Nên dọn dẹp gọn gàng hay để trẻ bày bừa nhằm phát triển tự nhiên?
Nếu người mẹ thường xuyên thu dọn đồ chơi để giữ ngôi nhà luôn gọn gàng, trẻ sẽ ít có cơ hội tiếp xúc với đồ vật hơn.
Bừa bộn có tốt không?
Một số người cho rằng, việc trẻ xả đồ đạc bừa bãi ở nhà thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới ý thức gọn gàng, trật tự của đứa trẻ. Nhưng cũng có những quan điểm cho rằng, việc trẻ làm bừa bộn trong nhà là điều cần thiết trong quá trình chúng khám phá thế giới, không nên cản trở.
Cô Nguyễn Thị Linh, điều dưỡng viên Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết từ 6 tháng đến 3 tuổi là giai đoạn não bộ của trẻ phát triển nhanh chóng. Lúc này, tỷ lệ hoàn thiện não bộ của trẻ từ 80 - 90%. Trong độ tuổi này, trẻ chủ yếu khám phá thế giới và nhận biết đồ vật bằng cách sờ nắm, cắn và nhiều hành động khác.
Do vậy, nếu người mẹ thường xuyên thu dọn đồ chơi của trẻ, thậm chí cất đồ chơi để giữ ngôi nhà luôn gọn gàng, trẻ sẽ ít có cơ hội tiếp xúc với đồ vật hơn. Điều này có thể khiến trẻ khó phát triển trong một môi trường đã quá quen thuộc.
Ngoài ra, có một số người mẹ ưa sạch sẽ quá mức, mỗi khi thấy con mình ném đồ đạc lung tung liền chạy tới thu dọn. Đồng thời yêu cầu “con không được ném như vậy, đừng làm như thế”, khiến trẻ sợ hãi hơn. Điều này cũng cản trở trẻ trong quá trình khám phá thế giới.
Không chỉ bày bừa đồ chơi và xới tung đồ đạc, trẻ nhỏ tuổi hơn cũng khiến cha mẹ đau đầu. Chị Trần Huyền Trang, cán bộ Ngân hàng Vietinbank, chia sẻ, trẻ đến độ tuổi ăn dặm cũng gây ra ức chế cho nhiều phụ huynh. Theo đó, con thường bốc, nắm, vứt thức ăn lung tung, người lớn không chỉ phải dọn dẹp “bãi chiến trường”, mà còn cả việc thay quần áo, tắm rửa lại cho trẻ. Một ngày liên tục mấy bữa như vậy khiến người lớn có lúc “phát điên”.
Tuy nhiên, trong mắt các bác sĩ và chuyên khoa, đặc biệt là các chuyên gia về việc trị kén ăn ở trẻ thì lợi ích của sự bừa bộn này nhiều hơn sự khó chịu của nó mang lại.
Cô Nguyễn Thị Linh cho biết, nhiều mẹ không muốn cho con tự ăn trong giai đoạn đầu ăn dặm vì sợ con làm bẩn quần áo hoặc bừa bộn ra nhà. Nhưng nếu trẻ không được tự ăn hoặc dùng tay khám phá thức ăn thì có thể ảnh hưởng tới cách ăn bình thường của trẻ và sự kén ăn của con sau này.
Trẻ không được tự ăn cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của các kỹ năng vận động miệng. Bao gồm các kỹ năng giúp miệng, lưỡi và môi má phối hợp với nhau để cắn, nghiền và nuốt thức ăn.
Theo cô Linh, bày bừa trong bữa ăn là một hình thức chơi cảm giác và tốt cho các kỹ năng vận động của trẻ. Một đứa trẻ mới biết đi thường học cách cầm nắm và sử dụng đồ dùng rất lộn xộn. Nhưng đó là loại lộn xộn giúp trẻ học được nhiều điều thú vị.
