Nhờ bí quyết 8 điều, mẹ dạy 3 con có tính cách khác nhau trở nên tình cảm, yêu thương
Theo chị Thuý Hằng, để dạy các con sống tình cảm, yêu thương nhau và yêu thương mọi người, cha mẹ cần làm gương trước tiên.
Chị Thuý Hằng (34 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thụy Điển) sinh được 3 bé. Mỗi bé lại có tính cách khác nhau. Bé lớn nhà chị năm nay 10 tuổi. Con có tính cách năng động, đảm đang. Con biết giúp mẹ lo việc nhà, chăm sóc các em chu đáo. Bé thứ 2 năm nay 8 tuổi. Con là đứa trẻ có nề nếp và nguyên tắc, làm việc gì cũng cẩn thận và kỹ lưỡng. Bé gái út sắp 6 tuổi. Con nhanh nhẹn, hoạt bát, biết quan sát và phản ứng nhanh. Chị dạy các con theo bản năng của một người mẹ. Điều gì đúng đắn là chị sẽ bảo ban các con.
Mẹ trẻ chia sẻ: "Mình nghĩ rằng bản thân mỗi người đã là 1 cuốn sách. Nội dung có tốt hay không thì do người viết. Thế nên trong quá trình rèn luyện thì bản thân mẹ và con đều là những quyển sách tham khảo và hỗ trợ cho nhau. Mình cũng học được nhiều thứ hay ho từ con và cũng là người truyền cảm hứng cho con rèn luyện mỗi ngày".
Cách mẹ trẻ dạy con sống tình cảm, yêu thương
Có rất nhiều người đã đặt câu hỏi để bày tỏ sự ngưỡng mộ về cách chị Thuý Hằng dạy con rằng: "Chị có bí quyết gì mà các con sống tình cảm, yêu thương nhau vậy?". Bí quyết của mẹ trẻ gói gọn trong 8 điều dưới đây:
"1. Cha mẹ phải làm gương
Tình cảm là thứ luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Đối với mỗi người thì cách thể hiện tình cảm sẽ khác nhau. Nhưng đa phần trẻ con thì đều rất vô tư; thường bộc lộ tình cảm, cảm xúc 1 cách rất đơn giản và trực tiếp. Tình cảm đẹp nhất khi xuất phát từ 2 phía! Thế nên để con sống tình cảm thì trước tiên bố mẹ phải truyền cảm hứng cho con bằng những hành động tình cảm.
2. Gia đình cần có thói quen trò chuyện
Gia đình mình có thói quen trò chuyện với nhau mỗi ngày. Tranh thủ những thời gian rảnh mỗi ngày vợ chồng mình sẽ hỏi thăm chuyện các con đi học: Hôm nay học gì? Ăn gì? Có gì vui?... Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy nội dung nhưng ngày nào bọn nhỏ cũng hào hứng thuật lại hành trình 1 ngày cho bố mẹ nghe.
Trước mỗi giờ đi ngủ bố mẹ lại vào phòng bọn nhỏ nằm cùng để tâm sự với các con. Đôi khi chỉ là dặn con mai phải làm gì? Hoặc con thích gì? Muốn làm gì?... Trò chuyện là cách để bố mẹ và con hiểu nhau hơn.
3. Làm việc, vui chơi cùng nhau
Mình và các con thường cùng nhau vào bếp nấu ăn, cùng nhau dọn dẹp. Rảnh rỗi thì cùng nhau đi dạo mỗi tối, cùng xem phim, chơi trò chơi con thích. Mình coi con giống như những người bạn thân, cùng nhau làm những điều mình muốn. Những hoạt động cùng nhau tạo nên sự gắn kết của mọi thành viên trong gia đình.
Anh cả rất ra dáng, rất có trách nhiệm chăm sóc các em.
4. Thể hiện tình cảm bằng những cái ôm, nụ hôn!
Gia đình mình có thói quen ôm, hôn má nhau mỗi ngày. Sáng mình tiễn bọn nhỏ đi học bằng cái ôm, nụ hôn và lời dặn: “Đi học vui con nhé! Chiều về với mẹ!”. Và buổi chiều bọn nhỏ đi học về là lao vào ôm bố mẹ giống như kiểu xa nhau cả năm mới gặp. Có những tối mẹ ở trong nhà vệ sinh đi ra vẫn thấy bọn nhỏ đứng ngoài đợi: “Con chờ mẹ ra để chúc mẹ ngủ ngon! Con chưa ôm mẹ!".
Ngoài những cái ôm ra thì những câu hỏi thăm quan tâm cũng thật sự cần thiết. Mình hay để ý tâm trạng của con xem con vui hay buồn và chia sẻ ngay khi con cần.
5. Lắng nghe và cho con quyền quyết định
Mình tôn trọng các con bằng cách tôn trọng sở thích cá nhân, điều con muốn làm. Những việc nằm trong khả năng, mình để con tự quyết định. Mình cũng lắng nghe và hỏi ý kiến của con: Con muốn ăn gì? Thích mặc gì? Đó là cách để mình tập cho con biết đưa ra quyết định trong mọi trường hợp.
6. Không gian sống tích cực và vui vẻ
Mình nghĩ rằng không gian sống ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của con người. Một môi trường sống lành mạnh, bố mẹ luôn vui vẻ, ngôi nhà có nhiều tiếng cười sẽ giúp những đứa trẻ vui tươi và hồn nhiên. Thông thường con cái sẽ là bản sao của cha mẹ! Thế nên, để có những bản sao tốt thì “bản chính” cũng phải rèn luyện thật nhiều. Bản thân bố mẹ cũng phải cố gắng sống tích cực để truyền cảm hứng đến các con.
7. Làm trọng tài công tâm khi các con mâu thuẫn
Khi các con mâu thuẫn, mình sẽ để từng bạn trình bày sự việc. Mình lắng nghe câu chuyện từ các con sau đó phân tích đúng sai. Để các con tự nhận lỗi và xin lỗi nhau. Có những mâu thuẫn nhỏ mình sẽ không tham gia phân xử mà để cho anh cả thay mẹ làm “trọng tài”. Anh cũng sẽ phân tích cho các em hiểu vấn đề và hoà giải các em khỏi mâu thuẫn.
8. Dạy con nói lời xin lỗi, cảm ơn đúng hoàn cảnh
Trong quá trình giáo dục các con, mình luôn hướng các con tới sự yêu thương người thân, bạn bè, hàng xóm. Luôn nói từ “cảm ơn “ và “xin lỗi “ khi cần thiết. Các con đều phải biết ghi nhớ sự giúp đỡ của người khác và khi cần cũng phải biết chia sẻ. Mình nghĩ những đứa trẻ khi đã học được sự yêu thương thì trong môi trường giữa người với người, người với con vật, chúng sẽ có cách thể hiện tình cảm yêu thương theo 1 cách rất bản năng, tự nhiên chứ không cần phải rập khuôn theo công thức nào cả" - chị Hằng chia sẻ.