Khuyến cáo cách dùng sữa chuẩn nhất cho trẻ trên 1 tuổi
Sữa công thức, kể cả các loại sữa hạt đang rất thịnh hành hiện nay và thói quen bú bình đều không cần thiết khi trẻ trên 1 tuổi.
Theo hướng dẫn về nuôi con bằng sữa mẹ của Australia, trẻ được bú mẹ trong vòng ít nhất 12 tháng. Nhưng chỉ có 28% trẻ nhỏ Australia vẫn còn bú mẹ khi 1 tuổi và ở 18 tháng tuổi, con số này giảm thêm xuống còn 9%.
Trong khi đó, chỉ có 5% trẻ trong độ tuổi chập chững biết đi đạt tới mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc duy trì cho bé bú mẹ trong vòng 2 năm và hơn thế.
Vậy, với phần lớn trẻ trên 1 tuổi không còn bú mẹ nữa, bạn sẽ thay thế loại sữa nào cho con?
1. Trẻ chập chững biết đi không cần sữa công thức
Mặc dù được các nhà sản xuất và các đại lý tiếp thị rất nhiều, chẳng có lợi ích nào trong việc tiếp tục sử dụng sữa công thức trong năm thứ 2 của bé.
Khi không còn bú sữa mẹ, trẻ cũng không cần phải uống sữa công thức (Ảnh minh họa).
Sữa công thức dành cho trẻ trên 1 tuổi, đặc biệt là sữa uống hoặc các sản phẩm về sữa khác nhắm vào đối tượng trẻ em từ 1 đến 3 tuổi tràn ngập thị trường những năm gần đây. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy chúng thực sự cần thiết hay giúp ích trong việc đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Không những thế, chúng thậm chí còn làm giảm cảm giác ngon miệng và có thể khiến trẻ không mấy hứng thú với các loại thực phẩm khác.
Những trẻ có nguy cơ bị thiếu hụt dinh dưỡng có thể cần được bổ sung bằng thực phẩm chức năng dưới dạng tốt hơn những loại sữa uống này.
2. Trẻ độ tuổi chập chững biết đi có thể thay thế sữa bằng thực phẩm khác
Nhiều cha mẹ có con 1 tuổi trở lên chuyển từ cho con bú mẹ sang bú bình băn khoăn lượng sữa tươi hay sữa công thức mà trẻ cần uống mỗi ngày là bao nhiêu?
Tuy nhiên, hướng dẫn cách sử dụng sữa của Australia cho trẻ độ tuổi này khuyến nghị, chỉ 1-1,5 khẩu phần sữa mỗi ngày (một khẩu phần tiêu chuẩn tương đương 250ml sữa, 40g pho mát, 200g sữa chua). Phần lớn trẻ độ tuổi chập chững biết đi dễ dàng đáp ứng yêu cầu này từ thực phẩm và không cần uống một lượng sữa lớn.
Những trẻ không thích uống sữa và ăn các sản phẩm từ sữa có thể đáp ứng nhu cầu canxi từ những thực phẩm như bơ hạnh nhân, cá với xương mềm như cá sardine, cá hồi hay đậu phụ…
3. Trẻ độ tuổi chập chững biết đi không nên bú bình nữa
Tiếp tục cho bé bú bình một khi răng sữa trên và những răng khác đã mọc dễ làm trẻ tăng nguy cơ bị sâu răng. Các nha sĩ khoa nhi đều khuyên phụ huynh cho trẻ bỏ bú bình càng sớm càng tốt - trước hoặc quanh khoảng thời gian bé sinh nhật 1 tuổi là tốt nhất.
Hướng dẫn cách sử dụng sữa của Australia cũng khuyến nghị, sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh chỉ nên sử dụng tới khi trẻ 12 tháng tuổi. Việc bỏ cả sữa công thức lẫn bú bình và cho trẻ ăn dặm giúp giảm nguy cơ phụ thuộc vào việc phải uống hết bình sữa trước giờ đi ngủ mới ngủ được. Các chuyên gia khuyên thời gian lý tưởng để bắt đầu chuyển đổi dần thói quen bú bình là từ 9 tháng tuổi.
Chấm dứt bú bình càng sớm càng tốt (Ảnh minh họa).
4. Trẻ độ tuổi chập chững biết đi không cần các loại đồ uống tương tự thay thế sữa
Nhiều gia đình chuyển sang cho trẻ dùng đồ uống giống sữa được làm từ các loại hạt hoặc ngũ cốc, như sữa hạnh nhân, sữa yến mạch… Các chuyên gia Australia cho rằng việc làm này không cần thiết và trẻ không cần phải uống chúng theo thời khoá biểu.
Nếu bố mẹ chọn cách bổ sung những đồ uống này vào chế độ ăn của trẻ, điều quan trọng là phải kiểm tra những nhãn hàng có bổ sung canxi (ít nhất 100g/100ml) và lượng đường có trong đó là bao nhiêu.
5. Trẻ độ tuổi chập chững biết đi không cần phải dừng bú mẹ
Giá trị của việc bú mẹ trong năm thứ 2 và tiếp sau đó không chỉ dừng lại ở mặt dinh dưỡng. Không giống các sản phẩm thay thế khác, sữa mẹ tiếp tục hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ, đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu và sự kết nối giữa mẹ và con. Đồng thời, sữa mẹ còn cung cấp một loạt yếu tố không có trong những loại sữa khác như sữa công thức, sữa hạnh nhân, sữa làm từ các loại hạt...
Một đứa trẻ độ tuổi chập chững biết đi được bú mẹ sẽ hấp thụ được lượng dinh dưỡng hàng ngày đáng kể mà không gặp rắc rối gì, vì vậy bạn có thể tập trung vào việc giúp bé khám phá trải nghiệm ăn uống cùng gia đình mà không bị áp lực về việc phải cho con ăn gì, không ăn gì.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên các bà mẹ cho con bú tới khi trẻ 3 tuổi và sau đó. Vậy nên, nếu việc này phù hợp với gia đình bạn, chẳng có lý do gì để không duy trì cả.
Nguồn: Belley