Đừng la mắng khi con không chịu đi ngủ sớm vì lỗi là ở cha mẹ chứ không phải con!
Có một sự thật là các con không có làm gì sai cả, nên thật tội con khi mẹ la mắng, dọa dẫm thì con cũng không thể ngủ sớm hơn được.
Mình là một người mẹ kiên định theo trường phái "Cho con đi ngủ sớm", dù không ít lần phải nghe người lớn tuổi nửa đùa nửa thật rằng: "Trẻ con nhà đấy cứ sập tối là phải đi ngủ rồi, chả được chơi bời gì cả!"; và việc cho con đi ngủ sớm cũng sẽ gây ảnh hưởng đôi chút nếu vợ chồng mình muốn cùng nhau ra ngoài ăn tối chơi bời, vì hơi phụ thuộc vào việc đi ngủ của con. Nhưng, việc đi ngủ sớm của con là quan trọng nhất, con ngủ xong mẹ mới đi chơi!
Vì sao nên cho con đi ngủ sớm?
Nếu mà liệt kê dẫn chứng khoa học, tác dụng về mặt sức khỏe khi con đi ngủ sớm thì đã quá nhiều bài nói đến rồi. Cá nhân mình thấy những lợi ích thực tế trước mắt bản thân mình nhận được khi con đi ngủ sớm là:
Sau một ngày dài làm việc, chơi cùng con, khi con đi ngủ sớm, mẹ sẽ có thêm một vài tiếng tĩnh tâm nghỉ ngơi, "me-time", làm việc riêng.
Con đi ngủ sớm, bố mẹ sẽ có thời gian dành riêng cho nhau, gắn kết tình cảm vợ chồng.
Con đi ngủ sớm, bố mẹ sẽ không phải "nhờ cậy" tivi, điện thoại, ipad trông con buổi tối giúp.
Con đi ngủ sớm và ngủ đủ, buổi sáng con sẽ tràn đầy năng lượng, vui vẻ tích cực khi đến trường đến lớp, tránh được tình trạng con mệt mỏi, quấy khóc do ngái ngủ.
Khi con đi ngủ lúc 7-8 giờ tối, con thường dậy lúc 6g-6.30 sáng. Mà con đi ngủ lúc 11 giờ đêm, con cũng dậy lúc 6g30 sáng. Vậy tại sao không cho con đi ngủ sớm?
Khi con ngủ sớm và dậy sớm đầy sảng khoái, bố mẹ có thể chơi cùng với con vào buổi sáng sớm, đi dạo, tập thể dục trước khi ăn sáng và đến trường. Đằng nào thì khi đến tuổi đi học, con cũng sẽ phải dậy sớm. Nếu hình thành được nếp sinh hoạt này từ đầu chẳng phải sẽ có lợi về lâu dài sao?
Giờ đi ngủ lý tưởng của các bạn nhỏ nên trong khoảng 7 – 8.30g tối. Có khả thi không?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể, nếu bố mẹ hiểu về khoa học giấc ngủ ở trẻ nhỏ và nhu cầu ngủ của bản thân con. Từ khoảng 18 tuổi đến dưới 3 tuổi, các em bé sẽ cần ngủ một giấc ngắn ban ngày. Từ lúc thức dậy vào buổi sáng, con cần thức để chơi và vận động, ăn uống trong khoảng 5 – 5,5 tiếng, sau đó đi ngủ trưa 1 – 2 tiếng tối đa. Từ lúc thức dậy sau giấc ngủ trưa, con sẽ thức khoảng 6-6,5 tiếng, chơi và vận động đủ mệt, con sẽ có thể đi ngủ sớm và ngủ ngon.
Sẽ có những bạn nhỏ có nhu cầu ngủ nhiều và dễ ngủ, nhưng cũng sẽ có những bạn nhỏ có nhu cầu ngủ ít hơn một chút và hơi khó ngủ. Với những bạn ngủ ít, thường từ khoảng gần 3 tuổi trở đi, con sẽ không thật sự cần phải ngủ trưa nữa.
Vì sao con không chịu đi ngủ sớm?
