Hé lộ danh tính 10 nghệ sĩ đồng hành cùng NTK Công Trí trong Triển lãm Thời trang - Nghệ thuật "Cục Im Lặng"
Với sự kết hợp của NTK Công Trí và 10 nghệ sĩ trẻ tài năng từ nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, Triển lãm Thời trang - Nghệ thuật đương đại “Cục Im Lặng” hứa hẹn sẽ mang đến giới mộ điệu những góc nhìn và tiếp cận đương đại vô cùng mới mẻ.
Giới mộ điệu thời trang đang nóng lòng hơn bao giờ hết khi buổi Triển lãm Thời trang Nguyễn Công Trí và Nghệ thuật Đương đại “Cục Im Lặng” sẽ diễn ra từ ngày 27/12 - 29/12 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Đây là sự kiện đánh dấu chặng đường hơn 20 cống hiến làm nghề của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí, và đặc biệt hơn nữa khi “Cục Im Lặng” có sự kiện kết hợp giữa thời trang và liên nghệ thuật mang chiều sâu, quy mô tầm quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam.
Trước thềm sự kiện, danh tính về 10 nghệ sĩ đương đại kết hợp cùng “anh cả làng thời trang Việt" trong buổi Triển lãm Thời trang Nguyễn Công Trí và Nghệ thuật Đương đại “Cục Im Lặng” được giới mộ điệu quan tâm hơn bao giờ hết.
Nghệ sĩ Thị giác Ngô Đình Bảo Châu
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Ngô Đình Bảo Châu sớm nhận được sự ngưỡng mộ bởi khả năng linh hoạt trong việc ứng dụng nhiều cách thức biểu đạt của nghệ thuật như hội họa, sắp đặt hay điêu khắc trên các nền chất liệu mang đậm tính duy mĩ.
“Câu chuyện về những truy vấn bản thân thời chập chững mới vào đời vào nghề” là khởi điểm trong bộ tác phẩm lần này của Ngô Đình Bảo Châu, đối thoại với bộ sưu tập No.1 của Nguyễn Công Trí, nơi màu trắng tinh khôi là điểm gặp gỡ đầu tiên giữa nghệ sĩ và nhà thiết kế. Người xem sẽ bước vào thế giới của sự truy vấn kí ức và tâm lý do Nguyễn Công Trí và Bảo Châu cùng mở ra.
Nghệ sĩ múa, biên đạo múa đương đại Ngô Thanh Phương
Khi được giới thiệu về bộ sưu tập No.2 của Nguyễn Công Trí, biên đạo múa đương đại Ngô Thanh Phương đã “cảm nhận ngay mối liên hệ từ sự phá vỡ và tái tạo mãnh liệt của nhà thiết kế đối với giá trị truyền thống gắn liền trong bộ áo dài”. Trưởng thành dưới mái nhà mà từ ông bà tới cha mẹ cô đều hoạt động nghệ thuật, nơi các giá trị văn hóa truyền thống được bảo lưu qua nhiều thế hệ, Thanh Phương vừa trân trọng chúng, lại vừa khao khát được cải biến chúng trong hơi thở đương đại.
Từ trải nghiệm cá nhân ấy, kết hợp cùng các mẫu áo dài tái-cấu-trúc của Nguyễn Công Trí, cô sáng tác vở múa “The Talks” – tác phẩm dẫn dắt bằng ngôn ngữ cơ thể qua chuyển động múa đương đại. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ No.2 trở thành một biến thể về hình thức nghệ thuật trình diễn truyền thống sang một tiếp cận đổi mới hơn.
Kiến trúc sư VUUV
Trong thiết kế của mình, Công Trí dùng các chất liệu nguyên bản để tạo nên bộ trang phục theo cơ thể người mặc - tựa như một lớp vỏ kiến trúc từ tự nhiên ôm lấy cấu trúc vật lý của con người. Tương tự với điều đó, công trình của VUUV là một biến thể từ ngôn ngữ đan lát tre nứa truyền thống, đem lại một luồng gió mới cho nghệ thuật thủ công Việt Nam, vận dụng nó vào bố cục không gian nhằm tạo ra bầu không khí kiến trúc chứa đựng con người, ở đây là các khách tham quan.
