Hăm hở nghỉ làm ở nhà trông con, chưa đầy tháng ông bố khiến ai nấy cười xỉu khi nhận ra “trẻ nhỏ đúng là một sinh vật bất quy tắc khiến ta kiệt sức”
Sau trải nghiệm của mình, ông bố vô cùng nhớ những ngày tháng ra ngoài đi làm. Ở nhà trông con là một công việc mà không có công ty nào có chế độ làm việc tương tự!
Ở nhà trông con - một công việc mà nếu chưa thực sự trải nghiệm sẽ khó lòng thấm thía những vất vả, cực nhọc trong ấy. Nhiều người chồng coi thường vợ vì cô ấy ở nhà trông con không kiếm ra tiền, hễ vợ kêu than là thốt ra câu cửa miệng "ở nhà trông con thôi chứ có làm gì đâu". Điều đó khiến bao người vợ phải chịu ấm ức, tủi thân đến phát khóc.
Chỉ đến khi những người chồng ấy thay thế vai trò của vợ, ở nhà trông con và làm những công việc vợ mình từng làm, lúc ấy họ mới hiểu thế nào là "ở nhà trông con". Câu chuyện của ông bố trẻ 28 tuổi người Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của cư dân mạng là một ví dụ điển hình như thế.
Ông bố có tên Tiểu Cường, vợ chồng anh sinh được một câu con trai đầu lòng. Trước đó, khi thường xuyên thấy vợ kêu ca chăm sóc em bé quá vất vả, anh cho rằng vợ mình giả vờ, thích làm ra vẻ. Chính vì thế, khi em bé lên 3 tháng tuổi, sau khi vợ chồng bàn bạc thì ông bố này quyết định trở thành một ông bố toàn thời gian.
Thế nhưng chưa tới 1 tháng trải nghiệm quá trình ở nhà trông con, ông bố này cảm giác như mình sắp "sụp đổ" đến nơi. Trẻ nhỏ chính là một "sinh vật" không có bất cứ quy tắc nào, không thể giao tiếp và cũng chẳng có cách nào để răn dạy.
Cuối cùng anh đưa ra kết luận, chăm sóc trẻ là một công việc không phải người bình thường có thể làm! Người nào chưa làm thì đừng phát biểu một cách nhẹ nhàng và thoải mái, chỉ có khi thật sự trải qua mới có tư cách nhận xét về việc trông con có vất vả hay không!
Một ngày làm bố toàn thời gian của Tiểu Cường được anh ghi lại như sau:
- Đưa con ra ngoài mua thức ăn: 1 tiếng.
- Vừa nấu ăn vừa không được rời mắt khỏi con: 2 tiếng.
- Giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, thu dọn đồ đạc: 2 tiếng.
- Thời gian ăn cơm: 1 tiếng.
- Pha sữa bột, cho bé ti bình, rửa bình, ru bé ngủ: 1 ngày 10 lần, mỗi lần 40 phút.
- Thay bỉm, vệ sinh sạch sẽ cho con: 8 lần/ngày, mỗi lần 20 phút.
- Đưa con ra ngoài hóng gió: 2 giờ.
- Tắm và tập các bài tập vận động cho bé: 1 giờ.
Vị chi một ngày anh phải dành cho con đến 21 giờ đồng hồ và ngày nào cũng như vậy, cả năm không hề thay đổi hay được nghỉ ngơi. Đó là một công việc mà không có công ty nào có chế độ làm việc tương tự!
Tiểu Cường bắt đầu vô cùng nhớ những ngày tháng ra ngoài đi làm. Biểu cảm "không còn gì luyến tiếc" của anh khiến cư dân mạng không khỏi vừa thương vừa cười xỉu.
Thực ra nhật kí một ngày trông con của Tiểu Cường mới là một phần những vất vả của việc chăm sóc con. Còn những lúc đêm hôm vẫn phải dậy chăm sóc con, cho con ăn và thay bỉm. Rồi khi con ốm bệnh, quấy khóc, khi con có vấn đề về tiêu hóa... thì sự vất vả ấy còn tăng thêm gấp nhiều lần. Nhưng đó lại là công việc mà bất cứ người mẹ nào khi ở nhà trông con đều phải trải qua.
Tiểu Cường lúc này mới sâu sắc nhận ra, công việc này quá mức thiệt thòi cho người đảm nhận nó. Anh không còn được chơi game như trước, không có thời gian ra ngoài gặp bạn bè, không có tiền trong tay và đáng buồn nhất là bị mọi người coi thường. Vất vả nhưng không được ghi nhận, thậm chí người thân trong nhà cũng không thông cảm.
Hy vọng những người chồng có vợ ở nhà trông con sẽ một lần đặt mình vào vị trí của vợ để hiểu, thông cảm cho những khó khăn vợ mình phải trải qua. Để không còn có người mẹ nào bị trầm cảm sau sinh hay phải bật khóc giữa đêm khuya nữa.