Hạnh phúc lớn nhất tuổi thơ của một đứa trẻ là được phép làm 4 chuyện "vô bổ" này
Muốn con phát triển toàn diện, cha mẹ cần cho con làm cả những việc tưởng chừng vô ích dưới đây.
Trong việc nuôi dạy con cái, cha mẹ chắc chắn là người vị lợi.
Bạn mua rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, là vì mong con viết văn tốt. Bạn cho con học các lớp năng khiếu, là vì muốn con không bị "thua ở vạch xuất phát", và cũng chỉ môn nào có thể giúp cộng điểm thì bạn mới cho con học.
Tiêu chí để đánh giá liệu chúng ta có muốn trẻ làm một việc gì đó hay không là việc đó có hữu ích hay không, đặc biệt là nó có ích cho việc học tập hay không.
Tuy nhiên, khi chúng ta làm điều gì đó với động cơ vị lợi, hiệu quả cuối cùng có thể sẽ không được như mong đợi.
Ẩn dưới chủ nghĩa vị lợi là nỗi lo lắng sâu kín của các bậc cha mẹ, dần dà con cái cũng bị ảnh hưởng, chúng sẽ cảm thấy mình không thể làm tốt việc gì và mất đi hứng thú học tập.
Trên con đường nuôi dạy con cái, chúng ta càng vội vàng muốn thu lại kết quả thì càng dễ thất bại. Đôi khi, nếu bạn cho con được phép đi chậm lại và làm một số chuyện "vô ích" thì thành quả đạt được của con bạn sẽ khiến bạn ngạc nhiên.
Việc "vô bổ" số 1: Chơi đùa
Một giáo viên mẫu giáo từng nói: "Sau nhiều năm dạy học, câu hỏi tôi thường nghe nhất là từ các bậc cha mẹ lo lắng: Con họ có chơi hàng ngày không?".
Khi biết rằng mẫu giáo chủ yếu dựa vào trò chơi là hoạt động cơ bản, phụ huynh chắc chắn sẽ phàn nàn: "Không học bảng chữ cái? Không học cộng trừ sao? Về sau lên tiểu học theo kịp không?".
Trong mắt cha mẹ, vui chơi là việc "vô dụng" nhất.
Khi một đứa trẻ lớn lên, thời gian vui chơi luôn là thứ bị hy sinh và từ bỏ đầu tiên.
Có vẻ như chơi và học là đối lập nhau và thậm chí còn có hại.
Trên thực tế, trò chơi và vui chơi quan trọng đối với trẻ em hơn chúng ta nghĩ. Chúng không chỉ có thể phát triển các khả năng khác nhau của trẻ mà còn đảm bảo hạnh phúc tuổi thơ cho trẻ.
Lấy trò chơi "gia đình" làm ví dụ. Đây là trò chơi nhập vai mà hầu hết trẻ em đều thích chơi. Bàn ăn chất đầy chai lọ, giả vờ nấu ăn, giả vờ cầm thìa và giả vờ cho thú nhồi bông ăn, bạn đóng vai bố, tôi đóng vai mẹ...
Trong hành vi vui chơi tưởng chừng như nhàm chán và vô nghĩa này, trẻ rèn luyện các vận động tinh tế và cải thiện kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ. Bằng cách này, trẻ hiểu được các quy tắc của thế giới người lớn, đồng thời học cách phân công lao động và hợp tác.
Ngay cả khi không có những lợi ích này, việc trẻ có được niềm vui thuần khiết khi chơi vẫn rất bổ ích.
Đối với trẻ em, những hành vi tưởng chừng như nhàm chán lại chứa đựng những khả năng mà trẻ có thể sử dụng được suốt đời.
Việc "vô bổ" số 2: Có sở thích vô bổ
Một phụ huynh dán thông báo tìm đồ ở cửa thang máy. Ở cuối thông báo, phụ huynh này viết: ""Đây là những thẻ bài mà con tôi đã tích góp trong thời gian dài, là vật mà cháu rất yêu thích. Nếu các bạn nhặt được, vui lòng liên hệ kịp thời với chúng tôi. Chân thành cảm ơn!".
Cư dân mạng đã rất xúc động sau khi nhìn tờ thông báo đó.
Điều mà vị phụ huynh này trân trọng không phải là tập thẻ bài của con mà là tình cảm trân trọng con dành cho món đồ đó.
Khi còn nhỏ, nhiều trẻ sẽ bị ám ảnh bởi một số thứ hoặc có một số sở thích đặc biệt. Cảm giác vui vẻ, hạnh phúc của chúng thường đến từ những điều nhỏ nhặt "vô dụng" này.
Thật không may, cảm giác này thường không được người lớn hiểu được.
Một khi thành tích học tập của trẻ sa sút, "sở thích" này sẽ trở thành thủ phạm và bị ngăn cấm, gạt bỏ không thương tiếc.
