Khủng hoảng ngủ ở trẻ là gì và 5 gợi ý giúp cha mẹ vượt qua giai đoạn đầy "giông bão" này
Nếu không hiểu về giai đoạn này, mẹ thường dễ "khủng hoảng" theo con vì lo lắng và mệt mỏi do thiếu ngủ thường xuyên.
Các mẹ có con trong các độ tuổi: 4 tháng, 7-9 tháng và khoảng quanh mốc 12 tháng thường xuyên có những câu hỏi và băn khoăn quanh giấc ngủ của con. Chuyện gì đang xảy ra ở các nhóm tuổi này? Parent Coach Tú Anh Nguyễn cho biết, ngoài Tuần khủng hoảng – Wonder Weeks, thì còn một "thể loại" khủng hoảng nữa, đó là Khủng hoảng ngủ – Sleep Regression đấy.
Khủng hoảng ngủ, cụ thể là gì?
Khi con dần thiết lập được nếp sinh hoạt ổn định, với các giấc ngủ tương đối dài, không còn bú đêm thường xuyên, thậm chí có thể ngủ xuyên đêm 8-10 tiếng, bỗng nhiên con bắt đầu thức dậy vào giữa đêm mỗi 1-2 tiếng, phản kháng giấc ngủ ngày và thường xuyên cáu gắt. Nếu những dấu hiệu này trùng với các mốc thời gian: tháng thứ 4, thứ 8 hoặc 9, tháng thứ 12, và khoảng 18 tháng thì rất có khả năng cao con đang vào một đợt khủng hoảng ngủ.
Khủng hoảng ngủ có thể trùng hoặc không trùng với các giai đoạn Tuần khủng hoảng - Wonder Weeks đã được đề cập. Khủng hoảng ngủ thường xảy ra khi con chuẩn bị học được một kỹ năng mới: lật lẫy (4 tháng), bò trườn (7-9 tháng) và tập đi (12 tháng).
Ở những giai đoạn này, con phát hiện ra thế giới xung quanh bỗng trở nên vô cùng kỳ thú, bản thân mình cũng có những khả năng mới lạ, con tò mò nhìn ngắm, và tập luyện kỹ năng đến quên cả ngủ. Nếu không hiểu về giai đoạn này, mẹ thường dễ "khủng hoảng" theo con vì lo lắng và mệt mỏi do thiếu ngủ thường xuyên.
5 gợi ý giúp mẹ vượt qua khủng hoảng ngủ cùng con
1. Hiểu về khủng hoảng ngủ:
Nếu không biết về khủng hoảng ngủ, bố mẹ có thể nghĩ rằng con đói, con thiếu canxi (nhất là ở giai đoạn 4 tháng khi con có thể bắt đầu rụng tóc). Thực tế không phải như vậy. Đầu tiên mẹ cần kiểm tra và loại trừ các nguyên nhân có thể làm con quấy khóc và ngủ không ngon giấc như: bệnh, côn trùng đốt hay sốt mọc răng.
Các giai đoạn khủng hoảng ngủ thường kéo dài trong vòng 1 tuần đến 1 tháng; cũng có khi kéo dài tận 6 – 8 tuần. Đôi khi sau 1 đợt khủng hoảng ngủ, con có thể chuyển qua thức được dài hơn vào ban ngày, và giảm bớt giấc ngủ ngày.
Không có cách nào để "chữa" được khủng hoảng ngủ. Mẹ hãy cho con thời gian, khi nào con thuần thục các kỹ năng mới và đã quen với việc thức được nhiều hơn, con sẽ bớt dần và tự hết khủng hoảng ngủ.
2. Điều chỉnh giờ ngủ linh hoạt:
Hầu hết các em bé sẽ ngủ ba giấc vào ban ngày, cho đến khoảng 4 tháng tuổi. Khi con chạm mốc khủng hoảng ngủ 4 tháng, có thể con sẽ kháng cự giấc ngủ ngắn cuối ngày. Lúc này, mẹ hãy linh hoạt điều chỉnh bỏ giấc ngủ cuối và cho con đi ngủ đêm sớm hơn. Mục đích cuối cùng là cố gắng duy trì tổng thời gian ngủ trong vòng 24 giờ được đủ nhất theo độ tuổi của con.
3. Cho con ngủ bù vào ban ngày, nếu giấc đêm bị gián đoạn:
Tổng thời gian ngủ trong 24 giờ mỗi ngày rất quan trọng để trí não con được nghỉ ngơi đầy đủ, tránh tình trạng bị kích thích quá mức. Vì vậy, nếu sau một đêm mẹ quan sát thấy con ngủ không yên, không sâu giấc, hãy linh hoạt cho con được ngủ bù vào các giấc ngày hôm sau bằng cách chủ động rút ngắn thời gian thức giữa các giấc ngày, cho con đi ngủ sớm hơn, và có thể tăng thêm một giấc ngủ ngắn nếu cần thiết.
4. Sử dụng các công cụ hỗ trợ:
Tạo cho con một môi trường ngủ thoải mái và lý tưởng nhất, tránh các tác nhân gây kích thích, cũng là một cách để con ngủ tốt hơn trong giai đoạn khủng hoảng ngủ: phòng ngủ mát lạnh, dùng rèm chắn sáng, mở tiếng ồn trắng (whitenoise) hoặc nhạc ru ngủ du dương để giúp con nối các chu kỳ ngủ khi con tỉnh giấc giữa chừng. Ti giả cũng là một công cụ trấn an giúp con dễ ngủ hơn.
5. Tránh thiết lập các thói quen xấu:
Với việc con khó ngủ và ngủ không ngon, gia đình thường sẽ rất lo lắng và có xu hướng muốn làm mọi cách để giúp con ngủ. Tuy nhiên, cần tránh thiết lập các thói quen không tốt mới, cho con ngủ ở những nơi không phù hợp trong nhà. Thay vào đó hãy bắt đầu thiết lập chu trình ngủ nhất quán, đúng giờ, tạo thói quen tốt để làm tiền đề tập cho con tự ngủ trong tương lai gần.
Tú Anh Nguyễn là tác giả sách nuôi dạy con: "Làm mẹ rất vui" và "Hiểu con để dạy con tích cực". Với chuyên môn trong lĩnh vực Tâm lý học trẻ em, công việc của chị là Parent Coach – Chuyên gia tư vấn phụ huynh với chứng chỉ từ Academy for Coaching Parents International (ACPI); đồng thời là Certified Positive Discipline Parent Educator – Chuyên gia đào tạo phụ huynh về dạy con tích cực với chứng chỉ được cấp bởi tổ chức Positive Discipline Association.
Là mẹ của hai bạn nhỏ, sống tại TP.HCM, chị Tú Anh đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học, hỗ trợ để các phụ huynh có thể trở thành cha mẹ tích cực, vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Tú Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.