Không phải con hư đâu, có những trường hợp bố mẹ đã mắng oan đấy!
Rất nhiều hành vi của trẻ bị coi là "nghịch ngợm", thậm chí bị người lớn mắng là "con hư" nhưng thực sự đó là sự phát triển tự nhiên của trẻ.
1. Những cơn bốc đồng không được kiểm soát
Đã bao giờ bạn nói với con rằng "Đừng ném!" và chúng cứ ném? Các nghiên cứu cho thấy vùng não liên quan đến việc tự chủ của trẻ chưa trưởng thành cho đến khi hết tuổi thiếu niên. Điều này giải thích tại sao việc phát triển sự tự chủ lại là một quá trình rất dài và chậm.
Theo một cuộc khảo sát gần đây tại Mỹ, 56% cha mẹ cảm thấy trẻ em dưới 3 tuổi thường vi phạm những điều mà chúng bị cấm làm. Việc biết rằng trẻ em không thể quản lý cảm xúc và những cơn bốc đồng của mình sẽ giúp cho cha mẹ phản ứng nhẹ nhàng hơn với các hành vi của con và không mắng oan "con hư" nữa.
Nắm bắt được sự phát triển tâm lý của trẻ sẽ giúp bố mẹ cư xử bao dung hơn (Ảnh minh họa).
2. Không có "thời gian lắng"
Khi bạn đưa con đi chơi, đứa thì nhõng nhẽo, khóc lóc; đứa lại chạy nhảy tứ tung, hiếu động thái quá. Đó chính là lúc chúng "xả" những dồn nén suốt nhiều ngày của mình.
Các nhà khoa học lập luận rằng trẻ em trải qua một "phản ứng căng thẳng tích lũy" từ việc học tập nhiều, các hoạt động, các lựa chọn và trò chơi liên tục. Trẻ cần rất nhiều "thời gian lắng" (down-time) để cân bằng lại "thời gian hoạt động quá mức" của chúng. Khi chúng ta tạo điều kiện cho trẻ có nhiều thời gian yên tĩnh, cân bằng thời gian chơi và thời gian nghỉ ngơi, hành vi của trẻ thường sẽ được cải thiện đáng kể.
3. Thiếu các điều kiện thiết yếu
Trẻ em bị tác động mạnh gấp 10 lần người lớn khi thiếu các "điều kiện thiết yếu" như mệt mỏi, đói, khát hoặc ốm.
Nhiều phụ huynh cũng nhận thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của trẻ khoảng một giờ trước bữa ăn, khi thức dậy vào nửa đêm, hoặc khi chúng bị bệnh. Không phải lúc nào chúng cũng biết cách nhờ sự giúp đỡ hoặc "tự giúp mình" bằng một bữa ăn nhẹ, nước uống hoặc một giấc ngủ ngắn như người lớn vẫn làm.
4. Biểu hiện cảm xúc dữ dội
Người lớn được dạy cách kìm nén và che giấu các cảm xúc mạnh của mình. Trẻ em thì chưa thể làm được điều đó. Các chuyên gia gợi ý cha mẹ một cụm từ tuyệt vời khi trẻ thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ như la hét hoặc khóc là "Hãy cảm nhận!": không phản ứng hoặc trừng phạt trẻ khi chúng biểu lộ những cảm xúc mạnh mẽ.
Trẻ em chưa biết cách che giấu cảm xúc như người lớn (Ảnh minh họa).
5. Nhu cầu phát triển tâm lý bên trong cần rất nhiều sự vận động bên ngoài
Trẻ có nhu cầu vận động rất nhiều để phát triển thể chất và đặc biệt là trí tuệ. Chúng muốn được chơi không chỉ trong nhà mà cả ở ngoài trời. Thay vì gọi một đứa trẻ là xấu, là hư khi chúng đang vận động 1 cách đầy năng lượng, tốt hơn là chúng ta nên cho chúng đến sân chơi hoặc đi dạo quanh 1 vòng quanh khu nhà mình để trẻ giải toả năng lượng.
6. Muốn tự lập
Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, trẻ mới biết đi muốn thử tự làm mọi việc và trẻ mầm non muốn chủ động thực hiện kế hoạch của chính mình. Chúng muốn tự cắt tóc hoặc tạo ra một pháo đài những chiếc gối giữa sân, lau nhà bằng cách đổ nước ngập sàn,… Mặc dù những việc này sẽ gây rắc rối cho bố mẹ nhưng sự thật là chúng đang hành động đúng độ tuổi để trở thành 1 người tự chủ và độc lập.
7. Khi điểm mạnh là điểm yếu
Một số người có khả năng tập trung trong công việc, nhưng điều đó lại khiến cho họ khó có thể chuyển sang việc khác 1 cách nhanh chóng hoặc làm nhiều việc cùng 1 lúc. Có người rất nhạy cảm với cảm xúc của mình, nhưng lại cực kỳ thờ ơ cảm xúc của người khác. Trẻ em cũng tương tự. Chúng có thể là "trùm" ở trường, nhưng lại gặp khó khăn trong việc đối phó với những vấn đề của chính mình; có thể rất thận trọng, nhưng lại không dám tham gia các hoạt động mới...
Những hành vi chưa tốt của trẻ thực ra chỉ là mặt trái thế mạnh của chúng, cũng giống như người lớn vậy.
Khi trẻ bị ốm đau, đói hoặc khát quá, chúng cũng thường có những phản ứng "không ngoan" (Ảnh minh họa).
8. Luôn muốn được bố mẹ chú ý
Con bạn bôi đầy sữa chua lên mặt, muốn bạn chơi trò đuổi bắt khi bạn đang cố gọi con đi đánh răng, hoặc con đi giày của bố mẹ thay vì đi giày của mình trong khi bố mẹ đang rất vội đi làm. Một số hành vi bị coi là hư, là xấu của trẻ thực ra chỉ nhằm mục đích để bạn chơi với chúng.
Nếu cha mẹ dành nhiều thời gian chơi với con, trẻ sẽ không cần phải cầu xin hay dùng chiêu trò nữa. Chúng sẽ ngoan ngoãn nghe theo yêu cầu của bạn vì chúng biết còn thời gian khác để chơi và có được sự chú ý của bố mẹ.
9. Lây nhiễm cảm xúc từ cha mẹ
Nhiều nghiên cứu về tình trạng lây nhiễm cảm xúc đã chỉ ra rằng chỉ mất vài mili giây để những cảm xúc như sự hào hứng và niềm vui; nỗi buồn, sự sợ hãi, tức giận từ người này truyền sang người kia. Trẻ em đặc biệt nhạy cảm và dễ bị lây nhiễm tâm trạng từ cha mẹ. Nếu chúng ta căng thẳng, bị phân tâm, thất vọng hoặc luôn luôn trong tình trạng chán nản, trẻ sẽ bắt chước những tâm trạng này. Thay vào đó, khi chúng ta thanh thản và thân thiện, trẻ sẽ mô phỏng trạng thái đó.
10. Do bố mẹ không nhất quán
Bạn hứa mua con 1 gói socola nếu con thắng trong một trận đấu bóng, nhưng sau đó, bạn lại nói: "Không được, nó sẽ làm con không chịu ăn tối mất!". Hoặc bạn thường kể cho con 3 câu chuyện trước khi đi ngủ, nhưng một lần, bạn chỉ có thời gian để kể 1 chuyện thôi... Khi cha mẹ không nhất quán với các giới hạn mình đặt ra, nó sẽ khiến trẻ trở nên thất vọng, khóc hoặc la hét.