Nghệ sĩ Thị giác LU YANG
Lu Yang đem đến triển lãm tác phẩm video nổi tiếng nhất và cũng đầy khiêu khích của cô, “Mạn Đà La Hoang Tưởng” (2015) như một trình hiện hòa chung với thiết kế ấn tượng trong bộ sưu tập No.4 của Nguyễn Công Trí. Tác phẩm nghệ thuật và thiết kế của cả hai xoay quanh câu hỏi: tận cùng bản thể học của con người là gì? Phải chăng chính là xác thịt - cấu tạo căn bản, thứ liên đới mật thiết tới sự tồn tại của mỗi sinh linh - sự sống rồi cái chết.
Nghệ sĩ Thị giác Trương Công Tùng
“Sự vây hãm của con người trước những cám dỗ từ tiện nghi vật chất hiện đại” là ý niệm trong bộ sưu tập No.5 của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí mà nghệ sĩ Trương Công Tùng đồng cảm. Công nghệ và cuộc sống tiến bộ ngày nay khiến con người sinh hoạt tiện lợi hơn, tăng năng suất lao động, kết nối với nhau nhanh và dễ dàng hơn, nhưng cũng khiến chúng ta trở thành công cụ cho kỹ thuật, trong một thế giới phát triển với tốc độ vô tiền khoáng hậu.
Nếu nhìn vào trang phục của Công Trí, ta thấy ẩn dụ về chiếc lồng giam giữ con người; thì tác phẩm của Công Tùng tựa như một ám chỉ ngầm cho trạng thái nhân loại đang mắc kẹt dưới hang động của kỉ nguyên công nghệ.
Nghệ sĩ/ biên đạo/ nhà giáo dục múa đương đại Alexander Tú
Trong bộ sưu tập No.6, Nguyễn Công Trí mường tượng một viễn cảnh nơi con người không còn là trung tâm của mọi sự sống mà là loài nấm, và hình hóa cụ thể nấm thành những mẫu trang phục tựa điêu khắc. Trong vở múa “Thế Giới Mới Gan Dạ”, Alexander Tú cùng với nhóm LYRICÍST sử dụng chính chuyển động của cơ thể diễn viên múa để diễn tả những đặc tính của loài nấm - sinh thể có sức sống mãnh liệt do nó luôn đặt mình nằm ở ngưỡng quân bình giữa những nghịch lý.
Trong vở múa “Thế Giới Mới Gan Dạ”, Alexander Tú cùng với nhóm LYRICÍST sử dụng chính chuyển động của cơ thể diễn viên múa để diễn tả những đặc tính của loài nấm - sinh thể có sức sống mãnh liệt.
Nhiếp ảnh gia thời trang, nghệ sĩ Thị giác Hứa Như Xuân
Vốn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, trong triển lãm này, Hứa Như Xuân lần đầu tiên thử nghiệm nghệ thuật sắp đặt dành riêng cho No.7 của Nguyễn Công Trí - bộ sưu tập đầy tính hoài niệm về Sài Gòn. Kết nối với hoài niệm ấy, đây cũng là tác phẩm mà Như Xuân - người con xa xứ - dành tặng cho thành phố này. Sử dụng ánh sáng và sân khấu dựng cảnh, sắp đặt vị nơi chốn này vượt khỏi giới hạn một giấc mơ siêu thực, tìm lại kho báu tình cảm cho tính Việt đã mất đi, thông qua niềm cảm kích đầy chất thơ về khái niệm 'nhà'.
"No.7 - Cảm ơn Sài Gòn" là tình tự tha thiết mà Như Xuân - người con xa xứ - dành tặng cho quê hương Sài Gòn.
