Đừng vội nói con hư, đây mới là căn nguyên của những trận khóc lóc, ăn vạ, mè nheo...
Hiểu được tâm lý và các mốc phát triển của trẻ sẽ giúp bố mẹ không trách oan "con hư" và biết cách ứng xử tích cực hơn.
Trong suy nghĩ của nhiều bố mẹ thì trẻ chập chững biết đi là những đứa trẻ nghịch ngợm, hiếu động hay luôn luôn chống đối... Nhưng các nghiên cứu cho thấy không hẳn vậy. Trẻ mới biết đi hành động như thế đơn giản vì đó là cách thể hiện mong muốn cá nhân trong điều kiện bé chưa đủ khả năng để diễn đạt cho người lớn hiểu được. Vì vậy, đừng vội trách "con hư" mà hãy tìm hiểu những vấn đề sau:
Trẻ ném đồ chơi linh tinh, tức giận và ăn vạ bố mẹ mà chẳng hiểu lý do vì sao
Nếu bố mẹ dừng lại và nghĩ về khoảng thời gian trẻ thường có những cơn cáu giận thì đó chắc chắn là những khoảng thời gian bé bận rộn với nhiều công việc.
Trong thực tế, những cơn tức giận này thường là những vụ khủng hoảng do bị kích thích quá mức hoặc do trẻ không thể điều khiển được cảm xúc. Chúng ta sống trong một xã hội mà mọi thứ đều vội vã, thiết bị điện tử và tiếng ồn ở khắp nơi, đông đúc và chật chội. Ngay cả người lớn cũng có lúc cảm thấy quá tải. Đối với trẻ mới biết đi, những cảm giác này có thể là quá sức chịu đựng.
Trẻ không điều khiển được cảm xúc của mình (Ảnh minh họa).
Chính vì vậy, không phải trẻ đang cố gắng chọc tức bố mẹ bằng những hành vi như ăn vạ, ném đồ chơi khắp nơi đâu. Bạn có thể giúp trẻ hạn chế điều này bằng cách lập kế hoạch trước, nghỉ ngơi và khi mất bình tĩnh vì bị kích động thì cố gắng đi chơi cho thoải mái.
Chống đối lại yêu cầu của bố mẹ
Bố mẹ nói không ném bóng nhưng trẻ lại ném, yêu cầu bé đừng nhảy ra khỏi ghế thì bé lại nhảy… trẻ chập chững biết đi rất hay làm trái lại lời người lớn nói.
Bố mẹ thiết lập ranh giới và các quy tắc về an toàn nhưng trẻ mới biết đi lại không thể tự điều khiển được hành vi. Chúng không coi thường những điều đó mà vì trẻ không thể kiểm soát được các hành động như ném một quả bóng, nhảy, chạy hay nhận tín hiệu.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc não của trẻ chưa hoàn thiện. Các vùng não có trách nhiệm tự kiểm soát hành động dần dần phát triển và hoàn thiện khi trẻ lớn hơn, đó là lúc khoảng 4 tuổi.
Điều này không có nghĩa là bố mẹ bỏ qua các quy tắc và ranh giới an toàn cho đến khi trẻ lớn. Bố mẹ cần phải duy trì sự nhất quán và hi vọng cải thiện hành động thực tế của bé dần dần.
Thể hiện cảm xúc thái quá
Trẻ tập đi có thể có những biểu hiện cảm xúc hơi thái quá nên bố mẹ nghĩ trẻ nghịch ngợm, hư hỏng, tìm kiếm sự chú ý…
Sở dĩ có điều này vì trẻ có cảm xúc đó nhưng lại không biết cách để thể hiện. Người lớn không nhảy lên và xuống khi đang ăn tại nhà hàng vì có những quy tắc ứng xử chung. Trái lại, trẻ tập đi không thể điều chỉnh cảm xúc. Trẻ chỉ học cách giao tiếp để có thể diễn đạt cảm xúc, điều này dẫn đến nhiều thất vọng và biểu thị những hành động thái quá.
Khóc khi đói, khi buồn ngủ và khi các nhu cầu vật lý chưa được đáp ứng
Khi đói, người lớn cũng cảm thấy mất kiên nhẫn và mệt mỏi nên với trẻ nhỏ, việc kiềm chế cảm xúc khi đói, khi buồn ngủ sẽ khó khăn hơn nhiều.
Bé được đáp ứng quá trễ chứ không phải vì "con hư" như nhiều người vẫn nghĩ (Ảnh minh họa).
Chính vì vậy, trẻ đói cồn cào đòi ăn nhưng khi được cho ăn vẫn khóc ngằn ngặt mà bố mẹ chẳng hiểu vì sao. Đơn giản bởi, bé được đáp ứng quá trễ chứ không phải vì "con hư" như nhiều người vẫn nghĩ.
Để trẻ tránh rơi vào trạng thái này, bố mẹ nên nhận biết sớm các biểu hiện của trẻ khi đói, khi mệt, khi buồn ngủ để đáp ứng kịp thời.
Càng khi bố mẹ mệt thì càng mè nheo, ăn vạ, khóc lóc
Bạn trải qua một ngày dài bận rộn, không có thời gian nghỉ ngơi nên sẽ cảm thấy căng thẳng khi về nhà. Hơn ai hết, con bạn là người cảm nhận rõ nhất điều này.
Trẻ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cảm xúc của bố mẹ (Ảnh minh họa).
Nhưng nếu bé chỉ cảm nhận và biết rằng bạn đang mệt mỏi thôi thì không vấn đề gì. Trẻ chập chững biết đi là những chuyên gia trong việc bắt chước. Trẻ sẽ nhanh chóng hành xử theo cách mệt mỏi, căng thẳng của bố mẹ. Ngay cả khi bố mẹ đang xử lý căng thẳng tốt, nó vẫn có thể ảnh hưởng đến hành vi của con bạn.
Điều này không có nghĩa là bố mẹ nên che giấu cảm xúc của mình. Nhân cơ hội này bố mẹ hãy tận dụng để làm mẫu cho trẻ về việc xử lý cảm xúc, qua đó giúp bé có thể che giấu tâm trạng tốt hơn.
Chạy và chơi không ngừng
Thật lãng phí công sức khi yêu cầu một đứa trẻ ở tuổi chập chững biết đi ngồi yên một chỗ. Khi bạn phải lặp lại yêu cầu con ngồi yên ở bàn ăn đến lần thứ 10, bạn bắt đầu cảm thấy mất kiên nhẫn và cho rằng con quá bướng bỉnh.
Trẻ chạy nhảy mọi lúc mà không thấy mệt (Ảnh minh họa).
Cơ thể và trí não trẻ luôn phát triển không ngừng. Ngay cả khi trẻ muốn làm theo yêu cầu của bố mẹ, cơ thể và bộ não của trẻ vẫn tiếp tục điều khiển chúng di chuyển bởi đó là cách để cơ và sự phối hợp các kỹ năng của trẻ tiếp tục phát triển. Trẻ cần được chạy và chơi không ngừng bởi nhu cầu đó rất cần thiết đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Nguồn: Belly