Trên thực tế, chỉ cần sở thích không vi phạm đạo đức xã hội và nằm trong phạm vi an toàn thì nó sẽ không trở thành yếu tố then chốt ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ.
Để có một tuổi thơ hạnh phúc và trọn vẹn, trẻ nên có một khoảng thời gian để làm những điều mình thích.
Mặc dù từ góc độ ngắn hạn, những việc này không giúp trẻ giải quyết bất kỳ vấn đề thực tế nào, nhưng chúng có thể lại mang lại cho trẻ tâm trạng tích cực và lạc quan, tinh thần của trẻ chắc chắn sẽ được phong phú hơn.
Khi làm những việc này, trẻ cũng đang tận hưởng niềm vui thực sự.
Những niềm vui tuổi thơ này có thể là thứ quý báu và giá trị nhất đối với cuộc đời trẻ.
Việc "vô bổ" số 3: Đọc sách giải trí
Câu cửa miệng của phụ huynh mà tôi quen là: "Sách vớ vẩn làm hại người ta".
Theo ông, những tài liệu đọc ngoại khóa ngày nay quá linh tinh, những cuốn sách không liên quan trực tiếp đến việc học đều là "sách vớ vẩn", cho trẻ đọc quá nhiều sẽ không tốt. Con ông chỉ được phép đọc sách do giáo viên chỉ định hoặc sách liên quan đến ôn luyện, thi cử.
Thực tế, đối với trẻ, hứng thú chính là động lực đầu tiên để đọc sách.
Chỉ bằng cách thỏa mãn sở thích và nhu cầu của bản thân trước tiên, trẻ mới có thể tiếp tục đọc và duy trì việc đọc. Những cuốn sách mà người lớn coi là "sách tốt" không phải là trẻ không đọc mà chỉ là trẻ cần thời gian.
Sách giải trí là mồi nhử để trẻ say mê đọc sách.
Chỉ cần nội dung sách vô hại thì việc trẻ thích đọc sách giải trí cũng không phải là điều xấu. Chúng ta chỉ cần quan sát những thay đổi trong sở thích của trẻ và hướng dẫn trẻ một cách phù hợp.
Việc "vô bổ" số 4: Trải nghiệm cuộc sống
Tuổi thơ của trẻ em ngày nay dường như không mấy hạnh phúc.
Ngày xưa, đại học không phải là con đường duy nhất, nếu không học giỏi nhưng biết sống cũng là điều đáng tự hào, chúng biết gấp chăn, biết rửa bát, gia đình đã rất hạnh phúc.
Nhưng giờ đây, muốn làm cha mẹ hài lòng thì khó hơn nhiều.
Bởi vì mỗi người đều có chung một tiêu chí duy nhất để đánh giá trẻ - đó là thành tích học tập, nếu trẻ học không tốt tức là trẻ đã thất bại.
Nhiều trẻ em có cảm giác cô đơn và vô nghĩa mạnh mẽ ở độ tuổi mà đáng ra chúng phải hồn nhiên.
Nếu đứa trẻ muốn vào bếp giúp mẹ nấu ăn, nó sẽ bị đuổi ra ngay lập tức: "Con không cần làm những việc nhỏ như vậy, con đi học bài đi".
Không có trải nghiệm thực tế về cuộc sống, không có sự tự chủ, không có sự tự tin, trẻ dần mất đi khả năng nhận thức về hạnh phúc và bị mắc kẹt trong những lo toan trong học tập.
Khả năng hạnh phúc là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ. Loại cảm giác chủ quan này ẩn chứa trong những chi tiết nhỏ nhặt của cuộc sống. Cả gia đình cùng nhau dọn dẹp, cùng nhau đi dạo, cùng nhau học nấu ăn... để trẻ thấy mọi mặt của cuộc sống, trẻ mới không dễ "rỗng tuếch".
Có người từng nói: Cuộc sống là giáo dục.
Cho trẻ trải nghiệm cuộc sống chính là đánh thức sức sống của chúng.
Thực tế không có tiêu chuẩn nào để đo lường xem thứ gì đó hữu ích hay vô dụng đối với sự phát triển của trẻ.
Nhiều thứ tưởng chừng như vô dụng hiện tại hoàn toàn có khả năng trở thành chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ sau này.
Trang Tử nói: "Mọi người đều biết công dụng của những thứ hữu ích, nhưng không ai biết công dụng của những thứ vô dụng".
Một số thay đổi rất quan trọng trong cuộc đời của trẻ có thể đến từ những điều vô ích này.
Để đồng hành cùng sự lớn lên của con cái, chúng ta cũng nên buông bỏ phần nào sự cố chấp vào cái gọi là "việc có ích" và làm một số "việc thoạt nhìn vô bổ". Nó không gây ra nhiều tác động tiêu cực như ta nghĩ đâu, mà biết đâu còn làm phong phú thêm cuộc sống của trẻ.