Bố làm hư con
Đi đâu anh Bình cũng cho con theo, kể cả ra hàng bia hay đi đánh tennis, bi-a. Cậu bé đi theo bố nhiều đến nỗi cái thói thích đi chơi "ngấm vào máu", không đi không chịu.
Ở nhà, anh Bình được coi là người chiều con nhất. “Tiếng” chiều con của anh được “bay” xa khắp khu phố khiến nhiều ông bố khác đôi lúc tặc lưỡi khi nhìn thấy anh: “Chú chiều con vừa chứ, không nó lại được đà hư ra lại khổ. Làm bố cũng phải có cái oai cho con nó sợ chứ”. Anh Bình chỉ cười xuề xòa, vâng dạ được vài câu rồi lại đâu vào đấy. Các bà mẹ khác thì lại luôn lấy anh ra làm gương cho các ông bố mỗi lần các ông ấy đánh con: “Anh chả nhìn anh Bình mà học tập. Chả bao giờ oánh con bôm bốp như anh, mà con có hư đâu”.
Anh Bình vốn rất hiền nên không bao giờ có chuyện đánh con, anh không quát mắng con bao giờ đã đành, thậm chí lại còn chiều theo hầu hết những đòi hỏi của con. Nhà anh Bình dù không thuộc diện giàu có nhất khu nhưng cũng thuộc hàng khá giả, chính bởi vậy mà dù vợ có nhắc nhở không được chiều con quá đáng thì anh lại viện lý do: “Gần 40 tuổi đầu mới có thằng con trai, không chiều nó thì chiều ai. Sau này con nó nuôi mình chứ ai nuôi mà còn tiếc”.
Nói là làm. Đi đâu anh Bình cũng cho con theo, kể cả ra hàng bia hay đi đánh tennis, bi-a. Và lần nào đi theo, con đòi thử, dù là uống bia hay thử chơi bi-a là anh đều cho con thử với lý do: đàn ông con trai, cái gì cũng nên biết, không nhiều thì ít chứ. Thế là mới 10 tuổi, cậu bé không những đã đi hết các công viên, sở thú mà còn được tới rất nhiều quán bia phổ biến trong thành phố, đã được vào khá nhiều sân quần vợt, vào khá nhiều câu lạc bộ và thậm chí còn được đi theo bố tới quán karaoke…
Anh Bình tự hào lắm. Anh tự hào vì cậu con trai thông minh, chỉ sau vài lần đi theo bố mà “cái gì cũng biết”, “luật” nào cũng thuộc. Cậu bé đi theo bố nhiều đến nỗi cái thói thích đi chơi "ngấm vào máu", lâu lâu thấy bố không đi là cậu lại “rủ” bố “đi chơi cho vui”. Gặp ai anh Bình cũng khoe: “Con trai sắp hơn bố rồi”. Mặc cho vợ kêu ca là anh cho con đi chơi nhiều làm con không chịu chú tâm vào học hành, anh Bình bỏ ngoài tai với lý lẽ:“Ngày xưa anh học dốt gần nhất lớp mà bây giờ vẫn có công việc ổn định đấy thôi. Lại còn có thằng con trai thông minh chứ. Mẹ nó khỏi cần lo quá. Với lại, con học nhiều cũng cần được thư giãn chứ”. Có bố hậu thuẫn như vậy, cậu con trai không những không còn sợ bố mà còn càng ngày càng biết "nịnh" bố và làm theo những gì mình muốn mà không phải lo bị ai đánh mắng.
Anh Bình cứ chiều con như vậy cho đến một ngày anh phát hoảng khi thấy số tiền hơn 10 triệu vừa mang về nhà hôm qua đã không cánh mà bay. Số tiền đó anh định để hôm nay mang đi nộp thuế, thế mà giờ đây không thấy, anh biết lấy đâu ra tiền mà bù vào chứ. Anh nghi nhà có trộm, nhưng có trộm sao lại chỉ mất có bọc tiền 10 triệu của anh mà không lấy những thứ quý giá khác trong nhà. Vợ anh cũng không mang đi đâu, nhà từ tối qua đến nay lại không có khách. Vì nhà có ba người nên vợ chồng anh không nghĩ phải cất tiền cẩn thận, mà chỉ để vào phòng ngủ. Thế là mọi nghi vấn của hai vợ chồng đổ dồn vào cậu con trai quý tử.
Không quá mất công tra hỏi nhiều, anh Bình cảm giác như có ai đó phang cho một cái thật đau vào đầu khi cậu con trai mà anh chiều chuộng hàng ngày lại chính là thủ phạm. Cậu con trai 14 tuổi của anh đã không còn là trẻ con nữa. Nó thú nhận vì quá ham mê những trò chơi mới lạ mà nó đã biết lấy tiền của bố mẹ để đi chơi điện tử và chơi bóng bàn, bi-a. Lúc này anh Bình chẳng biết trách ai. Tất cả những cái này là do anh dạy con chứ ai? Hơn nữa, nó cũng có biết sợ anh đâu.