Khi trẻ thơ biết ra điều kiện

Theo Dân trí,
Chia sẻ

Dường như thời đại thay đổi thì suy nghĩ của trẻ thơ cũng không còn như cũ.

Từ đáp ứng đầy đủ đến ra điều kiện

Là con của một gia đình giàu có, Quỳnh Anh (học sinh lớp 2 trường tiểu học Trưng Vương) được bố mẹ không tiếc tiền cho tham gia học các lớp học thêm ở trường mà cháu thích. Ngoài học ở trường, vốn là đứa bé rất linh hoạt và có năng khiếu học ngoại ngữ, Quỳnh Anh còn được mẹ cho học tiếng Anh tại Apollo với học phí khá cao.

Nhưng với một cô bé năng động và ham học hỏi như Quỳnh Anh thì như vậy vẫn là chưa đủ. Khi biết ở nhà văn hóa Quận có thông báo về lớp học sáng tạo với mức học phí những 5 triệu đồng/tháng, Quỳnh Anh chẳng hề ngần ngại lại xin mẹ đi học. Chỉ cần suy nghĩ một chút, mẹ cháu cho rằng lớp học này rất có lợi cho kĩ năng sống của con nên tiếp tục đầu tư để Quỳnh Anh đi học mà không cần băn khoăn về học phí.

Vẫn chưa dừng lại ở đó, một hôm chị L. mẹ của Quỳnh Anh bất ngờ khi con gái vừa đi học về lại xin mẹ cho đi học theo hình thức dã ngoại tại Singapore. Hơi giật mình với mong muốn táo bạo của con và cũng không yên tâm để cô con gái mới 8 tuổi đi xa mà không có bố mẹ bên cạnh, chị không đồng ý.

Quỳnh Anh rất thất vọng, song không vì vậy mà nản chí. Hàng ngày, mỗi khi mẹ sai làm gì, Quỳnh Anh đều ra điều kiện: “Con làm xong thì mẹ cho con đi Singapore, mẹ nhé!”. Thậm chí, mỗi khi dỗ ăn cơm cháu cũng đặt điều kiện với mẹ “Con ăn hết chỗ này mẹ hứa sẽ cho con đi được không?”

Thấy con không từ bỏ ý định, chị L. phải giải thích với con rằng: Quỳnh Anh còn quá nhỏ, đi bây giờ không có ai chăm sóc, không có ai theo để cho con ăn hay dẫn đường cho con đi, lỡ có việc gì mẹ không an tâm. Nghe mẹ nói như vậy Quỳnh Anh không đòi nữa, song cháu vẫn có vẻ rất tiếc.


Giờ đây, khi nhận xét về trẻ thơ, người lớn chỉ tặc lưỡi“bây giờ chúng nó khôn quá”.
(Ảnh mang tính chất minh họa)

Trường hợp của cháu N. (3 tuổi) thì khác. Mặc dù mới chỉ học mẫu giáo nhưng cháu có rất nhiều những yêu sách với bố mẹ mỗi khi đi học về. Những yêu sách đó phần lớn phát sinh từ ở lớp và theo nhu cầu của bạn bè. Mỗi chiều, khi mẹ đón N. từ trường về, cháu thường đòi mẹ mua cái này hay cái kia. Khi thì ‘mẹ mua kẹo dẻo có cái vỏ đẹp đẹp giống bạn Mến ở lớp cho con”, khi thì  "mẹ mua búp bê baby có cả váy cô dâu cho con”, mẹ bảo đi đâu thì bắt mẹ cam kết “mẹ phải mua cho con thì con mới đi”. Nếu không mua thì mỗi sáng đi học bé đều nhõng nhẽo đòi cho bằng được, không đáp ứng thì khóc lóc, phải dùng biện pháp mạnh mới chịu đi học.

Tình trạng này kéo dài khiến mẹ bé không chịu nổi. Một mặt chị vẫn mua, nhưng mặt khác vẫn phải răn “đây là con búp bê cuối cùng con được đòi mẹ”. Rồi những cái khác, như bút màu, bút vẽ, dù con đi học chị không để cho bé thiếu, song bút màu mà mẹ mua cho không giống với các bạn ở lớp nên bé lại đòi mua cái khác giống với các bạn mà không chịu dùng cái cũ.

Đồng ý liệu có phải là giải pháp tốt?

Quay lại chuyện của Quỳnh Anh. Vốn biết mẹ có điều kiện lại chiều con gái, nên bé thường không bao giờ "đắn đo"cả khi muốn mua những món đồ đắt tiền. Búp bê baby dù đã có rất nhiều, nhưng mỗi khi theo mẹ đến siêu thị Tràng Tiền, Quỳnh Anh không ngần ngại nhặt thêm hộp búp bê chưa có trong bộ sưu tập của mình với giá 800 nghìn đồng bỏ vào giỏ, rồi cả bộ lego giá mấy trăm nghìn...

Đó là chưa kể, ở nhà cháu còn đòi mẹ cho số tài khoản để đăng kí trò chơi trên mạng.Có lần không có mẹ ở nhà, nhưng thấy thích một trò chơi mới Quỳnh Anh tự ý đăng kí 6 trò chơi một lúc khiến sau đó tài khoản của mẹ bị trừ 800 nghìn đồng một tháng. Khi phát hiện được điều này, chị L. tuy có tỏ ra"nghiêm khắc" hơn với con, song vẫn cho rằng con mình là đứa trẻ lanh lợi, thông minh và biết thích ứng nhanh.

Nhưng chị H. mẹ của bé N. lại không nghĩ những đòi hỏi đó của con mình là những biểu hiện tốt. Chị hiểu rằng, nếu để cứ để kéo dài như thế,có thể bé sẽ không hiểu được giá trị những thứ mình đã có. Hơn nữa khi đã đòi được cái này, chắc chắn bé sẽ đòi tiếp cái khác.

"Vì vậy mỗi khi con đòi cái gì tôi phải cân nhắc và thấy thật cần thiết thì mới mua, còn không thì bố mẹ mua cho cái gì biết cái đó”, chị H. nói và lưu ý thêm: Với trẻ con, khi đã hình thành một thói quen gì thì rất khó sửa. Nếu muốn các bé thay đổi,cha mẹ cần chú ý chấn chỉnh từ từ. Với những đòi hỏi không hay, tốt nhất chúng tanên cân nhắc cẩn thận, không nên đáp ứng tất cả yêu cầu theo ý của trẻ.
Chia sẻ