Hội phụ huynh chia sẻ cách xử lý thông minh khi con bày bừa đồ chơi khắp nhà
Để con biết cách phân loại cũng như dọn dẹp, sắp xếp đồ chơi, cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ dựa vào một số quy tắc.
Trẻ nhỏ thường rất hiếu động, thích bày đồ chơi khắp nhà và hay quên dọn dẹp chúng sau khi đã chơi xong. Chính vì vậy mà nhiều bố mẹ đau đầu vì phòng của bé lúc nào cũng như "bãi chiến trường", phải đợi tới cuối tuần mới dọn dẹp được. Bên cạnh đó, mỗi ngày bé lớn lên lại có thêm nhiều đồ chơi, đồ dùng học tập, bởi vậy việc dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc cho con khiến phụ huynh mệt nhoài.
Hãy cùng xem hội phụ huynh có con nhỏ giải quyết và xử lý tình huống này như thế nào để giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, các bé học được tính gọn gàng, ngăn nắp nhé.
Bé 18 tháng tuổi phân loại đồ chơi gọn gàng nhờ quy tắc sắp xếp phòng của mẹ
Chị Vân Anh (mẹ của em bé Sóc, sống tại Hà Nội) có tuyệt chiêu giúp phòng con luôn gọn gàng nhờ cách sắp xếp đồ chơi cho bé.
- Về cách sắp xếp đồ, chị Vân Anh cho biết đồ chơi của bé sẽ phân loại thành 3 nhóm:
+ Khu hoạt động tĩnh trên bàn.
+ Khu hoạt động sáng tạo thí nghiệm.
+ Khu đồ chơi không thường dùng.
- Đồ chơi sẽ được phân vào các giỏ/ngăn kéo, và trong mỗi giỏ lại được chia thành từng bộ.
- Khu chơi chính sẽ gồm 2 kệ đồ chơi với bàn, thảm chơi và sách.
+ Khu 1 gồm các chủ đề về nấu ăn, số đếm, ngữ âm, hệ mặt trời, thủ công, bút màu, rối tay, bóng, gấu bông...
+ Khu 2 là một kệ sáng tạo với gạo màu, ánh sáng, cát động lực, bình rót nước và các đồ chơi thực hành cuộc sống.
+ Khu 3 là một kệ tổ ong trong kho, kệ này sẽ để các đồ chơi không thường dùng và khu 3 sẽ được tráo với khu 1 định kỳ 1 tháng 1 lần.
Nhờ cách sắp xếp trên mà căn phòng của bé Sóc luôn gọn gàng, ngăn nắp. Bé tự phân loại được đồ chơi và học sự gọn gàng từ mẹ. Đây cũng là tiền đề tốt để con tự lập và tự giác hơn trong việc dọn dẹp phòng sau này.
Áp dụng quy tắc khắt khe mỗi khi bé bày bừa: Khoá cửa phòng chơi 1-2 hôm để nhắc nhở con
Chị Bội Uyên (28 tuổi, sống tại Đắk Lắk) cho biết em bé Sữa rất tự giác trong việc dọn dẹp đồ chơi. Tuy nhiên, con càng lớn càng cần những đồ chơi phù hợp hơn nên số lượng đồ trong phòng ngày một nhiều. Và chị Uyên sẽ dọn dẹp bằng cách cất bớt các món đồ cũ, bổ sung đồ chơi và học liệu mới. Sau 2 tuần, bà mẹ trẻ lại luân phiên đổi đồ chơi 1 lần vừa tiết kiệm lại tăng sự mới mẻ.
"Món nào quá tuổi chơi của con thì mình sẽ cất riêng để sau mang đi tặng lại cho các bạn không có điều kiện hoặc nơi chăm sóc các em bé cơ nhỡ chứ không thanh lí. Thường thì tình trạng phòng chơi bừa bộn là chuyện hết sức bình thường, nhưng những lúc như vậy mình thường ngồi dọn dẹp rồi bày biện lại, xong sẽ khoá cửa phòng chơi 1-2 hôm để nhắc nhở lại bạn lần sau không bày bừa nữa", chị Uyên tâm sự về phương pháp rèn sự gọn gàng cho con.
