Con trai gần 15 tháng mới đi vững, Bảo Thy không sốt ruột còn kiên quyết từ chối sử dụng 1 thứ hỗ trợ bé biết đi nhanh hơn
Chia sẻ cột mốc mới của quý tử, Bảo Thy cũng tiết lộ những khó khăn của bản thân trong những năm đầu nuôi con.
Từ khi kết hôn rồi hạ sinh con trai đầu lòng với đại gia Phan Lĩnh, Bảo Thy trở thành "hot mom" của showbiz Việt. Con trai của nữ ca sĩ tên Victor. Cậu bé khôi ngô tuấn tú và có nước da trắng ngần giống mẹ. Bảo Thy tiết lộ cô không thuê bảo mẫu mà tự tay chăm sóc con trai. Nữ ca sĩ thường xuyên cập nhật hình ảnh của bé Victor trên trang cá nhân, thể hiện mình là một người mẹ "cuồng con".
Bảo Thy là một bà mẹ "cuồng con". Cô muốn tự mình chăm sóc con trai để bé được phát triển toàn diện.
Mới đây, trên trang Instagram cá nhân, Bảo Thy hạnh phúc chia sẻ khoảnh khắc con trai có thể tự bước đi. Cô xúc động cho biết: "Những bước đi đầu tiên của con trước giờ ngủ đêm qua".
Dù clip chỉ 10 giây ngắn ngủi, nhưng người xem vẫn có thể thấy rõ từng bước đi của cậu bé Victor. Em đi vững, bước chân chắc không cần người đỡ. Mỗi khi loạng choạng sắp ngã, cậu bé dừng lại để giữ thăng bằng rồi đi tiếp. Trải nghiệm tự đi được khiến nhóc tỳ rất vui, nở nụ cười toe toét.
Dù 15 tháng tuổi con trai mới biết đi tập tễnh nhưng Bảo Thy không hề sốt ruột. Nữ ca sĩ không ép con phải biết đi sớm mà để bé phát triển một cách tự nhiên. "Mẹ để con được phát triển theo đúng với sự cứng cáp của cơ thể. Khi nào con tự tin và cảm thấy an toàn thì con tự đứng lên và đi luôn ạ. Và con đạt được mốc đi tự tin thả tay ra không cần vịn khi tròn 15 tháng cô chú ơi.
Có một tí mẹo là khi con cứng cáp hẳn thì sẽ không sợ chân con bị vòng kiềng. Có kiêng có lành, xưa mẹ con cũng chậm đi y chang vậy, nên giờ chân mẹ con thẳng tắp", nữ ca sĩ kể.
Con trai Bảo Thy tập tễnh những bước chân đầu tiên
Ngoài ra, Bảo Thy còn tiết lộ nguyên nhân quý tử nhà mình biết đi chậm hơn bạn bè đồng trang lứa: "Vì con bị dị ứng đạm bò và hải sản, cho đến khi 1 tuổi thì mới thích nghi dần". Việc bé bị dị ứng với một số loại thực phẩm dẫn đến việc con bị thiếu chất. Đặc biệt là canxi có nhiều trong hải sản. Canxi sẽ giúp răng và hệ xương của con vững chắc, điều đó giúp bé có thể tự tin học đi hơn.
Khi được hỏi về kinh nghiệm chăm sóc những em bé có cơ địa dị ứng, nữ ca sĩ cho biết, bản thân cô luôn tham khảo ý kiến từ bác sĩ. Vì vậy, cô khuyên các mẹ nên theo sát những người có chuyên môn, để tránh những điều đáng tiếc vì mỗi bé có cơ địa khác nhau.
Giọng ca "Công chúa bong bóng" nhắn nhủ: "Khi bé cảm thấy mình đủ cứng cáp và tự tin bé sẽ đi, mình động viên con chứ đừng áp lực nha. Nuôi con quan trọng nhất là nuôi não và gần gũi cùng con vượt qua các mốc một cách hạnh phúc, chứ đi thì bé nào rồi cũng sẽ biết thôi".
Không nên cho trẻ sử dụng xe tròn tập đi
Không ép con phải biết đi sớm, Bảo Thy cũng kiên quyết không sử dụng xe tròn tập đi, xe đẩy, cũng không có bất cứ dụng cụ nào hỗ trợ tập đi cho con cả. Bởi theo nữ ca sĩ, xe tròn tập đi đã bị Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên sử dụng cho trẻ. Vì "không tốt cho bé lại còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm".
Chia sẻ của Bảo Thy thu hút sự quan tâm của các bà mẹ bỉm sữa. Thật vậy, xe tròn tập đi từ lâu đã được các bác sĩ Nhi khoa khuyên không nên cho trẻ sử dụng. Ngày xưa ông bà thường mua xe này cho bố mẹ tập đi và nhiều người nghĩ rằng nhờ có xe tròn này mà bé biết đi nhanh hơn. Tuy nhiên, điều ngược lại mới đúng. Xe tròn tập đi không giúp em bé phát triển khả năng đi bộ mà gây cản trở hoặc trì hoãn quá trình phát triển và đạt được những cột mốc vận động quan trọng.
Thời gian bé ngồi xe tập đi càng nhiều thì càng bị chậm phát triển hơn. Bởi khoảng thời gian con vận động (đi bộ) rất ít. Bé có thể sẽ bỏ lỡ việc thực hành các chuyển động lặp đi lặp lại quan trọng cần thiết trước khi tập đi. Trẻ sơ sinh có xu hướng sử dụng ngón chân khi ngồi xe tập đi, điều này làm căng cơ chân và cản trở sự phát triển đi lại bình thường.
Khi con ngồi và tự kéo mình lên, chúng đang học cách giữ thăng bằng. Em bé không biết cách giữ thăng bằng trong xe tập đi, làm chậm việc học kỹ năng quan trọng này. Sử dụng xe tập đi cũng đồng nghĩa với việc dành ít thời gian hơn cho tay và đầu gối ở tư thế trườn hoặc bò. Kiểu vận động này rất quan trọng để phát triển khả năng chịu trọng lượng cơ thể của cả xương chậu và vai.
Xe tròn tập đi còn mang lại cho người chăm sóc cảm giác an toàn giả tạo và khiến họ nghĩ rằng không cần quan sát em bé quá nhiều. Những nguy cơ tiềm ẩn mà xe tập đi có thể mang lại bao gồm:
+ Ngã xuống cầu thang
+ Đâm vào thứ gì đó sắc nhọn hoặc cứng.
+ Lật úp trong khi di chuyển.
+ Bị lật đổ bởi một đứa trẻ khác lớn tuổi hơn.
+ Tăng cơ hội tiếp cận dây điện hoặc tủ đựng chén có các hóa chất độc hại.
+ Di chuyển nhanh chóng đến các khu vực nguy hiểm như lò sưởi, lò nướng hoặc hồ bơi.
+ Có thể với tới đồ uống nóng trên bàn hoặc các vật nguy hiểm khác.