Giúp con phát triển toàn diện nhờ cách so sánh tích cực
Việc cha mẹ thường xuyên so sánh con mình với "con nhà người ta" đã gây ra nhiều hệ lụy vô cùng xấu đối với sự phát triển của một đứa trẻ. Hãy sử dụng so sánh tích cực để các con phát triển toàn diện về cả thể chất và tinh thần.
Trong quá trình nuôi dạy những đứa trẻ, cha mẹ thường xuất hiện suy nghĩ so sánh con mình với "con người ta", hoặc so sánh các bé trong nhà với nhau. Tuy nhiên theo chị Thúy Hằng (34 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thụy Điển), việc so sánh này rất nhạy cảm. Chúng có thể thúc đẩy trẻ cố gắng để trở nên tốt hơn. Nhưng cũng có thể làm cho trẻ cảm thấy khó chịu, tự ti và chán nản.
Các hệ lụy của việc cha mẹ thường xuyên so sánh con cái một cách không tích cực đó là:
+ Tạo áp lực cho con: Trẻ sẽ cảm thấy gánh nặng tâm lý nếu liên tục bị so sánh. Con sẽ nghĩ rằng mình phải như người này, người kia thì cha mẹ mới vừa lòng.
+ Giảm lòng tự trọng: Khi bố mẹ liên tục so sánh con mình với con người khác, trẻ sẽ bắt đầu tin rằng những người khác đều giỏi hơn mình và bản thân không có năng lực. Từ đó trẻ có xu hướng sống theo sự kỳ vọng của người lớn.
+ Xấu hổ khi giao tiếp: Nếu đứa trẻ luôn bị nhạo báng hoặc chế nhạo bằng cách so sánh thì bé sẽ bắt đầu tránh giao tiếp với người khác, thậm chí là cả bố mẹ.
+ Tạo ra thái độ bất cần: Nếu tài năng hoặc thành tích của đứa trẻ luôn bị bỏ qua thì bé thậm chí sẽ không muốn làm vui lòng bố mẹ nữa. Nguyên nhân chỉ vì bạn luôn ủng hộ những đứa trẻ khác có kết quả ấn tượng hơn.
+ Trẻ giữ khoảng cách với bố mẹ: Con sẽ không muốn gần bố mẹ nữa, bởi mỗi lần gần gũi thì con toàn nhận về sự so sánh, dạy dỗ.
+ Gây ra sự đố kỵ: Nếu bạn đem con ra so sánh với nhau thì thay vì ngưỡng mộ anh chị em giỏi hơn, trẻ sẽ bắt đầu bí mật nuôi dưỡng suy nghĩ ganh ghét. Kết quả, trẻ sẽ tự xem nhẹ bản thân. So sánh con mình với con người khác là đang kìm hãm tài năng của trẻ...
Việc so sánh tích cực sẽ giúp những đứa trẻ yêu thương nhau hơn.
Nuôi dạy con tích cực bằng những cách so sánh tích cực!
Chị Thúy Hằng sinh được 3 bé. Mỗi bé lại có tính cách khác nhau. Bé lớn nhà chị năm nay 10 tuổi. Con có tính cách năng động, đảm đang. Con biết giúp mẹ lo việc nhà, chăm sóc các em chu đáo. Bé thứ 2 năm nay 8 tuổi. Con là đứa trẻ có nề nếp và nguyên tắc, làm việc gì cũng cẩn thận và kỹ lưỡng. Bé gái út sắp 6 tuổi. Con nhanh nhẹn, hoạt bát, biết quan sát và phản ứng nhanh. Về cơ bản các con khá hợp nhau trong tính cách. Tuy nhiên, khi chơi với nhau, chúng sẽ không tránh khỏi những lúc mâu thuẫn, đem nhau ra so sánh.
Dưới đây là những cách mẹ 8X dạy con theo hướng tích cực:
"1. Ai cũng có ưu điểm và nhược điểm
Vì lứa tuổi sàn sàn ngang nhau, trong cuộc sống hàng ngày cũng không tránh khỏi sự so sánh giữa bọn nhỏ. Ví dụ như có lúc anh cả sẽ phàn nàn: "Lâm chẳng để ý gì cả! Lâm chậm hơn con!…".
Bản thân mình cũng nhận ra những điều anh cả nói là đúng. Tuy nhiên đó chỉ là 1 phần tính cách của Lâm. Mỗi đứa trẻ đều có ưu và nhược điểm nên mình luôn tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu của con để khích lệ, động viên con cố gắng hơn nữa. Nếu nhược điểm có thể làm con xấu hổ, tự ti thì ưu điểm sẽ giúp con mạnh mẽ và có niềm tin vào chính mình.
