Kinh nghiệm quý giá của bà mẹ trải qua 2 lần nuôi con với 2 kiểu kích sữa hoàn toàn khác nhau
Bà mẹ đã rút ra kinh nghiệm quan trọng sau 2 lần nuôi con với trải nghiệm 2 phương pháp kích sữa hoàn toàn khác nhau.
Khi tôi mang thai con đầu lòng, tôi cảm thấy tự tin rằng mình sẽ cho con bú mẹ thành công. Không bú bình, không đời nào. Và rồi tôi có con.
Con trai tôi được gần 1 tháng tuổi và tôi vẫn đang phải vật vã để đảm bảo đủ sữa cho con bú. Áp lực của việc sinh con tự nhiên, kết hợp với mất máu và khớp ngậm kém do em bé bị dính thắng lưỡi, khiến lượng sữa của tôi gần như cạn kiệt. Con trai tôi đã phải bú bình vào ngày thứ hai về nhà sau khi xuất viện.
Nỗi lo lắng xung quanh việc tiết sữa cho con bú khiến tình cảnh trở nên tuyệt vọng. Cơ thể tôi không tiết sữa cho tới tận tuần tuổi thứ 3 của con.
Ở lần sinh con thứ hai, tôi cũng nỗ lực trở thành một bà mẹ sữa hiệu quả. Và dưới đây là trải nghiệm của tôi trong 2 lần kích sữa theo 2 phương pháp hoàn toàn khác nhau: lần đầu là theo lối phương Tây, lần hai là kích sữa theo kinh nghiệm phương Đông.
Bà mẹ đã có 2 lần trải nghiệm hoàn toàn khác nhau với 2 phương pháp kích sữa (Ảnh minh họa).
Nuôi con đầu lòng: Kích sữa theo lối phương Tây
Trong vài tuần tuổi đầu tiên của con trai đầu lòng, con tôi gặp chuyên gia sữa mẹ còn nhiều hơn cả bác sĩ nhi. Cứ 3 ngày 1 lần, chúng tôi lái xe tới văn phòng chuyên gia, cởi quần áo cho con, cho con bú và đưa con lên bàn cân để xem tôi đã tiết được bao nhiêu sữa.
Chuyên gia sữa mẹ của tôi đưa ra một danh sách các gợi ý. Cụ thể là:
- Hút sữa 20 phút/lần, mỗi lần cách nhau 2 tiếng. Việc này thực sự giúp ích. Nguồn sữa của tôi tăng từ 30ml lên 90ml mỗi cữ. Vấn đề duy nhất với cách này là nó trở thành nguồn cơn stress chính và kẻ lấy đi giấc ngủ của tôi. Rốt cuộc, nguồn sữa của tôi lại càng bị ức chế, chưa kể "vấn nạn" trầm cảm của tôi càng gia tăng.
Bà mẹ đã gặp stress trong lần nuôi con đầu lòng (Ảnh minh họa).
- Yến mạch và bánh quy lợi sữa là một cứu cánh khác bởi chúng không đòi hỏi phải chế biến gì nhiều. Nhưng tôi nhận thấy, ngoài việc cải thiện tâm trạng, chúng lại chẳng có mấy tác động tới nguồn sữa của tôi, trong khi đó lại tác động rất nhiều tới vòng hông của tôi.
- Tôi cũng thử 200 USD mua thực phẩm lợi sữa nhưng kết quả chẳng đáng gì.
- Sau khi áp dụng 3 cách trên, tôi tiết được khoảng nửa số sữa mà con trai tôi cần. Vậy là tôi quay lại gặp bác sĩ, được kê đơn Reglan/Domperidone. Sau khi uống thuốc, lượng sữa của tôi tăng lên và đáp ứng tầm 75% nhu cầu của con, trước khi bé 7 tháng, rồi cứ giữ nguyên mức đó cho tới khi con gần 18 tháng tuổi. Tôi biết thuốc có tác dụng bởi khi tôi không dùng thuốc nữa, nguồn sữa của tôi bắt đầu giảm.
Nuôi con thứ 2: Kích sữa theo lối phương Đông
Sau khi sinh con đầu lòng, chúng tôi đã đưa ra một thay đổi quan trọng. Cả nhà chuyển tới Los Angeles, nơi số lượng người Trung Quốc tăng lên đột biến trong đời tôi, từ ông xã Trung Quốc tới bạn thân nhất tới gần như mọi người mà chúng tôi biết.
