Khám phá 9 điều thú vị về những cú đá của thai nhi trong bụng mẹ

Ngọc Anh,
Chia sẻ

Mẹ có biết rằng không chỉ biết đạp, thai nhi còn biết thực hiện một loạt các động tác như duỗi tay, vươn mình hay thậm chí là lộn nhào trong bụng mẹ.

Với mỗi bà mẹ thì cho dù thai nhi trong bụng đó là đứa con đầu tiên hay thậm chí là đứa con thứ tư thì họ vẫn luôn đong đầy cảm xúc trước mỗi “cú đá” của con. Có thể cảm nhận được con đang cuộn mình, vặn người, đấm, đá hay nấc cục trong bụng mẹ là một trong những kỉ niệm hạnh phúc nhất trong quá trình mang thai của các bà mẹ. Nó như một tín hiệu giao tiếp đầu tiên giữa mẹ và bé để nhắc mẹ rằng có một mầm sống kì diệu đang phát triển bên trong cơ thể mẹ. 

Vậy có khi nào các bà mẹ thắc mắc về những cú đạp đầy kỳ diệu của bé  không? Hãy cùng khám phá ngay 9 sự thật mà mẹ cần biết nhé.

1. Khi nào thì mẹ có thể cảm nhận được cú đá của bé?

Các bà mẹ mang thai lần đầu tiên sẽ cảm nhận được những “cú đạp” của bé muộn nhất vào tuần thứ 24 của thai kỳ. Nhưng sự thực là trước đó rất rất lâu, bé đã bắt đầu cử động rồi nhưng lúc đó, những cử động này vẫn còn khá yếu ớt nên mẹ chưa thể cảm nhận được điều đó mà thôi. Đôi lúc, trong những ngày đầu của thai kỳ, khi bé có những “cú máy nhẹ” trong bụng mẹ, mẹ sẽ không thể ngờ rằng đó là bé đang làm quen với mẹ mà lại nghĩ rằng có khi mẹ đang đói ấy chứ. Nhưng đối với các bà mẹ đã qua một hai lần sinh nở, mẹ sẽ phát hiện bé máy lần đầu tiên sớm hơn rất nhiều, có khi ở tuần thứ 12 của thai kỳ.

Thai nhi trong bụng mẹ

2. Tại sao bé lại “đá banh” trong bụng mẹ vậy?

Để phản ứng lại với những gì đang xảy ra trong bụng mẹ, bé thường có xu hướng di chuyển và vận động xung quanh “ngôi nhà riêng” của bé. Bất kỳ khi nào bé cảm thấy ồn ào hay muốn nhắc mẹ rằng bé cảm thấy hơi khó chịu khi mẹ ăn no quá hoặc mẹ ăn nhiều đồ cay, nóng thì bé đều thể hiện bằng cách đạp đạp đôi bàn chân để báo cho mẹ biết. 

Đồng thời, khi thai nhi càng phát triển thì bé càng muốn gồng mình, căng người, duỗi chân, duỗi tay để cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn. Vì vậy, nếu thấy bé đạp, mẹ có thể thay đổi tư thế, đi lại nhẹ nhàng,... để khiến bé dễ chịu hơn, không đạp nữa và thậm chí là đi vào giấc ngủ một cách ngon lành. Ngoài ra, mẹ cũng có thể tham gia vào các lớp học yoga dành cho bà bầu bởi đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các bài tập thư giãn cơ thể như yoga giúp giảm tình trạng em bé đạp trong bụng quá nhiều.

3. Bé cử động như thế nào là bình thường? 

Trung bình, số lần đạp của bé trong một ngày sẽ thường là từ 15 -20 lần. Nhưng khoảng thời gian đạp của mỗi bé thì lại không giống nhau do thói quen sinh hoạt của mỗi bé là khác nhau. Có bé sẽ chỉ đạp vào buổi đêm vì đây là thời gian bé thức giấc, còn có những bé lại chỉ đạp vào buổi sáng hoặc có những bé thì lại thích khua chân múa tay cả ngày không ngơi nghỉ. 

Hầu hết các bà mẹ nếu đang làm việc hoặc di chuyển thì sẽ không nhận thấy những cơn đạp của bé. Thời gian cảm nhận rõ nhất những cú “đá banh” của bé là sau bữa ăn và vào buổi chiều mỗi ngày.

