sốc phản vệ gây suy tuần hoàn, não thì các bác sĩ có các biện pháp can thiệp khác nhau, sốc gây viêm phổi cũng thế. Điều quan trong nhất là phải cấp cứu được đường thở cho bệnh nhân. Điều này không phải cơ sở y tế nào cũng làm được.
Với cha mẹ, khi trẻ có dấu hiệu phản ứng từ nhẹ đến nặng nên đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất dù đó chỉ là những nốt nổi đỏ, mẩn ngứa hay dấu hiệu khó thở. Các biểu hiện khác thường không nên tự sơ cứu, tự cách cấp cứu chỉ làm cho bệnh nhân nặng lên. Đối với sốc do vắc xin hay do thuốc đều như nhau.