Khi chúng tôi thông báo tin vui mang bầu lần hai, vô số lời khuyên của những người bạn mới bắt đầu ào đến. Tôi được vây quanh bởi những phụ nữ có quan điểm hoàn toàn khác về nuôi con sữa mẹ và tôi dần dần lại cảm thấy hứng thú với việc này.
Con gái thứ hai đã cùng tôi trải qua một khởi đầu tốt đẹp hơn. Bé chào đời rất nhanh và lập tức ngậm vú mẹ. Khi tôi bắt đầu bổ sung cữ bú đêm và quyết định theo đuổi một cuộc phiêu lưu kích sữa khác.
Để cho con bú thành công, thứ chúng ta uống hay ăn không quan trọng nhiều như mức độ chúng ta chăm sóc bản thân (Ảnh minh họa)
Tôi khởi đầu hành trình kích sữa mới với món súp và đồ uống sau sinh theo kiểu truyền thống mà những phụ nữ Trung Quốc đã dùng hàng ngàn năm qua. Dù chế độ ăn này không phải lúc nào cũng dễ chịu, tôi để ý lượng sữa của mình tăng nhanh hơn so với hồi áp dụng cách kích sữa phương Tây. Tôi nghĩ là các khoáng chất trong món súp và việc sử dụng đồ uống có nguồn gốc từ ngũ cốc đã có tác dụng tốt hơn trong việc nuôi dưỡng và duy trì ổn định lượng đường huyết, từ đó, giúp cải thiện tâm trạng và lượng sữa.
Một lời khuyên khác mà tôi nhận được trong lần mang thai thứ hai là tôi nên duy trì thái độ sống tích cực, cùng với ngủ nhiều. Tôi kiêng phần lớn đường trong thực phẩm để giữ ổn định đường huyết và hàm lượng dopamine. Sau giai đoạn đầu bỏ đường, tôi nhanh chóng nhận thấy mình bình tĩnh hơn và có thể ngủ nhiều hơn.
Những ngày đầu, lượng sữa của tôi đáp ứng khoảng 80% nhu cầu của con, nhiều hơn mọi thời điểm từng có khi tôi có bé đầu. Và tôi chỉ phải bổ sung không quá 30ml sữa ngoài mỗi ngày.
Tò mò về thảo dược Trung Quốc, tôi tới gặp một chuyên gia châm cứu và được châm cứu trên da đầu, bên dưới ngực, trên bụng và trên đầu gối, bàn chân. Vị chuyên gia thông báo cho tôi rằng, các điểm tiết sữa thực sự liên quan tới stress và tôi lại thuốc tuýp người hay stress
Tôi cũng xin số điện thoại của người mát-xa giúp kích sữa thông qua một người bạn rồi nhanh chóng đặt lịch hẹn. Cô ấy tới nhà tôi và bắt đầu mát-xa. Cô ấy còn kiểm tra thật kỹ ngực tôi và đã làm cho tia sữa bắn ra khắp nơi. Mặc dù tôi vừa hút sữa, cô ấy vẫn giúp tôi có thêm 120ml nữa.
Cô ấy cũng nhận ra tôi có rất nhiều bướu nhỏ ở ngực và điều này ngăn sữa tiết ra, cũng như gửi tín hiệu tới não, thông báo giả rằng, em bé đã được bú đủ. Tôi làm theo lời khuyên của cô về việc không ăn quá nhiều chất béo và mát-xa ngực hàng ngày. Lượng sữa của tôi được giữ ổn định ở mức đáp ứng 100% nhu cầu của con kể từ đó, dù tôi không hề dùng trà lợi sữa.
Kết luận
Trải qua 2 lần kích sữa, tôi thực sự thích kỹ thuật phương Đông hơn bởi nó thân thiện, nhẹ nhàng hơn với người mẹ. Tôi đi đến kết luận rằng, để cho con bú thành công, thứ chúng ta uống hay ăn không quan trọng nhiều như mức độ chúng ta chăm sóc bản thân. Rốt cuộc, tôi cảm thấy thuyết phục với ý nghĩa chính là giấc ngủ ngon hơn, bớt căng thẳng đi đã giúp tôi đạt được mục tiêu cho con bú của mình.
Vài nét về tác giả:
Jenifer Thomé là một bà mẹ, tác giả, nhà báo và nhà phát ngôn cộng đồng. Cô có chuyên môn về truyền thông, sinh học, tâm lý học, và thường xuyên viết bài về các vấn đề đó. Jennifer cũng có nhiều bài bái về văn hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó, cô cũng dành thời gian rảnh để phát triển các công thức nấu ăn mới và lên kế hoạch cho các chuyến du lịch ẩm thực tới Trung Quốc.