Thai nhi

4. Khi nào mẹ nên đếm số lần cử động của bé?

Thai nhi ngày càng lớn hơn, kéo theo đó là thói quen của bé cũng sẽ có đôi chút thay đổi. Nhưng có một số bà mẹ khi không thấy con đạp liên tục thì thường cảm thấy lo lắng, đó là những lo lắng hoàn toàn bình thường ở người mẹ. Vì vậy, nếu mẹ đang lo lắng về điều này, hãy dựa vào một số dấu hiệu sau để theo dõi số lần đạp của bé:

- Trong hai giờ có ít hơn 10 lần đạp hoặc chuyển động.
-  Giảm số lần đạp hoặc không có phản ứng gì trước tác động ngoại cảnh như tiếng ồn, tiếng nói chuyện của bố mẹ với bé hoặc khi mẹ vỗ vào bụng.
- Số lần đạp giảm liên tục trong 2 ngày liên tiếp.

5. Làm thế nào để đếm số lần cử động của bé?

Nếu mẹ nhận thấy tần suất cử động của bé giảm, hãy để ý đến bất kì cử động nào trong giờ tiếp theo bằng cách ngồi xuống, ăn một bữa ăn nhẹ hoặc uống đồ uống lạnh và giơ hai chân lên cao. 

Lượng đường trong đồ ăn và đồ uống lạnh sẽ làm bé thức giấc, sau đó mẹ sẽ cảm nhận ít nhất 10 chuyển động của bé như đạp, cuộn mình, đá chân, gõ tay…trong vòng 2 tiếng đồng hồ ngay sau đó. Ngược lại, nếu mẹ không cảm nhận thấy cử động của bé hoặc bé cử động quá ít, hãy đến bệnh viện khám ngay lập tức.

Thai nhi trong bụng mẹ

6. Liệu việc bé giảm cử động có phải là điều đáng lo lắng?

Một trong những lý do khiến bé giảm các cử động trong bụng mẹ có thể là dấu hiệu của hiện tượng suy thai do thiếu dinh dưỡng và oxy. Trong trường hợp này, các bà mẹ sẽ được bác sĩ thăm khám và sau đó tiến hành siêu âm kiểm tra lưu lượng máu đến nhau thai và sức khỏe tổng thể của thai nhi cũng như cách mà bé phản ứng với các kích thích bên ngoài. Bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể hơn với bạn nếu xảy ra trường hợp xấu hơn.

7. Có nên đếm số lần cử động của bé hàng ngày? 

Trừ phi mẹ cảm thấy bé đạp quá ít hoặc mẹ gặp phải một số vấn đề trong thai kỳ thì mẹ mới phải đếm số lần cử động của bé hàng ngày. Với các trường hợp đặc biệt, mẹ sẽ được chỉ định bởi bác sỹ chuyên khoa và phải tuân thủ những yêu cầu cũng như hướng dẫn của bác sỹ.

Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể đếm số lần cử động của bé mỗi ngày. Cách tốt nhất là bạn hãy giành một giờ mỗi ngày đếm (giờ mà bạn thường cảm thấy thai máy nhiều nhất hoặc sau khi ăn).

8. Bé sẽ đạp ít hơn sau 36 tuần? 

Sau tuần thứ 36 của thai kỳ, mẹ có thể nhận ra bé vận động ít hơn trong bụng mình. Nguyên nhân là do lúc này thai nhi đã khá lớn, nên không gian trong tử cung của mẹ trở nên chật chội đối với bé, vì thế bé có xu hướng hoạt động ít đi. Lúc này, bé có xu hướng dùng tay khám phá khuôn mặt và cơ thể bé nhiều hơn, hoặc dành thời gian chơi với dây rốn hay vươn mình, duỗi tay…

9. Những cú đạp có liên quan đến tính cách sau này của bé? 

Có một quan điểm mà rất nhiều bà mẹ tin tưởng đó là những em bé hay đạp trong bụng mẹ sau này chào đời sẽ là một đứa trẻ hiếu động nghịch ngợm. Còn những em bé mà hay ngủ ngày và hiếu động vào bên đêm thì cũng vẫn sẽ giữ nguyên thói quen này ngay cả khi bé sinh ra, nhất là trong những tháng đầu đời. 

Tiến sĩ Jane DiPietro, đại học John Hopkins đã theo dõi hoạt động của thai nhi của hơn 50 em bé, sau đó theo dõi hành vi ở một đến hai năm tuổi. Các kết quả có vẻ cho thấy một sự liên kết giữa chuyển động trong tử cung và hành vi trong những năm đầu đời, liên quan đến việc kiểm soát xung động, ức chế và tự điều chỉnh. 

(Nguồn: Bellybelly)
Chia sẻ