Nghệ sĩ Thị giác Tùng Monkey
Là một nghệ sĩ sử dụng công nghệ làm chất liệu sáng tác chính, Tùng Monkey dường như đứng ở tuyến đối lập với ý tưởng trong bộ sưu tập No.8 của Nguyễn Công Trí, khi các thiết kế xoay quanh chất vấn về sự vây hãm của Internet và mạng xã hội. Bằng tác phẩm sắp đặt trình chiếu video và VR, Tùng Monkey đẩy người xem đi sâu hơn vào thế giới ảo ấy, lọt vào thế giới của muôn vàn kết nối, triệu mạng lưới dữ liệu.
Các chiều kích của hình ảnh biến hóa khôn lường, khiến người xem không thể định hình được chiều không gian nào. Ngay bản thân cấu trúc vật lý của tác phẩm, ở đây là hệ khung màn chiếu, cũng trái ngược hẳn với kỹ xảo thị giác tỏa ra trên bề mặt của nó. “Cầu Võng” tạo một cái bẫy thị giác, hút người xem vào thế giới ảo, nơi các múi hình ảnh như neuron thần kinh kết nối nhau bằng tốc độ chớp mắt do vi tính tổng hợp và thao túng.
Nghệ sĩ Thị giác Truc-Anh
Nghệ sĩ Truc-Anh thích thú với “tiếp cận của Công Trí trong bộ sưu tập No.9 khi anh ấy không phản đối những điều thường được xem là trái ngược nhau, như truyền thống và tính đương thời, hình học chính xác và dáng vẻ hữu cơ, ruộng lúa nông thôn và khoa học viễn tưởng”. Truc-Anh đưa sự đối lập này vào sáng tác của mình trong triển lãm lần này, với bộ tác phẩm đồ sộ gồm tranh vẽ, điêu khắc tĩnh, điêu khắc động, sắp đặt vị nơi chốn (site-specific installation). Phòng triển lãm là một không gian tỏa bầu không khí linh thiêng, tưởng chừng điện thờ của nữ thần sông, lúa gạo, mặt trăng, và thần rắn.
Đạo diễn, nhà sản xuất phim Bảo Nguyễn
Bộ sưu tập “No.10 - Em Hoa” của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí được lấy cảm hứng từ hình ảnh quen thuộc của những gánh hàng hoa bán dạo ở Sài Gòn khiến đạo diễn - nhà sản xuất phim Bảo Nguyễn liên tưởng về sự kiện phát hiện Hang Sơn Đoòng - một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp của Việt Nam. Nhà làm phim Bảo Nguyễn phát triển dựa trên ý tưởng này, như một câu chuyện ngụ ngôn về sự khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn ngay bên cạnh ta mà lâu nay không biết.
Đó có thể là một kì quan thế giới, một điều siêu nhiên vĩ đại, hay đơn giản là một đóa hoa, nhành cây hoang dại, một tình cảm giữa người với người trong mối quan hệ thân thương. Cả hai đã cùng “dệt” nên “Trong Khu Rừng, Có Một Cánh Cửa” sẽ trình làng tại Buổi triển lãm “Cục Im Lặng” lần này.
Với sự kết hợp của nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam - Nguyễn Công Trí và 10 nghệ sĩ trẻ tài năng từ nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, buổi Triển lãm Thời trang - Nghệ thuật đương đại “Cục Im Lặng” hứa hẹn sẽ mang đến giới mộ điệu những góc nhìn và tiếp cận đương đại vô cùng mới mẻ. Trong khuôn khổ Triển lãm, vào ngày 29/12, ban tổ chức thực hiện Talkshow giữa Công Trí cùng các nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới nghệ thuật sẽ cùng nhau trò chuyện về các lát cắt trong ngành và những chiêm nghiệm đúc kết từ cuộc hành trình duy mĩ cùng gấm nhung.