Hội buôn đồ hiệu "thầm thì" chuyện tranh cướp khách: Lừa đảo, tráo đồ trắng trợn,... chiêu trò nào cũng đủ cả!
Dành cho những ai đang tò mò về công việc buôn đồ hiệu: Đến lúc để "bóc" ra vài drama rồi đấy!
Buôn hàng hiệu - công việc thoáng nghe qua cũng đủ khiến người ta cảm thấy sự sang chảnh và xa hoa ngút trời!
Thế nhưng, ít ai biết nội tình mà các seller (người bán - cung cấp sản phẩm) phải trải qua không hề dễ dàng, hay nói thẳng ra, cực kỳ căng thẳng và áp lực. Bán được hàng đã khó, làm sao để giữ chân khách hàng trước đầy rẫy những "chiêu trò bẩn, xấu" lại càng gay go hơn bội phần. Với mong muốn cho độc giả có cái nhìn cụ thể và thực tế hơn về những vấn nạn này, chúng tôi đã mời được ba bà chủ xinh đẹp hiện đang kinh doanh mặt hàng đồ hiệu để cùng chia sẻ về những trải nghiệm chân thực và chi tiết nhất.
1. Kim Anh Lê (Instagram: @areyou.vintage)
Đam mê đồ hiệu vintage, tự mày mò nghiên cứu sau đó chia sẻ trong group kín trên Facebook chính là quá trình bén duyên với công việc hiện tại của cô gái tên Kim Anh. Dần dà mọi người bắt đầu nhờ Kim Anh tư vấn săn những món đồ họ muốn sở hữu rồi sau đó trở thành khách hàng thân thiết của cô.
Chân dung nàng chủ xinh đẹp và sành điệu, có thể thấy cô nàng khá chuộng các mẫu túi của Chanel
Theo Kim Anh, trong kinh doanh hay bất cứ lĩnh vực nào đều cũng phải vấp phải những rủi ro và trường hợp xấu. Cô cảm thấy may mắn vì dù ai nói ngả nói nghiêng thì khách hàng vẫn chọn tin tưởng và đồng hành với mình. Việc kinh doanh của Kim Anh đã phát triển từ group kín sang Instagram vì lí do chiều khách. Đối với cô, những chiêu trò đó chỉ là một phần nhỏ trên con đường này. Kim Anh luôn tâm niệm rằng: “Nếu như bạn làm công việc đó bằng cái tâm và sự tận tuỵ lẫn uy tín thì khó có gì làm đổ vỡ được.”
Kim Anh cho biết cô không quá để tâm nên không rõ chi tiết về những chiêu trò chơi xấu vì căn bản nó không ảnh hưởng đáng kể gì đến bản thân. Dù vậy, shop của cô cũng không ít lần bị ăn cắp ảnh, sau đó người lừa đảo sẽ đánh tráo bằng chiếc với tình trạng xấu hơn rồi gửi cho khách. Kim Anh cho rằng khách đã chơi đồ hiệu thì họ đã có sẵn lượng kiến thức cơ bản để phân biệt và lựa chọn đúng đắn, ai lỡ vấp 1 lần thì sẽ tự rút kinh nghiệm. Nói về những shop hay đi lừa đảo, cô tiết lộ đặc điểm nhận diện là họ thường add hết tất khách bên shop của mình hoặc cố gắng tìm cách tiếp cận, chèo kéo bằng mọi giá.
Một số mẫu túi Chanel mà Kim Anh đang kinh doanh
Câu chuyện check inbox đối với Kim Anh là chuyện thường như ở chợ huyện. Cô nghĩ nếu ai thực sự có nhu cầu sẽ tự inbox mua, nên việc bảo mật giá cũng không có gì là rắc rối, và thường thì shop của Kim Anh sẽ công khai giá hầu hết sản phẩm.
Về lời khuyên cho những ai muốn mua đồ xịn giá rẻ, Kim Anh cho rằng:“Mình nghĩ đã là ‘dân chơi’ đích thực thì phải định được giá trị tương xứng của món đồ, và sẽ không có tâm lý ham rẻ. Thường những ai mang tâm lý ham rẻ sẽ dễ mua phải những món đồ tình trạng không ưng ý. Tuy nhiên, cũng có trường hợp là giá thành mỗi thời điểm khác nhau, và giá những mặt hàng vintage thường ko ổn định, nên thước đo xịn - mịn theo mình chính là nghiên cứu xem món hàng mình muốn mua có tình trạng tương xứng với số tiền mình phải bỏ ra hay không.”