Ngoài dạ dày, não của trẻ cũng được cung cấp thông tin mới. Ví dụ, trẻ học được rằng buông đồ vật sẽ khiến đồ vật rơi xuống, ném đồ vật khiến đồ vật bay đi hoặc thức ăn bị bóp méo có thể thay đổi hình dạng.
Theo nhiều chuyên gia, trẻ sơ sinh cũng bị thúc đẩy bởi xúc giác hoặc mong muốn khám phá thế giới thông qua xúc giác. Và việc nghịch đồ ăn sẽ sử dụng những bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể như đầu ngón tay, môi và lưỡi.
Trẻ sẽ thú vị và choáng ngợp khi được khám phá các kết cấu và nhiệt độ khác nhau của thực phẩm - nóng, lạnh, dính, mịn, cứng… Trẻ con vốn dĩ luôn khao khát tự lập nên việc để trẻ tự khám phá thức ăn là điều hoàn toàn bình thường.
Lợi hại của bừa bộn trong bữa ăn
Cô Nguyễn Hồng Hạnh (giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, Nam Định) cho rằng, bảo vệ và sạch sẽ quá mức sẽ dạy trẻ rằng làm mọi thứ bừa bộn là sai. Một em bé thiếu những trải nghiệm tiếp xúc cơ bản với các loại kết cấu khác nhau có thể sẽ quá nhạy cảm với những thông tin xúc giác. Những em bé này sẽ khóc lóc hoặc la hét khi chạm vào các kết cấu ở môi trường mới như bãi cỏ, cát…
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, những đứa trẻ ngồi trên ghế cao và chơi trong bữa ăn sẽ học được nhiều kiến thức về thức ăn hơn. Việc khám phá bằng tay hoặc chạm vào thức ăn giúp trẻ học thêm về thị giác. Trẻ cũng sử dụng kiến thức này để phát triển ngôn ngữ hoặc học từ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nhà quá bừa bộn khiến trẻ thiếu tính trật tự. Hơn nữa, việc sống trong môi trường bừa bộn như vậy cũng khiến tâm lý trẻ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.
Ví dụ, trong một môi trường nhà lộn xộn, trẻ khó tìm thấy món đồ chơi mình yêu thích, dễ khiến chúng trở nên cáu kỉnh. Chưa kể, đồ chơi vứt lộn xộn khi giẫm lên gây hỏng hoặc làm đau sẽ khiến tâm trạng của trẻ không tốt.
Một môi trường lộn xộn còn khiến trẻ cảm thấy thiếu an toàn và trật tự. Trong trường hợp này, trẻ có thể khó thích nghi với các quy định và nội quy của trường sau khi đi học, dễ phát sinh nhiều vấn đề trong giáo dục sau này.
Vậy, làm thế nào để có môi trường phù hợp với trẻ? Cô Nguyễn Hồng Hạnh cho rằng, cách làm đơn giản là tạo môi trường khám phá phù hợp với đặc điểm hoạt động theo từng độ tuổi của trẻ. Điều này có thể giúp trẻ không mất đi sự ham muốn khám phá thế giới.
Trước tiên, người mẹ cần trao đổi với trẻ những nội quy trong nhà. Chẳng hạn như được chơi đùa trong một phạm vi đã quy định. Nếu vượt qua ranh giới này sẽ bị phê bình, thưởng phạt rõ ràng.
Cho phép trẻ chơi với nhiều loại đồ chơi, sách, vật dụng gia đình an toàn. Chuẩn bị một góc chơi đùa dành riêng cho trẻ, để chúng thỏa sức chơi trong lãnh địa bé nhỏ của mình. Nếu trẻ muốn vẽ, bố mẹ có thể chuẩn bị giấy dán lên tường sẵn và chỉ được chơi trong một phạm vi nhất định.
“Tóm lại, sự hỗn loạn có trật tự là cách giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tối ưu nhất. Nó không chỉ bảo vệ ham muốn khám phá của trẻ, mà còn giúp chúng hình thành những thói quen tốt”, cô Hạnh nhấn mạnh.