Hãy dạy trẻ biết nhận trách nhiệm, đối mặt với sai lầm

NĐT,
Chia sẻ

Nếu bạn muốn tạo cho con một nền móng vững chắc, để chúng tiếp tục đặt lên những viên gạch và xây ước mơ, hãy dạy chúng nhận trách nhiệm và không sợ hãi khi mắc sai lầm.

Con gái lớn nhà tôi đang chơi đùa bỗng nhiên bị ngã, đầu đập vào cạnh bàn. Con bé khóc toáng lên và gọi mẹ.

Tôi ở trong bếp vội vàng chạy ra thấy trán con bé sưng một cục to tướng bèn bảo con bé tự đứng dậy. Con bé không đứng dậy mà nhất định đòi mình phải đánh cái bàn mới chịu. Tôi hỏi con bé: - Tại sao con lại muốn mẹ đánh cái bàn?

Tôi ngồi xuống cạnh con bé, bảo con bé bình tĩnh và nói:

- Mẹ thấy, con mới là người phải xin lỗi cái bàn! Cái bàn này, hôm qua nó vẫn đứng đây, hôm nay nó vẫn đứng đây và ngày mai nó cũng vẫn đứng y nguyên vị trí này. Chỉ có con là hay di chuyển và chạy nhảy xung quanh nó thôi.

Chính con là người đã lao vào cái bàn chứ không phải cái bàn lao vào con. Con đau thế nào thì cái bàn đau như thế. Con làm cái bàn đau, con phải xin lỗi cái bàn đi!

Sau khi nghe mẹ nói một hồi, con bé nín khóc, đứng dậy và khoanh tay:

- Tớ xin lỗi cái bàn!

Hãy dạy trẻ biết nhận trách nhiệm, đối mặt với sai lầm - Ảnh 1.

Hãy dạy trẻ biết nhận trách nhiệm và không sợ hãi khi mắc sai lầm. (Ảnh minh họa).

Đã rất nhiều lần tôi góp ý cho người lớn trong gia đình về việc phải dạy trẻ nhận trách nhiệm khi bản thân mắc lỗi thay vì đổ lỗi cho những đồ dùng vô tri vô giác.

Nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên diễn ra bởi họ cho rằng: "Trẻ con thì biết cái gì? Dỗ làm sao cho chúng nín khóc để đỡ đau đầu là được!".

Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Chính từ cách xử lý tình huống kiểu này, người lớn đã gián tiếp gieo vào đầu con trẻ ý thức về sự sợ hãi khi bản thân mắc sai lầm.

Chúng không dám nhận trách nhiệm vì những gì mình đã gây ra, thay vào đó, chúng giấu giếm và đổ lỗi cho người khác.

Hãy tưởng tượng, con bạn mỗi khi bị ngã, bạn lại vội vã chạy ra đỡ nó lên xoa xuýt và đánh đất, đánh bàn, đánh ghế, đánh cây; con bạn bị bỏng, bạn lại đánh cái bếp, đánh cái phích, đánh cái bật lửa... dần dần theo thời gian, bản thân đứa trẻ sẽ hình thành suy nghĩ việc nó ngã rõ ràng không phải là do nó mà là do "khách quan" mà nên cơ sự như vậy.

Những đứa trẻ sợ sai, thích đổ lỗi sẽ trở thành những đứa trẻ ích kỷ và khôn lỏi.

Chúng sống theo lối mòn nhận thức "đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại" và thấm nhuần lối tư duy giấu dốt, ngại thay đổi. Lâu dần, khi trưởng thành, chúng trở nên bảo thủ, ngại tiếp thu những ý kiến phê bình và bản thân cũng không có cơ hội mở rộng tầm mắt.

Bởi vậy, nếu bạn thực sự muốn tạo cho con một nền móng vững chắc, để chúng tiếp tục đặt lên những viên gạch và xây ước mơ thành một tòa nhà cao vời vợi, hãy dạy chúng nhận trách nhiệm và không sợ hãi khi mắc sai lầm.

Đối mặt với khó khăn do kẻ khác gây ra không khó bằng đối mặt với những yếu điểm và sự bảo thủ của chính mình. Tự chủ đi đôi với tự chịu là điều tất yếu mà bất cứ ai cũng phải hiểu ngay từ khi còn là một đứa trẻ thì mới có khả năng tự lập khi trưởng thành.

Đổ lỗi chỉ có tác dụng xoa dịu và giảm đau, nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận và sửa chữa mới chữa dứt điểm được vết thương đang mưng mủ từ bên trong máu thịt. Dùng nhiều giảm đau dễ dẫn đến phụ thuộc vào thuốc và tự làm cho sức chịu đau của bản thân trở nên kém đi!

Bé nhà tôi rất hay bị bố mẹ phạt đứng góc khi phạm lỗi. Và bố mẹ cũng không ít lần phải tự giác đứng vào góc khi trót phạm lỗi lầm đối với con.

Bất kỳ ai mắc lỗi đều phải chịu phạt. Bố mẹ không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhận lỗi không phải là việc của riêng trẻ con và tha thứ không phải là sự bao dung của riêng người lớn.

Bình đẳng là lựa chọn tốt nhất để bố mẹ trực tiếp đồng hành cùng con trên bước đường con khôn lớn. Thay vì dạy chúng phải nghe, chi bằng hãy cho chúng thấy!

Chia sẻ