2. Lê Hải Vân (Facebook: Elisa Lê)
“Xuất phát điểm của mình là một người chơi hàng hiệu đơn thuần. Sau một thời gian ‘thu thập’, có những món đồ mình không còn thích nữa nên quyết định thanh lý trên trang Facebook (FB) cá nhân, đây cũng chính là cơ duyên đến với nghề của mình. Tệp khách hàng của mình hầu hết là các bạn bè cùng chơi - sưu tập, số khác thì được giới thiệu. Dù có nhiều năm kinh nghiệm, mình vẫn còn rất mơ màng trong việc chiều lòng và giữ chân khách bởi môi trường này thực sự phức tạp, nói không ngoa ‘đây chính là một chiến trường thu nhỏ’”, Hải Vân chia sẻ.
Cô cho biết lúc mới vào nghề đã bị chơi xấu rất nhiều. Từ việc bị đồng nghiệp tạo nick ảo để đặt hàng rồi bom hàng, giả mạo FB để cướp giao dịch, thậm chí tự động giao hàng đến cho khách trước, cho đến đấu đá và report Facebook của nhau đến các hãng mẹ (FB sẽ khoá vĩnh viễn những FB vi phạm bản quyền, và việc kinh doanh hàng hiệu xách tay thực sự rất nhạy cảm). Hậu quả là Vân thường xuyên bị các thương hiệu mẹ từ chối phục vụ vì vi phạm quy định không được phép bán hàng của họ. Ở thời buổi cạnh tranh khốc liệt, các seller chấp nhận chịu lỗ, phá giá để câu dẫn tệp khách quen của người khác, sau khi có được lòng tin của khách hàng, họ sẽ tìm cách thu lợi ở những đơn hàng có giá trị lớn hơn.
Một số đoạn chat mà Hải Vân cung cấp cho #teamFashion tiết lộ những góc khuất trong giới buôn đồ hiệu
Khách hàng có vô số lựa chọn để “gửi mặt chọn vàng”, họ có quyền tự do trải nghiệm và thử cái mới, không ai có thể cấm được, nhưng Vân biết rồi khách cũng sẽ trở về vì từ đầu đến cuối, cô đều tự tin khi bản thân luôn hoạt động theo tôn chỉ “Thấu đáo & Chu đáo”. Đây chính là bí quyết giúp Vân đứng vững ở chiến trường này tới tận bây giờ.
Buôn đồ hiệu nên tất nhiên style ăn mặc của các nàng chủ cũng không phải dạng vừa
Khi bị “chơi bẩn”, Vân chọn cách im lặng. Cô bộc bạch rằng 2020 là năm tràn ngập scandal trong giới, đa phần đều đến từ các seller lớn và gạo cội. Họ phải thu hồi hàng bán ra với số lượng lớn vì dính nghi án hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vân cho rằng họ đã quá tự tin vào kinh nghiệm và nhận biết của bản thân, cộng thêm sự hấp dẫn từ mức lợi nhuận “béo bở” đã át đi tư cách đạo đức làm nghề của họ. Túi, khăn, giày dép, tất cả đều được làm nhái một cách hết sức tinh vi, và được đưa vào thị trường dưới danh nghĩa hàng Private Sale, hàng mua được bởi suất nhân viên,…
Qua đây Vân cũng muốn nhắn nhủ: “Không có gì tự nhiên mà rẻ, và của rẻ đa phần là của ôi. Thời buổi bây giờ tiếp cận thông tin rất dễ, nên trước khi mua mọi người hãy tìm hiểu thông tin thật kỹ, tránh để mất tiền vô tội vạ.”
Vân không ủng hộ việc các seller báo giá trong tin nhắn riêng, vậy nên Vân đa phần đều công khai giá vì cô muốn trao cho khách hàng quyền chủ động lựa chọn. Điều này xuất phát từ trải nghiệm từ chính bản thân, vì Vân cũng rất ngại khi phải inbox cho shop để hỏi giá sản phẩm. Do đó, việc bảo mật giá như vậy thực sự lợi bất cập hại. Thay vào đó, Vân sẽ đề ra một mức giá hợp lý, tập trung tìm hiểu và phục vụ nhu cầu của khách. Ngoài ra Vân cũng chia sẻ việc cập nhật giá trong inbox đôi khi phụ thuộc vào người hỏi, chắc chắn sẽ có những mối quan hệ thân thiết hơn, vậy chẳng phải sẽ tạo ra sự bất công và hoài nghi với những khách hàng khác hay sao?
“Mình không nghĩ có một lời khuyên nào đúng nhất. Nhưng có một kinh nghiệm mình đúc kết được khi còn là người chơi hàng hiệu là hãy chọn seller luôn có hàng sẵn vì điều đó chứng minh họ có tài chính tốt để có thể chủ động xử lí mọi vấn đề hậu mãi về sau dễ dàng so với các bạn CTV. Hầu hết sau giao dịch, khi nảy sinh vấn đề thì các bạn CTV thường bị động trong việc xử lí với khách, vì còn phụ thuộc vào nguồn hàng. Rất dễ để có thể nhận diện được các seller lớn, có tiềm lực hàng hoá và tài chính cao, đó là hàng luôn được chụp cẩn thận trong một background ổn định, hoặc có namecard đi kèm chẳng hạn”, chính là lời khuyên Vân dành cho những tín đồ chơi hàng hiệu.
