Hai bà mẹ, hai kiểu dạy con
Khi con bộc lộ những thói hư tật xấu, cha mẹ thường than thở rằng “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, mà ít khi nhận ra rằng chính họ đã vô tình tạo ra những tật xấu ở con.
Tính con: trời sinh hay cha mẹ tạo?
Tại một sân trường mầm non, các bé được cha mẹ cho lưu lại sau giờ học để tiếp tục chơi đùa trước khi đưa về nhà. Bỗng dưng, các bé cùng nhau ùa chạy đến nhà kho khi phát hiện chú bảo vệ mở cửa lôi những chiếc xe hơi nhựa ra. Nhanh như cắt, một bé trai trờ tới nhận chiếc xe đầu tiên vừa được lôi ra, người mẹ đến sau nhìn con cười thích thú. Liền sau đó, các bé khác lần lượt đến nhận xe một cách hớn hở. Khi thấy chú bảo vệ lôi ra chiếc xe cuối cùng, một bà mẹ chạy vội tới đặt chân vào lòng xe với vẻ mặt vui mừng, đắc thắng và giữ chặt xe chờ đứa con trai đang đủng đỉnh đi tới… mà không chút ngượng ngùng là đã “ỷ lớn” giành đồ chơi cho con trai yêu quý của mình.
Những đứa bé khác chậm chân hơn đành tiu nghỉu nhìn bạn chơi xe một cách thèm thuồng, chờ bạn chơi chán sẽ đến phiên mình. Một bé gái có vẻ nôn nóng, khóc mếu, nằng nặc đòi ba mẹ xin xe của bạn để được chơi ngay… Thấy vậy, người mẹ đầu tiên đã cúi xuống nói với con trai của chị: “Con chơi xe nhanh rồi nhường cho bạn nhé, xe này của trường, để bạn chơi chung nha con!” Cậu bé “dạ” to rồi đứng lên, dắt xe tới trao cho cô bé đang khóc mếu chờ đợi…
Trong khi đó, người mẹ “giành xe” vẫn thản nhiên ngồi trên băng đá nhìn con trai mình chơi xe. Một lúc sau, thằng bé chạy xe đến gần mẹ và nói: “Mẹ ơi, mắc tè quá!” Chúng ta thử đoán người mẹ này sẽ làm gì: giữ xe cho con đi vệ sinh, hay cùng con mang xe vào nhà vệ sinh? Không đâu, người mẹ ấy chỉ nhìn con bình thản và nói: “Con ráng nhịn đi, đi tè mất xe bây giờ!”
Quan sát thái độ của cha mẹ đối với con, chúng ta có thể hình dung sự phát triển tính cách và hình thành thói quen của những đứa con ấy sẽ đi theo chiều hướng tích cực, lành mạnh hay ngược lại. Từ việc tập cho con biết chơi đùa chừng mực và nhường đồ chơi với bạn bè ở trường, bà mẹ thứ nhất đã giúp con trai trở thành một người biết quan tâm, chia sẻ với người khác và được công nhận đã dạy con sống tử tế. Còn cách ứng xử của bà mẹ “giành xe” sẽ dần hình thành thói quen ỷ lại, sống ích kỷ và buông thả ở đứa con trai. Vì từ nhỏ, câu ta đã quen được mẹ “bon chen” giúp mình, đã được mẹ tập cách tham lam tận hưởng cuộc vui mà không cần quan tâm đến người khác cũng như không chú trọng đến sức khoẻ bản thân…
Đừng đổ lỗi cho trời
Tác động của gia đình diễn ra thường xuyên và liên tục từ lúc con người mới tượng hình trong bụng mẹ cho đến suốt đời nên gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển nhân cách của mỗi người. Bên cạnh những tác động giáo dục có chủ đích, cha mẹ còn có những tác động tự phát đến các con thông qua lối sống và cách ứng xử với con trong sinh hoạt hàng ngày… Các thói tật của con cái thường bắt nguồn từ sự lệch lạc trong nhận thức và cách ứng xử của cha mẹ chứ không phải do ngẫu nhiên hoặc bởi “trời sinh”.
Thật vậy, những học sinh có hành vi lệch chuẩn như: nói tục, chửi thề, xả rác bừa bãi… hoặc có thái độ ngông nghênh, ngạo ngược, thích đua đòi, sống buông thả, không nỗ lực học hành, rèn luyện… thường lớn lên trong những gia đình mà cha mẹ có lối sống thiếu chuẩn mực hoặc có những tác động sai lầm đối với con. Vì vậy, cha mẹ nên nhận lỗi và tự trách mình khi con sai trái hơn là đổ lỗi cho nơi khác. Bởi gia đình là nơi giáo huấn đầu tiên, trước khi trẻ tiếp nhận sự giáo dục của nhà trường và chịu ảnh hưởng phức tạp từ xã hội.
Cha mẹ cần trang bị kiến thức và kỹ năng giáo dục con cái để tránh việc vô tình gây ra những tác động sai lầm đến con. Giáo dục gia đình đúng đắn sẽ hình thành những phẩm chất tốt đẹp và nền tảng nhân cách vững chắc để con cái có khả năng đề kháng trước những tác động phức tạp của cuộc sống và biết lựa chọn, phấn đấu vươn lên theo những giá trị lành mạnh, phù hợp với chuẩn mực xã hội.