Cha mẹ thật xấu!
Thật khó để cha mẹ có thể xác định điều gì trong cuộc sống làm họ trở nên không hoàn hảo, xấu đi trong mắt con trẻ.
Nghe con vừa khóc vừa nói như gào lên rằng: “Bố mẹ thật xấu! Bố mẹ thật đáng ghét!”, anh Trung và chị Thảo vô cũng bất ngờ. Từ trước đến nay anh chị luôn đáp ứng mọi đòi hỏi của con, hễ con đòi gì là được ấy. Chưa bao giờ anh chị cần biết con đòi những thứ đó để làm gì.
Như trường hợp của Tú Anh thì lại khác. Vì sợ con học đòi hư hỏng, chị Trâm và chồng ngày nào cũng quát mắng, la ó con. Đôi khi con chỉ phạm một lỗi nhỏ, anh chị liền “thưởng” cho con vài roi để quán triệt không được tái phạm. Thấy con sợ sệt và răm rắp nghe theo, hai anh chị cứ ngỡ rằng việc giáo dục con là tốt, cho đến một hôm nghe con sụt sùi nói với mấy đứa bạn: “Bố mẹ tớ thật đáng sợ!”, chị không khỏi ngỡ ngàng.
Thật khó để cha mẹ có thể xác định điều gì trong cuộc sống làm họ trở nên không hoàn hảo, xấu đi trong mắt con trẻ. Đôi khi việc bố mẹ nghĩ rằng điều đó thật là tốt cho con nhưng nó lại hoàn toàn khiến cho hình ảnh cha mẹ trở nên “méo mó” trong mắt trẻ.
Không dành thời gian cho con cái sẽ khiến cho con cảm thấy cô đơn và có thể tạo dấu ấn không tốt về cha mẹ trong suốt phần đời tiếp theo của cuộc đời con trẻ. Khi con cần có những chia sẻ và gặp phải một khó khăn chúng cần có sự giúp đỡ, tư vấn của cha mẹ, nếu cha mẹ không thể đáp ứng được điều đó có thể con cái một mặt không còn tin tưởng cha mẹ một mặt sẽ hình thành các hành vi xấu xuất phát từ thói quen xấu của cha mẹ.
Khi không hài lòng về con cái, cha mẹ không nên lạm dụng lời nói để mắng nhiếc hoặc dùng bạo lục thể chất đối với con cái, những điều này có ảnh hưởng rất tiêu cực đến cuộc sống và có thể rất gây tổn hại nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ. Trút bỏ sự thất vọng của mình lên con cái mà không để ý đến những tổn thương tâm lý của trẻ chính là điều làm cho hình ảnh cha mẹ trở nên rất xấu và tồi tệ.
Đôi khi trong cuộc sống, các bậc cha mẹ không tránh khỏi những lúc thất vọng về con cái từ đó dẫn đến chỉ trích và so sánh con mình với những đứa trẻ khác nhằm để con tiến bộ hơn. Tuy nhiên một điều mà cha mẹ không ngờ tới là chính sự nhiếc móc và so sánh đó sẽ gây ra nhiều tổn hại nặng nề cho tinh thần của con.
Một vấn đề nghiêm trọng nữa là cha mẹ thấy được khó khăn, rắc rối mà con đang gặp phải nhưng họ lại suy nghĩ rằng điều đó không có gì là quan trọng và đáng bận tâm. Sai lầm này khiến cho cha mẹ trở nên không toàn vẹn, lạc lõng và xa lạ với con cái. Điều này cũng khiến trẻ không bao giờ lắng nghe bất cứ ý kiến giáo dục nào sau đó từ cha mẹ.
Ranh giới góp phần hình thành tính cách tốt, xấu cho con là rất mong manh. Thậm chí có nhiều cha mẹ làm hư các con của mình và biến mình trở thành những ông bố, bà mẹ xấu ngay cả khi cha mẹ nghĩ rằng đó là tốt cho con. Do đó trong việc nuôi dạy con cái, cha mẹ cần tránh mắc phải những sai lầm khiến mình trở nên xấu đi trong mắt con trẻ.