3. Khánh Linh (Facebook - Khanh Linh Tran / Lint House)
“Mình bán đồ hiệu cũng được một thời gian và cũng có lượng khách quen thân thiết nhưng muốn ổn định thì mình nghĩ phải cần phát triển hơn nữa trong việc nâng cao tệp khách hàng”, Khánh Linh mở lời về công việc hiện tại của mình.
Không tiện lộ mặt nên Khánh Linh chỉ cung cấp những mặt hàng cô bán cùng một số hình ảnh tại các showroom mà cô đến
Linh cho hay hiện tại cô chưa gặp phải chiêu trò xấu nào vì không tham gia nhiều các group, forum trao đổi mua bán đồ hiệu. Hầu hết lượng khách của Linh đến từ khách hàng quen và người quen giới thiệu. Nhưng cô cũng chứng kiến nhiều drama trong ngành này vì thị trường nào cũng có rất nhiều người cùng buôn bán. Ai cũng muốn đông khách nên khó tránh khỏi những việc cạnh tranh. Trong kinh doanh đồ hiệu thì hầu hết các drama đến từ việc bóc phốt hàng thật giả, so sánh các chi tiết và những bài đó thường thu hút được lượng theo dõi vô cùng lớn.
Cô cho biết bản thân cảm thấy khá may mắn khi chưa gặp phải sự cố quá lớn nào:“Trộm vía mình chưa bị chơi xấu trong ngành này mà lại gặp rất nhiều người cùng ngành giúp nhau nên khá là vui vẻ. Mình quan điểm mỗi người một lộc một thị trường riêng. Trong ngành nào cũng sẽ có người này người kia mà.”
Linh tin rằng những shop không uy tín sớm hay muộn sẽ bị cộng đồng và khách hàng phát hiện và tố cáo chứ không hoạt động được lâu bền trong ngành, vì đồ hiệu là ngành khá nhạy cảm. Khách hàng không dễ dàng bỏ ra một số tiền lớn nếu như không cảm thấy tin tưởng doanh nghiệp. Và nếu là doanh nghiệp có uy tín họ cũng không dại gì mà đánh đổi sự nghiệp bằng cách đó.
Showroom tại Louis Vuitton và Prada
“Có một sự thật là khách hàng rất không thích vấn đề inbox báo giá, bản thân mình cũng không hề thích vì mất khá nhiều thời gian cho việc báo giá từng người một đôi khi còn lo bị bỏ sót nhưng đó là vấn đề khá nan giải với ngành đồ hiệu. Cạnh tranh là một việc, nhưng to lớn hơn đó là đồ hiệu phụ thuộc vào tỷ giá ngoại tệ hàng ngày. Có thể hôm nay giá như này nhưng mai giá lại khác. Đó là lý do chính mà mình ít khi công khai giá cả trên mạng được. Một số mặt hàng sale hoặc có sẵn deal tốt mình thường ghi rõ khoảng giá luôn trên mạng. Mình cũng mất khách vì hay bị trôi tin nhắn của họ nhưng hiện tại mình đã khắc phục được”, Khánh Linh chia sẻ về vấn đề “check inbox báo giá” của các shop hiện nay.
Làm sao mua được hàng rẻ chất lượng tốt là tâm lý chung của mọi người. Ai cũng vậy, luôn muốn mua được một món đồ với giá tốt nhất. Nhưng với đồ hiệu thì nếu giá rẻ bạn chỉ mua được đồ season cũ được đưa về outlet bán với giá rẻ 30-70% giá trị ban đầu, hoặc đồ sale bán suất nhân viên, nhưng thường những món này cũng sẽ là đồ season cũ. Vì một năm ở các nước thường chỉ có tối đa 2 dịp sale mạnh nhưng chủ yếu là cuối năm mới giảm giá đồ hiệu.
Đồ mới ra không bao giờ có giá vừa rẻ lại chất lượng tốt. Vì nhu cầu thì ngày càng tăng mà đồ hiệu sản xuất luôn có giới hạn, không thể nào một món đồ vừa ra lò lại có giá rẻ trong khi bao nhiêu người đang săn tìm cả. Đó là lý do khi mua hàng khách hàng nên cẩn thận trong lúc lựa chọn nơi uy tín để mua hàng. Nếu muốn sở hữu một món đồ nóng hổi mới ra lò thì hãy mua ở những nơi uy tín để đảm bảo món đồ đó được xách tay từ chính thương hiệu. Cảm giác đó tuyệt vời hơn nhiều so với việc mua một món đồ quá rẻ để rồi phải hoài nghi kiểm tra xem đó là đồ thật hay không. Linh cũng nhắn nhủ mọi người hãy luôn tỉnh táo với những lựa chọn của mình.
Ảnh: Nhân vật cung cấp