Có vài phụ huynh có con trong khoảng 3 tuổi nhắn tin cho mình, các mẹ rất căng thẳng và mệt mỏi vì tối nào 2 mẹ cũng mất 2-3 tiếng đồng hồ từ đọc sách, hát ru, kể chuyện, vỗ về mà mãi con không chịu ngủ, còn mẹ thì đã mệt rã rời sau cả một ngày dài. Hôm nào cũng mãi 10 – 11g đêm con mới chịu ngủ, sau khi mẹ đã hết chịu nổi, quát mắng, giận dỗi, hù họa, to tiếng… thì cuối cùng con đi ngủ trong cơn nức nở khóc lóc. Giờ đi ngủ mỗi ngày không còn là giờ vui vẻ nữa, mà là khoảng thời gian căng thẳng của con và mệt mỏi của mẹ.
Có một sự thật là các con không có làm gì sai cả, nên thật tội con khi mẹ la mắng, dọa dẫm thì con cũng không thể ngủ sớm hơn được. Lí do là vì con đã ngủ trưa quá nhiều và dậy muộn từ giấc ngủ trưa. Các bạn nhỏ trong trường hợp trên thường ngủ trưa 3 giờ đồng hồ, và ngủ mãi đến tận hơn 3 giờ chiều mới dậy.
Con cần phải thức ít nhất 7 tiếng đồng hồ thì con mới có thể đi ngủ lại được. Nhưng đây cũng là một tình huống rất khó xử, vì các con ngủ nhiều như vậy khi đi học ở trường mẫu giáo, và đôi khi mẹ không thể yêu cầu các cô ở trường điều chỉnh thời gian ngủ trưa của con.
Mình có trò chuyện và khuyên các mẹ thử quan sát vào những ngày cuối tuần khi con không đi học, buổi trưa không ép con ngủ, cứ để con chơi thoải mái theo ý con. Thì 100% các mẹ đều trả lời rằng, buổi tối con tự giác ngủ từ khoảng 7 rưỡi đến 7 giờ sáng hôm sau, rất vui vẻ và hợp tác.
Vậy rõ ràng, nếu không ngủ trưa, con ngủ hẳn 11 tiếng/ đêm. Nếu có ngủ trưa, con ngủ 3 tiếng ban ngày và 8 tiếng ban đêm. Tức là nhu cầu ngủ 1 ngày của con không thay đổi, chỉ là cách phân bổ thời lượng các giấc ngủ của con do người lớn sắp xếp thôi.
Ở các trường chuẩn quốc tế thì từ lúc 5-6 tuổi, các con đã hoàn toàn không còn ngủ trưa. Thay vào đó, các bạn sẽ học một lèo từ sáng đến 3 giờ chiều, về nhà vui chơi, nghỉ ngơi, ăn uống và đồng loạt đi ngủ đêm vào lúc 7.30 – 8g tối.
Sau khi mình chia sẻ những điều này thì các mẹ đều rất thoải mái tư tưởng khi hiểu rằng đi ngủ muộn không phải do con cố tình. Và chúng ta có thể tự điều chỉnh giúp con đi ngủ sớm được. Tuy nhiên, chỉ có một thử thách chút xíu với giấc ngủ trưa ở trường thôi, hi vọng các mẹ có thể thuyết phục được cô giáo hợp tác cùng 🙂
Ngoài ra, còn có một trường hợp nữa là: càng thức khuya, càng thiếu ngủ, con càng khó ngủ và ngủ không ngon giấc. Trẻ toddler cần được ngủ ít nhất 12 giờ/ ngày để đảm bảo tinh thần sảng khoái nhất. Nên bố mẹ hãy giúp con tập ngủ sớm để con được ngủ đủ và ngủ ngon.
Tú Anh Nguyễn là tác giả sách nuôi dạy con: "Làm mẹ rất vui" và "Hiểu con để dạy con tích cực". Với chuyên môn trong lĩnh vực Tâm lý học trẻ em, công việc của chị là Parent Coach – Chuyên gia tư vấn phụ huynh với chứng chỉ từ Academy for Coaching Parents International (ACPI); đồng thời là Certified Positive Discipline Parent Educator – Chuyên gia đào tạo phụ huynh về dạy con tích cực với chứng chỉ được cấp bởi tổ chức Positive Discipline Association.
Là mẹ của hai bạn nhỏ, sống tại TP.HCM, chị Tú Anh đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học, hỗ trợ để các phụ huynh có thể trở thành cha mẹ tích cực, vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Tú Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.