Vì thế khi con nói như vậy, mình sẽ trả lời: "Tuy Lâm làm chậm, nhưng em lại làm chắc hơn". Rồi mình chỉ cho con cả thấy những ưu điểm của em trai. Thế là con vỡ lẽ và hiểu rằng ai cũng có ưu điểm, nhược điểm.
2. Chúng ta có thể giống nhau ở cùng 1 thời điểm
Thỉnh thoảng có những thời điểm con mình không tập trung làm 1 việc gì đó, hoặc mải chơi, lười ăn,… Mình coi đó là điều hết sức bình thường! Có thể vì lúc đó con mệt, con ham chơi, hoặc cái lứa tuổi đó ẩm ương chưa hiểu chuyện,… Ai cũng có thể sẽ trải qua những giai đoạn không tốt! Thế nên không có sự so sánh đứa trẻ 10 tuổi giỏi hơn đứa 8 tuổi, hoặc anh 8 tuổi giỏi hơn em 6 tuổi.
Khi các con tự so sánh nhau xem ai tốt hơn? Mình luôn nhắc các con về thời điểm so sánh: "Khi con bằng tuổi em thì con thế nào" Đó là sự so sánh khách quan nhất. Để chúng ta nhìn nhận lại bản thân: ai cũng có thể tốt hay không tốt! Hoặc chúng ta có thể giống nhau trong cùng 1 thời điểm!
3. Chỉ cần con tốt hơn bản thân mình ngày hôm qua!
Mình nghĩ mỗi đứa trẻ có 1 cá tính khác nhau, sự thông minh và tư duy khác nhau. Thế nên không thể rập khuôn 1 cách máy móc trong việc nuôi dạy trẻ. Không thể áp dụng cách giáo dục từ đứa trẻ này sang đứa trẻ khác. Chúng ta chỉ có thể tham khảo và lựa theo tính cách của con để tìm ra cách giáo dục phù hợp.
Anh cả nhà mình là 1 đứa trẻ rất tốt về mọi mặt. Anh thứ 2 thì sức khỏe yếu hơn anh, học tập hay sinh hoạt đều chậm hơn anh. Mình chưa bao giờ cảm thấy thất vọng vì con, bởi mình biết con có những ưu điểm khác và con cần được khích lệ nhiều hơn nữa.
Có những lúc con nói: "Con muốn giỏi như anh Nhím!". Khi ấy mình thật sự bất ngờ vì mong muốn của con. Mình động viên con: "Con cố gắng nhiều hơn thì sẽ giống như anh thôi!".
Nhưng sau đấy mình nhận ra rằng sự động viên ấy có thể sẽ tạo áp lực cho con. Mỗi bản thân chúng ta là một cá thể duy nhất. Thế nên không cần đặt mục tiêu giống 1 ai đó. Chỉ cần con cố gắng hết sức trong khả năng của con, con vui và hài lòng với kết quả đạt được. Mình đã đổi cách khích lệ các con:" Chỉ cần con tốt hơn bản thân mình của ngày hôm qua thôi!".
Và kết quả là niềm vui của các con mỗi ngày khi hào hứng khoe với mẹ:
"Mẹ ơi! Con nấu cơm nhiều, con biết dùng dao tốt hơn trước kia rồi!".
"Mẹ ơi! Hôm nay con tập trung nghe cô giảng, con hiểu bài hơn hôm qua mẹ ạ!"…
Em gái thích trở thành nhân vật hoạt hình Dora, 2 anh đều hỗ trợ rất nhiệt tình.
4. Cùng các con trao đổi về sự so sánh
Mình đưa việc so sánh ra để cùng các con thảo luận. Sự công khai, thẳng thắn và khách quan khi so sánh sẽ giúp các con có cái nhìn tích cực hơn. Mình luôn nêu rõ ưu và nhược điểm của các con, để con tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Đôi khi bọn nhỏ cũng sẽ góp ý cho nhau cách thay đổi những nhược điểm để cùng nhau cố gắng tốt hơn.
Cùng nhau thảo luận để con thấy việc so sánh mang ý nghĩa tích cực, thúc đẩy sự cố gắng vươn lên của con. Từ đó con cũng sẽ nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân, tự đánh giá chính mình. Con cũng có thể nói lên suy nghĩ, nhận định của bản thân để bố mẹ và các anh chị em hiểu nhau hơn".