Sau mỗi lần như thế, cậu bé Sữa đã biết nghe lời mẹ hơn, dọn dẹp sau khi chơi xong và không bày bừa lung tung nữa.
"Mẹ hiểu cho dù áp dụng bất kỳ phương pháp giáo dục nào thì mẹ cũng đều cần sự kiên nhẫn, tình yêu thương và hỗ trợ con. Mẹ tin mối quan hệ được xây đắp bằng tình yêu thương sẽ giúp Sữa trở thành một em bé Hạnh Phúc. Sữa cũng sẽ có tâm lý thoải mái, suy nghĩ tích cực, hành động đúng đắn và cư xử tốt hơn", chị Uyên nhắn gửi đến con trai nhỏ.
Một số lời khuyên hữu ích dành cho mẹ
1. Trẻ cần không gian sống thoáng đãng thay vì nhà đầy đồ chơi
Một môi trường sống tốt sẽ không có quá nhiều đồ đạc vì chúng khó tạo luồng lưu thông không khí tốt, tạo điều kiện cho vi khuẩn, ẩm mốc, bụi bẩn phát triển nhiều hơn. Nhiều đồ đạc cũng đồng nghĩa với việc bé có ít không gian vận động, và nhiều không gian nguy hiểm (ví dụ nhiều vật dụng, hóa chất nguy hiểm, nhiều góc cạnh, nhiều tủ kệ dễ ngã, đổ...), trong khi với trẻ nhỏ, các kỹ năng vận động cần được học và phát triển liên tục.
Bố mẹ cũng biết rằng việc sống trong một không gian thoáng và rộng sẽ thoải mái về tinh thần hơn là một nơi bừa bộn, nhiều đồ. Hơn nữa, một ngôi nhà ít đồ đạc, bài trí hợp mắt sẽ tốt cho em bé trong việc phát triển tính thẩm mỹ sau này.
2. Vật dụng trong nhà cũng có thể biến thành đồ chơi
Ít đồ chơi sẽ giúp trẻ hạn chế phân tâm, trẻ có cơ hội tập trung khám phá và chơi lâu hơn với đồ chơi mình có. Từ đó, trẻ có thể tự tưởng tượng, tìm tòi cách "phát triển", chế biến đồ chơi cũ thành một món/một cách chơi hoàn toàn mới.
Song song đó, đồ chơi của trẻ cũng không nhất thiết là một món mua ở cửa hàng đồ chơi nào cả. Em bé nào cũng thích khám phá và bắt chước người lớn chạm vào và sử dụng các vật dụng trong nhà. Như vậy, chính những đồ đạc có sẵn trong gia đình đã là một kho đồ chơi vô cùng thú vị của bé rồi.
Đồ nào dễ hư hỏng hay dễ cho vào miệng thì bố mẹ chịu khó chơi cùng, giám sát khi con chơi. Trẻ sẽ không biết được việc hư hỏng, bể vỡ, bị thương, bị đau là thế nào cho đến khi được trải nghiệm thực tế, vậy nên cứ để bé thử thôi.
Chính những món đồ chơi cần sự khéo léo và kiểm soát cao đó giúp bé phát triển các kỹ năng vận động tinh và rèn luyện tính nhẫn nại tốt nhất.
3. Cha mẹ là tấm gương tốt nhất
Cha mẹ tối giản biết phân định rõ giữa những thứ mình cần và mình thích, lựa chọn có mục đích rõ ràng, thì con cũng sẽ biết hiểu bản thân và không tham lam. Cha mẹ biết sống đủ, con sẽ là một đứa trẻ hạnh phúc.
4. Điều trẻ cần là thời gian và sự đồng hành của ba mẹ
Thay vì mua quá nhiều đồ chơi, điều con thích hơn là được cùng bố mẹ tham gia vào trò chơi ấy. Trẻ nhỏ cần sự tương tác và chúng sẽ phát triển tình cảm với ai dành cho chúng nhiều sự yêu thương. Thế nên đừng ngại ngần dành thời gian chất lượng cho con bố mẹ nhé. Không cần là những món đồ đắt tiền hay chuyến đi xa hoa, chỉ cần ngồi cùng nhau trò chuyện, đưa con ra công viên, đi dạo... cũng đã khiến trẻ rất vui rồi.